Thoái vốn, mỗi “ông lớn” địa ốc một ngã rẽ
 
Trong khi IDICO và CC1 đã thoái vốn nhà nước thành công, mở ra cơ hội hồi sinh, thì Sông Hồng và Hancorp vẫn chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi việc thoái vốn đi vào ngõ cụt.

Người mừng

Sau thời gian dài yên ắng, hoạt động thoái vốn nhà nước đã nóng lên với các phiên đấu giá thành công tại Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần (mã IDC - HNX) và Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty cổ phần (mã CC1 - UPCoM).

Ông Nguyễn Anh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng cho biết, phiên đấu giá thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bởi đây là 2 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng có tiềm lực thực sự, lại sở hữu những lợi thế riêng.

Chẳng hạn, IDICO là nhà phát triển khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, tổng diện tích 10 dự án khu công nghiệp do IDICO làm chủ đầu tư lên tới 3.300 ha, trải dài từ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, tới Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…

Là ông lớn một thời, hiện Tổng công ty Sông Hồng chỉ lay lắt sống khi liên tục thua lỗ
Là ông lớn một thời, hiện Tổng công ty Sông Hồng chỉ lay lắt sống khi liên tục thua lỗ

Trước đó, trong phiên thoái vốn đầu tháng 11/2017, IDICO là tâm điểm cạnh tranh giữa Bitexco và SSG, 2 tập đoàn bất động sản lớn và phần thắng nghiêng về SSG. Trong phiên đấu giá lần này, SSG tiếp tục là bên đấu giá thành công và mới đây, Hội đồng quản trị IDICO đã bổ nhiệm ông Đặng Chính Trung, đại diện phần vốn của SSG, làm Tổng giám đốc Công ty, thay cho người tiền nhiệm là ông Nguyễn Văn Đạt.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý III/2020 cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, IDC ghi nhận doanh thu 3.356,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 307,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 27,5% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân do Covid-19 làm trì hoãn việc chốt hợp đồng thuê của IDICO với một số nhà đầu tư, dẫn đến diện tích cho thuê mới giảm, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ hiện nay, mảng bất động sản công nghiệp của IDICO vẫn được đánh giá có nhiều triển vọng.

Còn với CC1, mặc dù hoạt động kinh doanh có xu hướng trì trệ trong 5 năm trở lại đây, nhưng vẫn được xem là “đại gia” ngành xây dựng, là chủ đầu tư, tổng thầu EPC nhiều dự án trọng điểm như Bệnh viện Bình Dương, Đại học Việt Đức, Đại học Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Cầu Thủ Thiêm…, hay những dự án lớn trong mảng năng lượng như Nhiệt điện Vân Phong, Nhiệt điện Long Phú, Nhiệt điện Duyên Hải…

Sau nhiều năm hoạt động, CC1 hiện sở hữu quỹ đất lớn, chủ yếu tại TP.HCM như Toà nhà Sailing Tower tại số 51 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (2.964 m2); Khu dân cư Hạnh Phúc tại Lô 11B Khu đô thị mới Nam TP.HCM, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (260.400 m2); Khu căn hộ nhà ở xã hội CC1-Felix Homes tại thửa đất số 564, tờ bản đồ số 1, đường Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp (2.931,6 m2); trạm trộn bê tông tại Km 7, Xa lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (9.927,4 m2); thửa đất số 201-4, tờ bản đồ số 20 tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè (9.551,2 m2). Ngoài ra, CC1 còn sở hữu khu đất rộng 901 m2 tại số 23/2 đường khu II, thôn Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kẻ lo

Trong năm nay, ngoài IDICO và CC1, Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại tổng công ty khác là Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG - UPCoM) và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần (Hancorp, mã HAN - UPCoM).

Tuy nhiên, không như 2 doanh nghiệp trước, phiên đấu giá bán cổ phần của Hancorp ngày 16/12/2020 đã bị hủy do không có nhà đầu tư đăng ký, còn khả năng thoái vốn thành công tại Tổng công ty Sông Hồng trong phiên đấu giá tổ chức ngày 25/12/2020 cũng không được đánh giá cao. Trong trường hợp không hoàn thành việc thoái vốn năm 2020, cả 2 doanh nghiệp sẽ phải chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Cũng là “ông lớn” trong ngành xây dựng, nhưng một trong những lý do khiến Tổng công ty Sông Hồng không nhận được sự chú ý của nhà đầu tư là vì tình hình tài chính bết bát. Trong 10 năm qua, hiệu quả kinh doanh của tổng công ty này liên tục đi xuống.

Nếu như năm 2012, doanh thu của Sông Hồng đạt 1.484 tỷ đồng, thì sang năm 2013 giảm xuống 1.336 tỷ đồng, tới năm 2019 chỉ còn vỏn vẹn hơn 63,1 tỷ đồng. Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty bắt đầu âm 3 tỷ đồng, mức lỗ tăng dần qua các năm và đến năm 2019, số lỗ lũy kế lên tới hơn 666 tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc không có khả năng thanh toán khoản nợ, bị ngân hàng xếp vào nhóm tín dụng xấu, Sông Hồng không được vay vốn dẫn tới không đủ điều kiện tài chính để tham gia các gói thầu. Vì thế, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 tiếp tục thua lỗ hơn 38,6 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên hơn 973 tỷ đồng.

Tại Báo cáo thường niên 2019, Ban lãnh đạo Sông Hồng thừa nhận, Tổng công ty đang trong tình trạng hết sức khó khăn, việc chậm thu hồi vốn các công trình lớn đã ảnh hưởng việc trả nợ cho các khoản vay phải trả theo tiến độ cam kết như khoản vay thi công công trình Vũng Áng 1 (191 tỷ đồng nợ gốc) tại Oceanbank và nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con…

Việc nợ lớn, cộng thêm lỗ lũy kế không ngừng tăng đã “ăn mòn” nguồn vốn của Sông Hồng, tính đến 30/9/2020, tổng nguồn vốn chỉ còn hơn 886,5 tỷ đồng. Nếu những năm trước, công việc chuyển tiếp còn đỡ phần nào gánh nặng, thì hiện nay mảng việc này còn rất ít, công trình mới chưa có, các dự đầu tư chưa được triển khai, dẫn đến thiếu công ăn việc làm, nợ đọng kéo dài, bất chấp những nỗ lực án tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy của Tổng công ty.

Không đến nỗi bết bát như Tổng công ty Sông Hồng, nhưng kết quả kinh doanh của Hancorp cũng chẳng mấy khả quan khi trong xu hướng đi xuống những năm gần đây và đó cũng là lý do khiến Hancorp kém sức hút trong mắt nhà đầu tư.

Cụ thể, doanh thu từ mức 4.636 tỷ đồng năm 2017 đã giảm xuống 3.708 tỷ đồng năm 2018 và chỉ còn 2.451 tỷ đồng trong năm 2019. Lợi nhuận ròng theo đó cũng liên tục giảm, chỉ còn 37,3 tỷ đồng năm 2019 - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hancorp ghi nhận doanh thu hơn 790,9 tỷ đồng, giảm phân nửa so với cùng kỳ 2019, lợi nhuận sau thuế còn giảm mạnh hơn, tới 70%, xuống chỉ còn vỏn vẹn 1,77 tỷ đồng

Đáng chú ý, mảng kinh doanh bất động sản vốn đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu của Hancorp trong nhiều năm qua, thì năm 2019 chỉ còn 12%. Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, mảng kinh doanh bất động sản đóng góp gần như không đáng kể, trong khi mảng xây dựng cũng sụt giảm mạnh do chỉ trúng 2 gói thấu là gói thầu thi công xây dựng công trình và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc dự án Trụ sở Chi nhánh Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và dự án Cơ sở đào tạo tại TP. Cần Thơ với tổng giá 158,58 tỷ đồng (tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt 0,05%).

Trước đó, cuối tháng 2/2020, Hancorp cũng chỉ trúng duy nhất 1 gói thầu xây lắp hoàn thiện đoạn từ Km0+000 đến Km4+787,24 thuộc dự án Đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá trị gần 748 tỷ đồng, nhưng theo hình thức liên danh cùng 3 nhà thầu khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản