Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam "khó khăn không nản chí"
Hoàng Nam - 04/02/2016 22:35
 
Thăm và chúc tết chiều nay, 4/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thuận lợi không chủ quan, lúc khó khăn không nản chí.

Có tổng tài sản tương đương khoảng 40 tỷ USD, PVN hiện là doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Với đội ngũ lao động hùng hậu (gần 60.000 người), ngoài lĩnh vực chính là thăm dò và khai thác dầu khí, PVN cũng đang sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng, đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế như điện, phân bón và đặc biệt là tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển.

Cả năm 2015, PVN đã phải đối mặt với nhiều thách thức khi giá dầu liên tục sụt giảm và dù đã bước sang năm 2016 nhưng giá dầu vẫn tiếp tục ở mức thấp, dưới 30 USD/thùng. Theo báo cáo của Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh, trong điều kiện giá dầu khả năng tiếp tục sẽ còn giảm, với những tập đoàn dầu khí có giá thành khai thác dầu ở mức trên trung bình như PVN khó khăn sẽ chồng lên khó khăn. Tuy nhiên lịch sử phát triển của PVN cũng ghi nhận, đã có những thời kỳ, giá dầu thô Việt Nam giảm xuống thấp nhất, chỉ khoảng 9,9 USD/thùng như vào năm 1998.

Bởi vậy, siết chặt đội ngũ, đồng lòng thực hiện các kế sách ứng phó hiệu quả, tiết giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, phát huy sáng kiến, sáng tạo để vượt qua những khó khăn, thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua được là điều đang được PVN thực hiện trong tình hình hiện nay.

Xác định rất rõ ràng các khó khăn và thuận lợi, thời cơ với PVN, ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay, Nghị quyết 41/NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2025 đã mở ra cho PVN một cơ hội mới để hoàn thiện cơ chế, sửa đổi các quy định mà nhiều điều không còn phù hợp với sự phát triển của ngành Dầu khí. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã tháo gỡ cho PVN rất nhiều rào cản và hiện đang được Tập đoàn nghiên cứu để xây dựng những chủ trương, biện pháp ứng phó phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đơn vị.

Giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt
- Tổng doanh thu 3.518.000 tỷ đồng,
- Đóng góp cho ngân sách nhà nước 836.000 tỷ đồng, vượt 214.000 tỷ đồng so với kế hoạch được giao
- Riêng năm 2015, với giá dầu thực tế 55 USD/thùng, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 560.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 115.100 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 8,2%.

“Ý thức đầy đủ về trách nhiệm của Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, ngay từ quý IV/2015, Đảng uỷ, HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng và giao các chỉ tiêu, hiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị thành viên để chủ động tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2016 với trọng tâm đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, quản lý đơn vị sao cho  hiệu quả cao nhất nhưng chi phí giảm xuống thấp nhất”, ông Khánh nói.

Chia sẻ những khó khăn mà PVN đang phải đối mặt, Chủ tịch nước cũng yêu cầu ban lãnh đạo PVN nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới như trong việc xây dựng quỹ bình ổn dầu khí để có những đề xuất kịp thời lên các cơ quan hữu trách, giúp ngành dầu khí vượt khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2016 vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới.

Chúc tết các cán bộ, người lao động ngành dầu khí, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng mong muốn, PVN sẽ có sức cạnh tranh và không thua kém các tập đoàn dầu khí lớn trong khu vực ASEAN như Petronas, nhất là trong điều kiện từ ngày 1/1/2016, cánh cửa hội nhập khu vực ASEAN lại tiếp tục mở mạnh và sâu hơn với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Giá dầu giảm 1 USD/thùng, PVN giảm doanh thu 5.400 tỷ đồng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận định, năm 2016 tiếp tục là năm hết sức khó khăn do giá dầu dự báo thấp hơn giá dầu kế hoạch, và thực tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư