Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: CPTPP và EVFTA đặt nông nghiệp vào thế cạnh tranh cao
Thu Phương - 15/07/2019 08:08
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải gia tăng tăng sức cạnh tranh về chất lượng và thị trường nông sản.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Thưa Bộ trưởng, CPTPP và EVFTA đặt ra những thách thức nào cho ngành nông nghiệp Việt Nam?

Khi tham gia 2 FTA thế hệ mới trên, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, nhưng chúng tôi đặt những thách thức lên hàng đầu. CPTPP có 11 quốc gia, trong khi EVFTA có 28 quốc gia tham gia, chiếm khoảng 35% GDP thương mại toàn cầu. Đây là những quốc gia có trình độ quản lý rất cao.

Bên cạnh đó, các nước đều có tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa rất tốt, điển hình là Canada, Australia, New Zealand… Họ có thế mạnh về tài nguyên, quản trị, khoa học, công nghệ. Do đó, chúng ta sẽ bị cạnh tranh cao về chất lượng và thị trường nông sản.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những cơ hội, đó là khả năng thích ứng của nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, xuất khẩu nông sản năm 2018 đã đạt 40 tỷ USD, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có những ngành hàng có thể chiến thắng được, quan trọng là cần có niềm tin.

Ngoài niềm tin, chúng ta còn điều gì để kỳ vọng vào sự hội nhập thành công của nền nông nghiệp nước nhà?

Hiện nay, những điều kiện kinh tế bổ trợ của các khu vực khác cho nông nghiệp đang ngày một hoàn thiện. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã trưởng thành, có khát vọng vươn lên, đã và đang liên kết chặt chẽ, hiệu quả với nông dân, hợp tác xã để sản xuất, đưa hàng nông sản Việt Nam hội nhập.

Để hội nhập thành công, tất nhiên không chỉ cần có niềm tin, mà cả 3 khu vực Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều phải cố gắng cao nhất. Có như vậy mới tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hay hệ liên kết từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, đến thương mại, cùng tạo chuỗi khép kín, chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành hàng khu vực để có thể chủ động chiến thắng.

Cùng với nhiều lợi thế, ngành nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập sâu rộng, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do cũng bộc lộ những điểm yếu. Theo Bộ trưởng, điểm yếu đó là gì?

Thứ nhất là sản xuất manh mún, với 8,6 triệu hộ nông dân và 10 triệu ha đất canh tác. Đây là yếu tố chúng ta sẽ gặp khó khi đi cạnh tranh với những đất nước có tài nguyên lớn.

Thứ hai là biến đổi khí hậu tác động ngày càng khắc nghiệt, tác động tới nông nghiệp.

Thứ ba là thời gian hội nhập, đổi mới còn ngắn, mà phải cạnh tranh với các nước có bề dày kinh tế, đã hoàn thiện thể chế, cũng như có tiềm lực khoa học, công nghệ rất mạnh.

Khi hội nhập, ngành hàng nào của Việt Nam được dự báo là sẽ có lợi thế nhất?

Phải xác định, khi hội nhập kinh tế toàn cầu thì mặt hàng nào cũng có lợi thế và mặt hàng nào cũng có thể gặp bất lợi. Đừng nghĩ lâm sản thời gian qua xuất khẩu tốt là có lợi thế lớn. Có tiền đề mà không quản lý tốt, không xây dựng được chuỗi giá trị, không trồng rừng có chứng chỉ thì không thể gọi là có lợi thế. Cái gì chú ý làm tốt thì đều có lợi thế. Nếu có lợi thế mà chủ quan, lơ là, không làm đến nơi đến chốn thì sớm muộn sẽ mất.

Bộ trưởng đánh giá thế nào về mục tiêu xuất khẩu nông sản 43 tỷ USD trong năm nay, khi Việt Nam tiếp cận sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do?

Chúng ta nên nhìn vào hướng phát triển bền vững là chính, bởi xuất khẩu đạt cao hay thấp còn phụ thuộc vào giá cả thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam không thi đua xuất khẩu nông sản với thế giới; cái chúng ta cần hướng tới là nền kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển về mặt giá trị. Việt Nam sẽ kiên quyết không đi theo số lượng, mà hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm thu nhập người nông dân cao nhất.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp, đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố, phải tiêu hủy 3.306.038 con (chiếm khoảng 11% tổng đàn lợn cả nước). Đâu là biện pháp trọng tâm để phòng, chống dịch trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Để đảm bảo thiệt hại nhỏ nhất, nhóm giải pháp thời gian tới là áp dụng biện pháp an toàn sinh học mức độ cao nhất ở cả hai nhóm là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nhóm hộ trang trại chăn nuôi lớn. Thực tiễn đã chứng minh, cứ làm an toàn sinh học tốt thì bệnh dịch khó có thể thâm nhập vào đàn lợn. Tổng số đàn lợn chết vừa qua chủ yếu là của các hộ nhỏ lẻ, nơi khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, còn những hộ lớn vẫn giữ nguyên được.

Bên cạnh đó, thúc đẩy các biện pháp khác như nghiên cứu vacxin, bước đầu đã có kết quả. Ngoài ra, ứng dụng các chế phẩm khác, phối hợp với giải pháp an toàn sinh học giúp hiệu quả hơn trong công tác phòng dịch.                       

Có một nỗi lo là từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2020 có thể sẽ thiếu hụt thịt lợn. Bộ NN&PTNT có phương án nào để giải quyết vấn đề này?

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi thâm nhập vào Việt Nam, ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT đã đề ra những giải pháp để ứng phó, trong đó, tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp việc thiếu hụt thịt lợn. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng chăn nuôi gia cầm đã tăng 7,2%, các nhóm đại gia súc và thủy sản cũng gia tăng lượng nuôi đáng kể.

Cùng với phát triển các nhóm thực phẩm này, Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo người dân phải chú ý xây dựng chuỗi an toàn, phòng trừ trường hợp đẩy mạnh phát triển, nhưng cuối năm lại xảy ra dịch bệnh; đảm bảo cân đối cung - cầu, không gây khủng hoảng thừa, đồng thời tạo sinh kế cho những người bị thiệt hại chăn nuôi lợn để có việc làm mới.

Không chủ động thì cơ hội từ EVFTA vẫn là trên... giấy
Theo Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhiều doanh nghiệp và cả các bộ, ngành, địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư