Thú cưng ở... chung cư!
Nông thôn nuôi chó, mèo giữ nhà, bắt chuột. Thành thị nuôi chó, mèo để chăm như "cục cưng". Và cũng từ những "cục cưng" này đã trở thành vấn đề nóng ở các chung cư cao tầng hiện nay.
Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ở nhiều chung cư, việc nuôi thú cưng gây ra những câu chuyện nóng hơn cả nhiệt độ ngày hè tại Hà Nội. Có những người đang là bạn bè tốt, hàng xóm tốt của nhau bỗng dưng quay ra trở mặt, cạch mặt chẳng thèm nhìn nhau cũng vì những con chó, con mèo…

1.

Mới đây, trên một nhóm kín tập hợp gần 1.000 cư dân của khu chung cư vừa mới đưa vào sử dụng ở quận Nam Từ Liêm, tranh cãi về việc nên hay không nuôi chó mèo trong chung cư trở thành đề tài bàn tán sôi nổi với rất nhiều ý kiến khá trái chiều.

Theo đó, bắt nguồn từ vụ việc một cư dân cảm thấy bất lực, khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh con chó nhà hàng xóm thường xuyên đến cửa nhà mình đi vệ sinh bừa bãi. Cư dân sau đó đã phải đăng thông tin lên nhóm cư dân để xin ý kiến của cộng đồng.

Cư dân này cho biết, nhà có con nhỏ nên hay mở cửa cho thoáng và trẻ nhỏ hay chạy ra hành lang chơi. Tuy nhiên, chó nhà hàng xóm vì không xích, cũng không nhốt nên hay sang gặm, cắn dép, thậm chí tè bậy. Có lần hàng xóm còn suýt xô xát cũng chỉ vì phân chó nhà khác nằm ngay cửa nhà chị.

Ở một chung cư khác tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) vấn đề nuôi chó, lên án việc chó đi vệ sinh bừa bãi hay chó đi thang máy mà không có chủ nhà, nên cấm nuôi chó… được các cư dân phản ánh liên tục, với đủ tình huống bi hài.

Không chỉ phóng uế bừa bãi, chó được nhiều hộ sống trong chung cư nuôi cũng có những con thuộc giống to lớn như Ngao Tây Tạng, Becgie... nhưng không hề được rọ mõm. Thậm chí, có trường hợp, một đứa trẻ 7 tuổi khi bấm thang máy về nhà đã khóc ré lên vì quá sợ hãi khi thấy bất thình lình trong thang máy có một con chó không rọ mõm tiến lại gầm gừ.

Chủ nhân của chú chó sau đó cũng thản nhiên đi ra khỏi thang máy mà không hề quan tâm đến cháu bé kia. Phải đến khi được bảo vệ nhắc nhở cùng bố mẹ cháu bé thấy thế chạy lại, vị này mới quay lại xin lỗi vài câu cho qua chuyện.

Bữa khác, cũng tại chính chung cư này, nhiều cư dân phải bỏ tập thể dục hơn 1 năm qua vì có lần đang đi dạo thì bị chó của một hộ dân chạy đến cào vào người. Khi phản ánh, chủ nhà nói: “Chó nhà hiền, chưa biết cắn ai bao giờ” và ngang ngược đổ lỗi tại vì nạn nhân chọc phá nên chúng mới tấn công.

Ngay sau đó, các họ dân đã gặp Ban quản lý, yêu cầu phải áp dụng việc phạt chủ nuôi chó thật nặng. Tuy nhiên, những quy định đưa ra dường như không thấm được vào đâu và chủ nhân của chú chó vẫn vô tư đưa "cục cưng" của mình đi lại mà chẳng lo nghĩ gì.

2.
Ở góc độ pháp lý, Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 10-12-2015) và phụ lục Thông tư 02/2016/TT-BXD đã quy định cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là gia súc gia cầm lại chưa được ghi nhận chính thức.

Vì thế, có chung cư cấm nhưng có nơi do cho rằng chó mèo nuôi làm cảnh không có mục đích kinh doanh hay thực phẩm thì không là gia súc nên chỉ yêu cầu nếu nuôi thì tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan và môi trường công cộng. Tuy nhiên, thực tế, đa phần ở các chung cư, tình trạng nuôi chó, nuôi mèo thường nhận được phản đối khá gay gắt.

“Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” - con chó là người bạn trung thành, người bạn tốt nhất của con người từ xưa đến nay. Nếu ai cũng có ý thức trong vấn đề nuôi chó thì việc nuôi chó sẽ không phải là vấn đề tranh cãi.

Dân gian có câu “đánh chó phải ngó mặt chủ”. Nhưng ở chung cư bây giờ, nhiều cư dân đánh chó, đánh mèo để hả giận hoặc để dằn mặt chủ, thế là hận thù trong chung cư bùng phát. 

Tuy nhiên, nhiều người nuôi chó hiện tại không có ý thức văn minh cộng đồng, chưa kể, dù ai cũng công nhận chó là giống thông minh, nhưng dù sao chúng vẫn giữ thói quen từ thời nguyên thủy là tiện đâu “quăng” đấy bất kể không gian cho tới thời gian. Đã thế, các chủ nhân có thói quen khuyến khích chó mèo nên có hành vi vệ sinh nơi công cộng, cố gắng tránh ở phòng mình.

Hậu quả chó mèo là của riêng, còn “xú uế” thành của chung. Đã thế, “mùi vị” đó ở nhiều nơi vô cùng “mạnh mẽ” chứ không hề thoang thoảng. Để giải quyết chuyện này, một số ban quản lý đưa ra điều lệ rất nghiêm minh “chó của ai người ấy dọn”. Nhưng vì hay bị nhốt trong phòng nên chó mèo thích rảo bước là chuyện đương nhiên.

Hễ sểnh ra một cái là chúng chạy tứ phương, lao vào đủ các xó xỉnh và không bao giờ cần gõ cửa. Thành ra mèo và chó đi lại suốt ngày, rồi bị nhốt vô tình cũng có, bị nhốt cố tình vào căn hộ của kẻ khác cũng có nốt. Các gia đình đâm ra oán hận nhau, kẻ nọ tố cáo kẻ kia về đống sản phẩm không rõ của ai, nên tìm ra kẻ phải dọn là cách vô phương.

3.

Dân gian có câu “đánh chó phải ngó mặt chủ”. Nhưng ở chung cư bây giờ, nhiều cư dân đánh chó, đánh mèo để hả giận hoặc để dằn mặt chủ, thế là hận thù trong chung cư bùng phát. Còn bao nhiêu nỗi ưu phiền nữa không thể kể hết ra đây, đó là chó mèo ăn vụng hàng xóm, chó mèo nhà đánh nhau với chó mèo hàng xóm…

Nhiều chung cư các căn hộ đóng cửa im ỉm, cả tháng chẳng ai thấy mặt ai nhưng chó mèo thì lại đối diện thường xuyên, trở thành nỗi khó chịu, nỗi bất hòa, nỗi ghen ghét và nỗi phiền lòng. Bọn thú cưng trở thành mồi lửa cho các cuộc xung đột hoặc công khai hoặc ngấm ngầm. Từ căm thù mèo chó chuyển sang căm ghét con người là điều rất dễ xảy ra.

Xét về mặt tình cảm, chó mèo hay vật nuôi làm cảnh là bầu bạn đáp ứng nhu cầu tinh thần chính đáng của con người nếu chủ sở hữu. Nuôi chó ở chung cư cũng không có lỗi nếu chủ nhân biết cư xử, biết dọn vệ sinh cho thú cưng của mình; biết quản lý vật nuôi sao cho nó không chỉ là niềm vui của cá nhân mà còn là cầu nối tình thân với hàng xóm thay vì trở thành... trung tâm rắc rối, tình làng nghĩa xóm bị rạn nứt thì nuôi chó mèo phỏng có ích gì?.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản