Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chính quyền đô thị: Cơ hội vàng cho Thành phố vệ tinh
Thanh Toàn - 20/06/2014 21:12
 
() Đề án Chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, nếu sớm triển khai sẽ mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của các đô thị vệ tinh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Công bố quy hoạch Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam
TP.HCM khởi động dự án công nghệ cao 1.100 tỷ đồng
TP.HCM gọi đầu tư vào khu đô thị vệ tinh Tây Bắc
Kinh tế TP.HCM có dấu hiệu phục hồi
TP.HCM thông qua Đề án thí điểm chính quyền đô thị

Thay áo

Mặc dù là một trong 40 thành phố đông dân nhất thế giới, với hơn 10 triệu người, nhưng phần lớn diện tích đất của TP.HCM lại là nông thôn, phần đô thị cũ và những vùng đang đô thị hóa chiếm chưa tới 30%. Thực tế trên buộc chính quyền TP.HCM vừa phải thực hiện chức năng quản lý khu đô thị đã hình thành, vừa quản lý một vùng nông thôn rộng lớn. Nói một cách ví von rằng, TP.HCM đang mặc cùng một chiếc áo với các địa phương khác dù cơ thể to lớn và có những nét đặc thù riêng.

  Chính quyền đô thị: Cơ hội vàng cho Thành phố vệ tinh  
  Đề án Chính quyền đô thị của TP. HCM nếu sớm triển khai sẽ mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của các đô thị vệ tinh  

Với chủ trương “thay áo” để tạo điều kiện cho sự phát triển, TP.HCM đã xây dựng Đề án Chính quyền đô thị.

Theo đề án, TP.HCM sẽ tổ chức lại thành 1 đô thị trung tâm, 4 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn và 35 xã. Đồng thời, mô hình tổ chức chính quyền 3 cấp (tỉnh/thành – quận/quyện – phường/xã) cũng sẽ được giảm xuống còn 2 cấp, nhằm giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy quản lý, phân định rõ nhiệm vụ của mỗi cấp, nâng cao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp và giảm nhiêu khê cho người dân.

Đề án Chính quyền đô thị thể hiện sự kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố và nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia về kinh tế, quy hoạch trong việc tạo ra một bước đột phá quan trọng đưa TP.HCM phát triển xứng đáng với tầm vóc vốn có.

Cơ hội vàng cho các đô thị vệ tinh

Dưới góc độ quy hoạch, nhiều chuyên gia cho rằng, Đề án Chính quyền đô thị của TP.HCM nếu sớm được Quốc hội thông qua và triển khai sẽ mang lại nhiều cơ hội tích cực cho sự phát triển của toàn Thành phố nói chung, đặc biệt là các khu vực nằm trong 4 đô thị vệ tinh.

Nhận định trên xuất phát từ quy hoạch hành chính tổng thể của Đề án. Theo đó, đô thị trung tâm, được hình thành từ 13 quận nội thành, đã đô thị hóa triệt để, khó có khả năng cải tạo quy hoạch, nâng cấp và thay đổi diện mạo. Ngược lại, đối với khu vực nông thôn, khả năng phát triển lại nằm nhiều ở tương lai, do quá trình đô thị hóa hiện đang bị chững lại dưới những tác động tiêu cực của thị trường bất động sản.

Riêng với những khu vực được quy hoạch thành các đô thị vệ tinh, đề án sẽ là cơ hội thuận lợi để phát triển và có thể góp phần hâm nóng những dự án bất động sản tại các khu vực này. Trong đó, khu đô thị Đông (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức) có trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm và giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, sẽ phát triển dựa trên 2 bờ sông Đồng Nai và Sài Gòn. Thành phố này sẽ có chức năng chính là phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao.

Khu đô thị Bắc (gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn) sẽ có chức năng kinh tế là phát triển dịch vụ, sinh thái gắn với nông nghiệp kỹ thuật cao (cây cảnh, hoa, cá cảnh...), phát triển các khu dân cư phục vụ cho việc giãn dân, chỉnh trang đô thị khu vực Gò Vấp, Tân Bình.

Khu đô thị Tây (gồm quận Bình Tân, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh) theo quy hoạch đây sẽ là đầu mối giao lưu kinh tế với đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và phát triển khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, 6, Tân Bình.

Cuối cùng là Khu đô thị Nam (gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh) sẽ phát triển dựa trên sông Nhà Bè và Xoài Rạp. Với nhiều dự án lớn đã được hình thành, đây có thể xem là Đô thị vệ tinh tiềm năng nhất trong quy hoạch của Đề án Chính quyền đô thị. Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Hiệp Phước… sẽ là cơ sở vững chắc để phát triển dịch vụ cảng và thương mại.

Riêng lĩnh vực bất động sản, Phú Mỹ Hưng chắc chắn sẽ là tâm điểm của Khu đô thị Nam với quy hoạch hiện đại, thống nhất. Ở thời điểm hiện tại, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh với các sản phẩm về nhà ở, mặt bằng dự án được thị trường đánh giá tốt. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như Vietcombank, ANZ, Vinamilk, Petroland, Toyota, Mercedes Benz, Unilever, BMW… đã chọn nơi đây làm địa điểm kinh doanh.

Trong động thái gần nhất, UBND TP.HCM vừa công bố đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt, dự kiến sẽ có diện tích lên tới hàng nghìn ha nằm tại quận 7 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ ngay trục giao thông phía Nam. Đề án là một bước đi cụ thể hóa cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Thành phố với khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là trung tâm của kế hoạch này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư