Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
CEO iGreen Đoàn Văn Tùng: 7 năm tìm lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường
Thị Hồng - 29/08/2021 15:24
 
Hành trình iGreen của ông Đoàn Văn Tùng và cộng sự bắt đầu từ câu hỏi có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy bằng thứ gì...
Ông Đoàn Văn Tùng (bên phải) và ông Tô Quốc Bình, đồng sáng lập iGreen
Ông Đoàn Văn Tùng (bên phải) và ông Tô Quốc Bình, đồng sáng lập iGreen

7 năm giải một bài toán

Sử dụng các sản phẩm bằng nhựa là thói quen trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Nhưng với các chuyên gia sinh học như ông Đoàn Văn Tùng, thói quen này đồng nghĩa với viễn cảnh đầy màu xám, khi môi trường bị hủy hoại bởi nhựa và các sản phẩm từ nhựa.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn thải ra biển (chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới). Chỉ tính riêng hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. “Với thực trạng này, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ chìm trong biển rác nhựa và phải đối mặt với nguy cơ ‘ô nhiễm trắng’ trầm trọng”, ông Tùng trăn trở.

Hiện tại, iGreen đã có 30 khách hàng sử dụng sản phẩm cuối cùng. Ông Tùng và cộng sự gọi vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất và mở nhà máy tại Bình Dương hoặc Đồng Nai, gần cảng Cát Lái để có thể xuất khẩu. Mục tiêu họ đặt ra là 50% khách hàng trong nước, 50% khách hàng xuất khẩu.

Ông Tùng đã nghiên cứu trong lĩnh vực nhựa sinh học (Bioplastics) từ năm 2012, nên biết mình có thể làm gì. Năm 2019, Dự án khởi nghiệp iGreen của ông ra đời, chính thức đưa ra những giải pháp thay thế hữu ích cho người tiêu dùng, đó là sản xuất hạt nhựa phân hủy sinh học.

Nhà sáng lập iGreen thừa nhận, để sản xuất hạt nhựa phân hủy sinh học không hề dễ dàng. Ông đã mất 7 năm gian nan để đưa được các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm trở thành sản phẩm có thể sản xuất công nghiệp.

“Suốt từ năm 2012 đến 2019, chúng tôi chỉ tập trung giải một bài toán, đó là làm thế nào để nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm phân hủy hoàn toàn trong thời gian ngắn, không để lại vi nhựa hay bất kỳ chất độc hại nào có thể gây tổn hại đến môi trường. 7 năm đó là hành trình thử đi, thử lại các nghiên cứu, các thực nghiệm, làm các thủ tục, các loại chứng nhận... Nếu không đam mê, chúng tôi không thể đi hết chặng đường này”, ông Tùng kể lại.

Hiện tại, iGreen là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm được làm từ vật liệu phân hủy sinh học có nguồn gốc từ tinh bột, có thể phân hủy hoàn toàn trong vòng 6 đến 12 tháng trong môi trường chôn ủ phù hợp. Các sản phẩm này có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần đang rất phổ biến hiện nay.

Con đường đi đến sản xuất chuyên nghiệp

Tại Việt Nam, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn iGreen đã vượt qua quy trình kiểm tra khắt khe, được đánh giá an toàn cho người sử dụng khi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn đối với vật liệu tiếp xúc với thực phẩm của Việt Nam do Bộ Y tế ban hành (Quy chuẩn QCVN 12-1:2011/BYT).

Hạt nguyên liệu sinh học của iGreen đã được chứng nhận TUV (Chứng nhận An toàn sản phẩm trên toàn thế giới) bao gồm kiểm tra về độ phân hủy sinh học, các hạt nhựa kim loại nặng, độc tố sinh thái. Ông Tùng cho biết, tại Việt Nam, chỉ có 4 đơn vị được TUV cấp chứng nhận này.

Theo nhà sáng lập iGreen, tùy vào ứng dụng, hạt nguyên liệu sinh học này có thể tạo ra sản phẩm sử dụng cuối cùng bằng 3 công nghệ thổi đùn, ép phun và ép đúc. Tháng 4/2020, iGreen đã bán sản phẩm cuối là túi bao bì và ống hút cho chuỗi nhà hàng, hệ thống khách sạn 5 sao với doanh thu 800 triệu đồng và lợi nhuận ròng 15%.

Tuy nhiên, đây không phải là kế hoạch của nhà sáng lập với iGreen. “Chúng tôi không chỉ sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, mà còn là nhà cung cấp nguyên liệu sinh học”, ông Tùng chia sẻ.

Trong kế hoạch này, iGreen đang có lợi thế khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) ngay từ đầu. Nếu túi nhựa sinh học nhập từ Trung Quốc có độ dày 25 micron, thì sản phẩm của iGreen chỉ mỏng 18 micron. Thông thường, trong 1 kg túi có khoảng 100 chiếc, nhưng với hạt nhựa sinh học của iGreen là 120 chiếc/kg.

Trong lĩnh vực sản xuất hạt nhựa sinh học, các chuyên gia cho rằng, để có được chất lượng khác biệt so với đơn vị cùng ngành, bên cạnh đầu tư vào máy móc, công nghệ, thì kinh nghiệm R&D đóng vai trò quan trọng. “Chúng tôi có một chặng đường gian nan từ phòng thí nghiệm ra thị trường, nên tự tin với năng lực cạnh tranh của mình trong cung cấp nguyên liệu mới này”, ông Tô Quốc Bình, đồng sáng lập iGreen chia sẻ thêm.

Có lẽ đây cũng là lý do mà iGreen vừa nhận được cam kết đầu tư 25 tỷ đồng để đổi lấy 49% vốn. Nhà đầu tư sẽ hỗ trợ start-up về nhà xưởng, kết nối với một viện nghiên cứu ở Đức để chuyển giao công nghệ phù hợp. Lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường mà ông Tùng đang cùng với iGreen đi tìm sẽ không dừng lại ở sản phẩm bao bì, ống hút sinh học...

James Vương, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Infina: “Mọi người đều có thể đầu tư với số vốn nhỏ”
James Vương đang đặt cược vào lần khởi nghiệp thứ hai với nền tảng đầu tư và tích lũy Infina, khi tin rằng, những nhà đầu tư thế hệ mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư