Tài sản nhà... chồng!
Người chia sẻ thì nói cô ấy quá tốt, có lòng tự trọng như vậy là hiếm có; người khắt khe thì nói biết đâu lại làm màu mè…

1.

Sáng đầu tuần, tôi được trò chuyện với 2 vị khách tới Tòa soạn. Họ đến vì công việc cá nhân khác, nhưng vì gặp tôi ngay tại phòng khách nên hỏi thăm những chuyện bâng quơ. Họ là mẹ chồng nàng dâu, nhìn qua đã biết rất vui vẻ, thuận hòa.

Bà mẹ chồng là giảng viên đại học, cô con dâu vốn là sinh viên của bà. Ngay từ những ngày còn đi học, cô gái đã thể hiện là người tự trọng, và chăm chỉ làm việc thêm để có tiền ăn học. Sau khi ra trường, cô tập trung cho công việc chuyên môn, học thêm tiếp thạc sĩ, và đi làm thêm ở các công ty khác nên thu nhập rất tốt. Duyên phận cho cô gái về làm dâu trong nhà cô giáo cũ, mọi điều đều rất hài lòng và vui vẻ.

Sau khi cưới, dù gia đình ba mẹ chồng rất yêu thương và có nhà cửa rộng rãi, nhưng cặp vợ chồng trẻ vẫn xin ra ngoài thuê ở trọ, để tự lập. Cứ cuối tuần, các con lại về chơi thăm ba mẹ, đi chợ nấu đồ ăn. Con dâu hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới, không có điều gì chê trách.

“Nhưng nhỏ này ham làm quá cô ơi, chồng đang than là tham công tiếc việc nhiều. Mà con dâu tui nói đang tập trung gây dựng sự nghiệp khi còn trẻ, và mong muốn sớm mua được nhà tại thành phố. Tui có nói nếu cần mua nhà thì ba mẹ sẽ hỗ trợ một nửa nhưng con dâu tui nhất định không nhận tiền”, bà mẹ chồng kể chuyện. Cô con dâu nghe mẹ chồng nhắc thì tiếp lời: “Mẹ à, tụi con giờ vẫn ở tuổi thanh xuân, phải kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Mẹ và ba cứ giữ lấy tiền để dưỡng già. Tụi con sức dài vai rộng, sao lại nhận tài sản của ba mẹ được”.

Bà mẹ chồng thở dài, tặc lưỡi: “Vầy đó, nói hoài mà đâu chịu!”

Tôi nghe câu chuyện của họ, cảm phục cô con dâu quá. Cô còn trẻ, dưới 30 tuổi, có tài và có tâm dường ấy, quả là người hiếm có vô cùng. Tôi mang sự yêu mến này trao đổi với vài người bạn khi ngồi café sáng, người nghe đồng tình, người khác lại phản đối. Người đồng tình thì nhìn thấy rõ rồi. Trong xã hội nhan nhản vị kim tiền, giới trẻ biết nghĩ như cô gái kia là đáng quý. Còn người phản đối vì cho rằng có khi cô con dâu làm màu mè vậy thôi, ba mươi chưa phải là Tết, sao biết được hết lòng người. Hoặc như vậy thì báu bở gì cho anh chồng, khi vợ tối ngày cắm đầu vào công việc. Phụ nữ ham kiếm tiền thì sao mà chu toàn được mọi thứ trong gia đình…

2.

Chỉ câu chuyện từ chối tài sản của gia đình nhà chồng mà tình cờ tôi biết được, đã cho thấy cách suy nghĩ đa chiều của nhiều người. Suy nghĩ khác biệt, nhưng vẫn cần tôn trọng. Đó mới chính là biểu hiện của việc hòa nhập trong xã hội văn minh. Nhưng cũng từ đây, thì nảy sinh ra các khái niệm và cách tư duy bàn luận.

Trước hết, người có lòng tự trọng cần phải được nhìn nhận là người tử tế. Nhìn quanh đi, biết bao vụ án đã xảy ra chỉ vì tranh chấp nhau chút đất, bất kể đó là mối quan hệ gia đình thân thuộc. Cuộc sống của giới trẻ đang ngập tràn các hình ảnh và lối sống ảo, thực dụng, thiếu lý tưởng và khát vọng hữu ích. Cách sống và suy nghĩ tích cực của cô con dâu kia, như cây nến thơm sáng đúng thời điểm.

Và sau đó, đừng nên xây dựng hình thức người phụ nữ phải đảm và giỏi ở nhiều lĩnh vực 1 cách toàn diện. Đã đẹp rồi, mà còn yêu cầu giỏi. Đã giỏi nghề nghiệp chuyên môn rồi, mà còn yêu cầu phải đảm đang việc nhà. Đã nấu ăn ngon lại yêu cầu biết kiếm tiền để chia sẻ gánh nặng với chồng. Có lẽ vì những yêu cầu đó, mà các cô gái sống thế nào cũng khiến người khác ít vừa lòng, dễ đàm tiếu. Mà quả thực có hoàn hảo về mọi thứ thì cũng vẫn là “miếng mồi ngon” của sự đố kỵ, ganh ghét.

Chẳng có viên ngọc nào lại không có vết xước. Cũng đừng cố gắng phải “sống như những đóa hoa”. Chỉ đơn giản làm sao để bản thân các cô gái được vui mỗi ngày, yêu thương người thân, quý mến bạn bè, có được sự thư thái và bình an. Chứ để vừa lòng tất thảy người khác, thì chắc chỉ có thể biến hình thành cục slime của tụi nhỏ - để người ta ngồi bóp nặn tùy ý.

Vậy đi!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản