Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chào sàn UPCoM, Helio Energy “nặng gánh” nợ vay
Duy Bắc - 24/10/2023 08:14
 
Mới thành lập giữa năm 2020, nhưng nhờ sự hậu thuẫn của hệ sinh thái Amber Capital và tín dụng từ EVN Finance, Công ty Helio Energy nhanh chóng nâng tổng công suất sản xuất điện lên 38,2 MWp.

Dấu ấn của EVN Finance trong quá trình mở rộng của Helio Energy

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận niêm yết 21 triệu cổ phiếu HIO của Công ty cổ phần Helio Energy trên sàn UPCoM, với giá tham chiếu 10.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hoá 222,6 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Helio Energy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Tháng 10/2021, Công ty Helio Energy đã chào bán 20 triệu cổ phiếu cho nhóm cổ đông sáng lập với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng, lên 210 tỷ đồng. Trong số tiền huy động, Công ty sử dụng 184,8 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng phần vốn góp của 26 doanh nghiệpdự án điện mặt trời mái nhà; gần 7 tỷ đồng trả nợ vay cho CTCP Đầu tư năng lượng Heli; còn lại gần 8,2 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Tính tới ngày 22/9/2023, Helio Energy chỉ có một cổ đông lớn là Công ty cổ phần Helio Power, sở hữu 69,31% vốn điều lệ, còn lại 30,69% vốn điều lệ thuộc về cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Trở lại với tình hình nguồn vốn sau khi thành lập, thời điểm cuối năm 2020, Công ty Helio Energy sử dụng 53,6 tỷ đồng nợ vay, chiếm 64,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, 44 tỷ đồng do Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) cấp; còn lại 9,6 tỷ đồng do CTCP Đầu tư năng lượng Heli cấp vốn.

Trong đó, các hợp đồng cấp vốn cho Công ty Helio Energy của EVN Finance đều có thời hạn vay lên tới 84 tháng, với mục đích phát triển các dự án năng lượng và dùng chính dự án hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo.

Tính tới ngày 30/6/2023, tổng nợ vay của Công ty Helio Energy đã tăng 5,29 lần so với thời điểm 31/12/2020, tương ứng tăng thêm 283,51 tỷ đồng, lên 337,11 tỷ đồng và bằng 147% vốn chủ sở hữu. Trong đó, vốn vay của EVN Finance lên tới 48,43 tỷ đồng; còn lại là các khoản vay các ngân hàng khác, như BIDV Chi nhánh Ban Mê (137,8 tỷ đồng), Vietcombank Chi nhánh Hoàn Kiếm (55,6 tỷ đồng), BIDV Chi nhánh Sơn Tây (40,2 tỷ đồng), SHB (39,1 tỷ đồng), Vietcombank Chi nhánh Quảng Bình (15,4 tỷ đồng).

Có thể thấy, ngay từ khi mới thành lập, Công ty Helio Energy đã nhận được khoản cấp tín dụng từ EVN Finance và tiếp tục nhận thêm các khoản tín dụng tại tổ chức này tới thời điểm hiện tại.

Thực tế, trong lịch sử, EVN Finance đã đầu tư nhiều vào các đơn vị có liên quan trong hệ sinh thái Amber Capital. Trong đó, thời điểm cuối năm 2019, EVN Finance đầu tư 300 tỷ đồng vào CTCP Helio Power (nay là CTCP Đầu tư năng lượng Heli), chiếm 9,09% vốn điều lệ; đầu tư 39,2 tỷ đồng vào CTCP Amber Capital, chiếm 4,9% vốn điều lệ…

Sử dụng nợ vay tài trợ các thương vụ M&A trong lĩnh vực năng lượng

Năm 2021 và năm 2022, Công ty Helio Energy đã thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) với 34 công ty là các doanh nghiệp sở hữu dự án điện mặt trời mái nhà vận hành từ cuối năm 2020 và hưởng giá bán điện ưu đãi.

Tính tới thời điểm trước khi niêm yết, Công ty Helio Energy và các đơn vị thành viên đang vận hành các dự án điện mặt trời mái nhà có tổng công suất hoạt động 38,2 MWp, tập trung ở các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Công ty Helio Energy cũng liên tục mở rộng hệ sinh thái bằng việc sử dụng nợ vay. Tính tới ngày 30/6/2023, tổng nợ vay của Công ty Helio Energy là 337,11 tỷ đồng, bằng 147% vốn chủ sở hữu.

Được biết, tại thời điểm 30/6/2023, nợ vay trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong lĩnh vực năng lượng thấp hơn nhiều, như CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (mã TTA) là 117%; CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) là 54%; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP là 24%…

Như vậy, nếu so với nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điện đang niêm yết trên sàn, Công ty Helio Energy có tỷ lệ sử dụng nợ vay rất cao. Việc sử dụng nợ vay lớn để tài trợ quá trình M&A giúp Công ty tăng trưởng nhanh và mở rộng quy mô hoạt động, song đi kèm theo đó là chi phí tài chính gia tăng.

Có thể thấy, với việc niêm yết trên sàn UPCoM, Helio Energy không dễ thu hút nhà đầu tư do thanh khoản của sàn này tương đối thấp, song việc này sẽ giúp Công ty có thể định giá giá trị cổ phần, từ đó có thể sử dụng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cho việc vay nợ hoặc phát hành trái phiếu trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư