Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ: Thời điểm khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua
Duy Bắc - 10/03/2023 12:48
 
Sau khi ghi nhận lỗ trong những tháng cuối năm 2022, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến sẽ có lãi từ tháng 2/2023 nhờ tồn kho giá thấp.

Khó khăn của ngành thép đã qua đi

Sáng ngày 10/3, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG – sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2022-2023 tại TP. HCM.

Trong Đại hội, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết thời điểm xấu nhất ngành thép đã qua đi, Công ty đã hết tồn kho giá cao và chỉ còn tồn kho thấp. 

Trong đó, sau khi báo cáo lỗ 680,2 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022-31/12/2022), Công ty dự kiến lỗ thêm trăm tỷ nữa vào tháng 1/2023, luỹ kế 4 tháng đầu năm niên độ 2022-2023, lỗ khoản hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 2/2023 bắt đầu có lãi khoảng 50 tỷ đồng, tháng 3/2023 dự kiến lãi trăm tỷ.

Hiện tại, hàng tồn kho của Hoa Sen đủ dùng đến tháng 5/2023, giá thép thấp mà Hoa Sen mua trong năm ngoái là 510 USD/tấn và tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Trong khi đó, hiện tại giá thép cán nóng (HRC) của Formosa đã lên tới 680 USD/tấn và đơn hàng từ Trung Quốc cũng trên dưới 700 USD/tấn.

Chính vì vậy, Hoa Sen sẽ có lãi tốt trong những tháng tới để bù lỗ trong 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023.

Ông Lê Phước Vũ cho biết, chưa bao giờ Hoa Sen tốt như bây giờ, với những điều kiện căn bản để phát triển trong tương lai. Hiện tại, lợi nhuận Tôn cao hơn đối thủ 10% nhờ thương hiệu, lợi nhuận xuất khẩu cũng cao hơn 3-5% so với đối thủ, chi phí khấu hao thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Nợ trung và dài hạn bằng 0

Trước lo ngại của cổ đông về việc lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng tới dư nợ vay của Công ty. Ông Lê Phước Vũ tiếp tục chia sẻ tình hình tài chính lành mạnh, dư nợ hiện tại khoảng 3.200 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 0,3 đến 0,4, thấp hơn nhiều trung bình thị trường ở giai đoạn bình thường là 2 đến 3 lần.

Trong đó, về cơ cấu nợ, nợ trung và dài hạn của Công ty đã về 0. Ngoài ra, hiện tại 10 nhà máy trong cả nước của Hoa Sen là không sử dụng nợ vay, toàn bộ vốn đầu tư còn lại là vốn chủ sở hữu.

Thêm nữa, Công ty không phải đầu tư mới, chủ yếu là chi phí đại tu, bảo dưỡng …, những chi phí này nằm trong giá thành sản phẩm và không đáng kể. Trong đó, 4 năm nữa khấu hao Công ty bằng 0 ở tất cả nhà máy. Công ty vẫn kiếm tiền 20-30 năm nữa, với lợi thế tạo ra từ thương hiệu, mã HSG vẫn còn sống khoẻ và kiếm tiền dài dài cho cổ đông.

Hoa Sen sở hữu hai tài sản ngầm, sớm được niêm yết thêm 2 Công ty lên sàn

Xét về định giá, hiện tại định giá P/E của Hoa Sen do nằm trong nhóm sản xuất chỉ 4-5 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình của nhóm phân phối với P/E lên tới 25 lần.

Ông Vũ nhấn mạnh: “Hiện tại, giá thị trường cổ phiếu HSG chưa phản ảnh hết nội tại của Hoa Sen. Trong đó, Công ty sở hữu nhựa Hoa Sen và Hoa Sen Home, tất cả đều đang ẩn trong Hoa Sen.”.

Hiện tại, Hoa Sen đang sở hữu 112 cửa hàng Hoa Sen Home. Trong đó, doanh số trung bình 3 tỷ đồng/tháng/cửa hàng đối với mô hình cửa hàng nhỏ, 7 đến 10 tỷ đồng/tháng/cửa hàng đối với mô hình cửa hàng lớn. Trong điều kiện bình thường, từ 3 đến 6 tháng là các cửa hàng mở mới đạt điểm hoà vốn.

Công ty cho biết thêm, trong 112 cửa hàng, 100 cửa hàng đã có lãi, còn lại các cửa hàng mới mở chưa đạt điểm hoà vốn. Tính tới tháng 2/2023, trung bình toàn hệ thống đã đạt điểm hoà vốn.

Đối với mảng kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng và nội thất, Công ty tiếp tục mở rộng, củng cố hiệu quả kinh doanh của hệ thống Hoa Sen Home. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết để thành lập CTCP Phân phối VLXD – Nội thất Hoa Sen (CTCP Hoa Sen Home) và tổ chức chuyển giao mảng phân phối vật liệu xây dựng cho CTCP Hoa Sen Home vào một thời điểm phù hợp, dự kiến năm 2024-2026.

Đối với mảng nhựa, hiện tại thị phần của Công ty đang là thứ 3, sau Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Trong năm 2023, công ty dự kiến sẽ có lãi khoảng 100 tỷ đồng.

Đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Công ty tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của CTCP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc IPO vào một thời gian phù hợp, dự kiến thời gian sẽ là từ năm 2023 đến năm 2026 nếu tình hình kinh tế thuận lợi.

Ông Vũ nhấn mạnh thêm, việc tách Công ty nhựa ra độc lập là để đuổi kịp hai anh lớn. Sau này, hệ thống Hoa Sen Home vẫn mua nhựa, nhưng kinh doanh độc lập do Hoa Sen sở hữu dưới 50%. Hoa Sen Home cũng sẽ giống Công ty Nhựa, sẽ tách ra và khi đó số cửa hàng là 200-300 cửa hàng. Lúc đó, Hoa Sen Home sẽ phải mua lại độc lập hàng từ Hoa Sen.

Được biết, trong niên độ 2022-2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.

Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, Công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng bán lẻ trở thành “gánh nặng” với Tập đoàn Hoa Sen
Kỳ vọng chuyển từ sản xuất sang bán lẻ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) gặp thách thức trong 2 quý gần đây khi tiêu thụ suy giảm và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư