Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Bộ Công an đề xuất lập sàn giao dịch dữ liệu
Tú Ân - 20/09/2024 09:52
 
Trong dự thảo Luật Dữ liệu đang lấy ý kiến người dân, Bộ Công an đề xuất thành lập sàn giao dịch dữ liệu, cung cấp dịch vụ mua bán, trao đổi hợp pháp và an toàn.

Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 Chương 65 Điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.

Tại Điều 51, Bộ Công an đề xuất các quy định về sàn giao dịch dữ liệu. Đây là môi trường giao dịch trực tuyến để trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp.

Sàn giao dịch dữ liệu do Bộ Công an cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định, có sự giám sát, đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước được triển khai sàn giao dịch dữ liệu và chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về hoạt động trước cơ quan chủ quản.

Lập sàn giao dịch dữ liệu là đề xuất của Bộ Công an.

Sản phẩm dữ liệu được giao dịch phải tạo ra từ nguồn dữ liệu phi cá nhân hoặc dữ liệu cá nhân khi được chủ thể đồng ý. Dữ liệu giao dịch này không tác động đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm bí mật nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quy chế hoạt động của sàn phải được công khai, bao gồm trách nhiệm các bên tham gia; quy trình giao dịch; đảm bảo bí mật thông tin, chống hành vi gian lận; quản lý rủi ro, xử lý khiếu nại tranh chấp, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS) đánh giá, trong thời đại số hóa, mọi quyết định của tổ chức, doanh nghiệp đều cần dựa trên dữ liệu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong chuyển đối số thì dữ liệu sẽ là trung tâm. Tuy nhiên, thực tế chỉ các doanh nghiệp lớn, sở hữu nền tảng, dịch vụ có hàng triệu người dùng là có lợi thế về dữ liệu. Đa số các doanh nghiệp, tổ chức hiện nay đều không có dữ liệu đủ để phân tích, giải quyết các bài toán của riêng mình. Từ đó nảy sinh những nhu cầu rất lớn về mua bán, trao đổi dữ liệu. Bên cạnh đó, Trí tuệ nhân tạo AI cũng đòi hỏi một lượng dữ liệu lớn để thông minh hơn, trưởng thành hơn. Do đó, hơn bao giờ hết, sàn giao dịch dữ liệu là vô cùng cần thiết tại thời điểm này. 

“Sàn giao dịch dữ liệu ra đời không chỉ giúp các hoạt động liên quan đến dữ liệu diễn ra một cách minh bạch và an toàn, mà còn đảm bảo tính hợp pháp cho các giao dịch này. Điều này tạo ra một môi trường tin cậy cho cả người mua và người bán, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Sơn đánh giá.

Theo ông Sơn, sàn giao dịch dữ liệu là đòn bẩy cho nền kinh tế số. Theo đó, sàn giao dịch dữ liệu có thể hiểu là nơi thực hiện chức năng giao dịch, trao đổi, mua bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp đến các chủ thể yêu cầu dịch vụ. Sàn giao dịch dữ liệu có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế theo nhiều cách.

Đầu tiên, nó cho phép chia sẻ dữ liệu hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng tìm thấy và mua bán dữ liệu cần thiết cho hoạt động kinh doanh và hoạch định chiến lược của họ. Bên cạnh đó, sàn giao dịch cũng cung cấp các sản phẩm khác liên quan là dịch vụ phân tích và khai thác dữ liệu, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa giá trị từ dữ liệu mà họ sở hữu. Nhiều doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc khai thác dữ liệu, nhưng với sàn giao dịch, họ sẽ có nhiều lựa chọn hợp lý và hợp pháp.

Hơn nữa, việc có dữ liệu từ nhiều nguồn sẽ kích thích sự đổi mới sáng tạo, cho phép doanh nghiệp phát triển các ý tưởng, chiến lược và sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sàn giao dịch cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp giảm chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp. Việc trao đổi dữ liệu qua sàn giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán dữ liệu không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng dịch vụ không tin cậy. Thêm vào đó, sàn giao dịch sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn về dữ liệu, đồng thời được giám sát và quản lý độc lập để tuân thủ đúng quy định.

Theo Chiến lược dữ liệu quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu. Dự luật Dữ liệu sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 khai mạc tháng 10/2024.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư