Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chuyển đổi xanh - con đường nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may
Hoài Sương - 02/12/2023 10:05
 
Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đang ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng biện pháp thực hành xanh. Đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh rất tốt cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Chủ động tuân thủ quy định

Ngày 1/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Công ty cổ phần Global PR Hub tổ chức hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh”.

Trong đó, các quy định tuân thủ về vấn đề lao động, môi trường đang khá nhiều như: Chứng chỉ LEED, thẩm định chuỗi cung ứng (Due Diligence)… Các quy định này đang dần trở thành luật và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện và tuân thủ. Do đó, doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không tuân theo, khi khách hàng lựa chọn dựa trên tiêu chí xanh, doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ.

Theo bà Lành Huyền Như, Quản lý dự án Chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK Việt Nam), EU là thị trường tiềm năng cho ngành dệt may Việt Nam với quy mô nhập khẩu hơn 210 tỷ USD năm 2022, chiếm 34% tổng trị giá nhập khẩu dệt may thế giới. Trong đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam đến châu Âu đạt 5,7 tỷ USD và đây là một trong bốn thị trường chủ lực của dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, Điều Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) yêu cầu các doanh nghiệp Đức phải có biện pháp hợp lý kiểm soát rủi ro liên quan đến con người và môi trường phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM, đã đến lúc các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh để tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyển đổi xanh là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thách thức không nhỏ

Các FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Trong khi đó, hơn 80% doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ tại Việt Nam thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh hiện nay.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với khía cạnh bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.

Ngoài ra, nhiều quy định về chứng chỉ LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái… khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi.

Theo bà Tuyết Mai, hàng loạt quy định được đặt ra và yêu cầu doanh nghiệp tuân theo. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ, để đáp ứng tất cả các quy định này là không dễ dàng khi chuỗi cung ứng hiện đang rất phức tạp.

“Một ví dụ điển hình là khi tạo ra một phẩm, doanh nghiệp cần có nhiều nguyên liệu và công đoạn. Ví dụ, bông được chế biến thành sợi rồi đến công đoạn may. Như vậy, khi một doanh nghiệp xuất khẩu quần áo thì việc tra soát nguồn gốc không chỉ dừng lại ở nhà máy sản xuất mà còn phải tra soát cả những nguyên phụ liệu đầu nguồn của sản phẩm”, bà Mai chia sẻ.

WB cho Việt Nam vay 350-400 triệu USD thực hiện đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp
Đề án sẽ đi kèm với một số chính sách thí điểm về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong ngành lúa gạo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư