Thị trường bất động sản 2023: Cơ hội đang ở phía trước
Việt Dũng - 02/02/2023 08:21
 
Tiềm năng và dư địa của thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá còn rất lớn. Bởi vậy, những khó khăn trước mắt và quá trình “thanh lọc” thị trường cũng sẽ đi cùng nhiều cơ hội phát triển.
Phân khúc bất động sản công nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2023 	Ảnh: Trọng Tín
Phân khúc bất động sản công nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2023.  Ảnh: Trọng Tín

Thanh lọc mạnh mẽ

Năm 2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản toàn cầu được dự báo diễn biến chậm lại, thị trường Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã trải qua năm 2022 với nhiều thách thức, đặc biệt là bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí mất thanh khoản. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải cắt giảm 60 - 70% nhân sự, đi kèm với cắt giảm lương; một số công ty buộc lòng phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu và vốn huy động từ khách hàng, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh “đói” vốn, thậm chí phải dừng triển khai dự án. Các doanh nghiệp đều phải linh hoạt áp dụng nhiều phương thức khác nhau như thanh toán hoa hồng cho sàn giao dịch bằng sản phẩm, chiết khấu sâu (có thể lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay)…

Các điểm nghẽn sẽ được khơi thông khi nhu cầu thực của thị trường được đáp ứng.

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group chia sẻ, khó khăn chồng chất đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Nhân sự trong ngành, đặc biệt là đội ngũ môi giới bất động sản bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Ước tính, thời điểm cuối năm 2022, số lượng môi giới hoạt động chỉ còn khoảng 30 - 40% so với đầu năm.

“Bên cạnh những doanh nghiệp đã giải thể mà chúng ta nhìn thấy, còn khá nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ lâu song chưa có giấy tờ quyết định chính thức”, ông Lâm thông tin.

Những điểm sáng

Năm 2022 là một năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu. Tình trạng lạm phát và động thái nâng lãi suất của các ngân hàng trên khắp thế giới đã và đang gây tác động mạnh đến thị trường bất động sản toàn cầu. Dù vậy, các chuyên gia trong ngành vẫn cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam cần phải trải qua quá trình này và cần có quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ các nhà đầu tư.

Đề cập những khó khăn của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ, một số doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản đang phải “thay máu” để tự cứu mình và chờ thời cơ để tái sinh. Các doanh nghiệp bất động sản đang dốc sức vượt qua thách thức để tiếp tục tồn tại, tiến hành đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Các điểm nghẽn sẽ được khơi thông khi nhu cầu thực của thị trường được đáp ứng”, ông Châu nhấn mạnh.

Từ góc nhìn tích cực, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá, trong năm 2022, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ công tác quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể quốc gia cho tới quy hoạch của các tỉnh, thành phố. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản dịch chuyển sang các thị trường lân cận ngoài các đô thị lớn. Tiêu biểu là các thị trường Bình Dương, Đồng Nai… bên cạnh TP.HCM, hay Hưng Yên, Bắc Giang… lân cận Hà Nội.

“Bởi vậy, nhiều điều khả quan đang chờ đợi trong thời gian tới”, ông Troy Griffiths khẳng định.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho biết thêm, trong mắt các nhà đầu tư, thị trường bất động sản Việt Nam còn rất tiềm năng bởi quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ; tầng lớp trung lưu và giàu có ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn cung hạng C đang thiếu hụt, vì thời gian qua, các chủ đầu tư đều tập trung vào sản phẩm ở phân khúc cao cấp. Bởi vậy, chắc chắn nhu cầu căn hộ hạng C sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài.

Đặc biệt, phân khúc bất động sản công nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục là điểm sáng với nhiều dự án được triển khai. Hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện giúp gia tăng giá trị của các dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều địa phương…

Nhìn nhận tổng quan về thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, “đường dài mới biết ngựa hay”. Theo đó, trong năm 2023, thị trường bất động sản sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ, chỉ những doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ và “sức khỏe” tài chính mới có thể tiếp tục “cuộc chơi”. Cùng với đó, là sự ra đời của những phân khúc phù hợp với “túi tiền” và nhu cầu ở thực của đại bộ phận người dân.

“Tôi đánh giá cao những nỗ lực tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp đang thực hiện, bởi đây là các giải pháp phù hợp nhằm tự cứu mình trong giai đoạn khó khăn… Nhiều doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để có thể đi đường dài”, ông Hà chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản