Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Bước chuẩn bị cho kinh tế năm 2025 đột phá
Hà Nguyễn - 26/12/2024 09:29
 
Chính phủ quyết tâm đưa tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức trên 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Bởi thế, giờ là lúc phải chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp cho bước đột phá của nền kinh tế.
Hàng loạt chỉ đạo đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Công điện số 137/CĐ-TTg về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Ảnh: Đức Thanh

Nhiệm vụ nặng nề: Tăng trưởng trên 8%

Thủ tướng Chính phủ, cách đây ít ngày, đã ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đây là việc khá hiếm gặp, bởi thông thường, các chỉ đạo về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ được thực hiện vào đầu năm hoặc giữa năm, hơn là vào cuối năm trước.

Dễ hiểu vì sao lần này, Thủ tướng Chính phủ lại ra Công điện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 vào những ngày cuối năm 2024. Bởi nhiệm vụ của năm 2025 là rất nặng nề, không phải chỉ là đạt mức tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% như Quốc hội đã quyết nghị, mà là tăng trưởng trên 8%.

Mục tiêu này lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, diễn ra hôm 1/12/2024, nhằm tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021-2030.

Đây là một mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức, thậm chí thách thức còn nhiều hơn cơ hội trong năm 2025. Tuy vậy, sau đó, mục tiêu này liên tục được nhấn mạnh.

Tại Công điện số 137/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: “Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao)”.

Không chỉ là tăng trưởng cao, mà trong nội hàm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lần này, còn có một nhiệm vụ không nhỏ khác. Đó là không chỉ “đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế” như lâu nay, mà còn “có thặng dư cao”.

Nhiệm vụ là nặng nề, bởi nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước cho thấy, dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới sẽ cao hơn năm 2024, nhưng vẫn có nhiều rủi ro và “biến số”. Một trong những biến số được nhắc tới nhiều nhất là kinh tế Mỹ và các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong năm tới.

Trong một cuộc hội thảo được tổ chức gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã thẳng thắn cho rằng, trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump, thế giới có thể sẽ đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt và vì thế, Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động.

Chưa kể, còn là các vấn đề liên quan đến tỷ giá, chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các vấn đề liên quan đến biến động địa chính trị toàn cầu và tất nhiên, bao gồm các điểm nghẽn, các yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Trong báo cáo được đưa ra hồi trung tuần tháng 12/2024, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhắc đến các tác động tới tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, nếu Mỹ có các thay đổi về chính sách kinh tế, thương mại, tài khóa…

Bước chuẩn bị cho kinh tế năm 2025

Hàng loạt chỉ đạo đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Công điện số 137/CĐ-TTg. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức trên 8%, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các ngành, lĩnh vực, bộ, cơ quan, địa phương trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, đảm bảo đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Thực tế, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025, Chính phủ luôn xác định rõ, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức khó lường, không phải chỉ vì các yếu tố bất định từ bên ngoài, mà còn cả các vấn đề trong nội tại nền kinh tế. Và do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8%, phải nỗ lực mạnh mẽ.

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2025 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

Trong đó, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%; Hà Nội, TP.HCM, các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025…

Nhiều nhóm giải pháp quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, từ “làm mới” các động lực tăng trưởng truyền thống đến “thúc đẩy, tạo đột phá” cho các động lực tăng trưởng mới, rồi huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh…

“Với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu mức tăng 8%. Đây cũng là bước để chuẩn bị sẵn sàng để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói và cho rằng, mục tiêu đã đặt ra phải quyết tâm đạt được và có giải pháp để thực hiện mục tiêu đó.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội để trình Chính phủ vào phiên họp đầu năm 2025. Phương án cuối cùng chưa được chốt, nhưng Bộ đang đề xuất phương châm điều hành năm tới là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tạo đà bứt phá”.

Sáu trọng tâm điều hành trong năm tới cũng được đề xuất. Trong đó, đáng chú ý là sẽ “lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển”; “xác định đột phá về thể chế là ‘đột phá của đột phá’, phải đi sớm, đi trước, mở đường cho đột phá phát triển”…

Kinh tế 2024: Chặng đua về đích
Chỉ còn vài bước chạy nữa là kinh tế Việt Nam sẽ về đích kế hoạch năm 2024. Thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn cần những nỗ lực để đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư