Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Dấu hiệu hồi phục dòng vốn FDI
Hà Nguyễn - 26/06/2013 06:57
 
Dấu hiệu hồi phục của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tiếp tục được ghi nhận, với con số 10,473 tỷ USD vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012.
TIN LIÊN QUAN

Trong khi cả vốn cấp mới và tăng thêm đều tăng, đặc biệt là vốn tăng thêm tăng tới 35,7%, đạt 4,66 tỷ USD, thì vốn giải ngân vẫn duy trì tốc độ tăng khá tốt so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã giải ngân được 5,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó riêng giải ngân của bên nước ngoài đã ước đạt 4,44 tỷ USD, bằng 78% so với tổng vốn đầu tư thực hiện.

Như vậy, sau một thời kỳ suy giảm liên tục, kéo dài từ năm 2008 - 2012, vốn FDI đã quay trở lại và sự trở lại của dòng vốn FDI đang mang lại nhiều kỳ vọng mới cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh vốn cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp.

Sự trở lại này cũng cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định hơn, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng trở lại.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu đầu tư đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được cho là sẽ tác động tốt đến kinh tế Việt Nam.

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo chỉ phục hồi nhẹ lên 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2013, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, hòng cạnh tranh thu hút FDI với các quốc gia lân cận, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, rồi Myanmar, thậm chí cả Lào, Campuchia…

Động thái mới đây của Việt Nam về việc thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó có điều khoản quan trọng về việc áp dụng ưu đãi đầu tư cho phần đầu tư mở rộng được cho là sẽ tác động tích cực tới dòng vốn FDI, đặc biệt là với các nhà đầu tư nghiêm túc, đang muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Chuyện Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình triển khai các dự án FDI có vốn đăng ký trên 100 triệu USD, sử dụng từ 50 ha đất trở lên cũng có thể coi là bước đi cần thiết để “làm sạch” các dự án FDI chậm trễ, cũng như góp phần hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhằm đẩy nhanh việc giải ngân và đưa dự án vào hoạt động.

Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng trôi qua, dư luận đã trông chờ nhiều, song cho tới nay, Nghị quyết của Chính phủ về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới vẫn chưa được thông qua.

Đây là văn bản quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI vào Việt Nam. Một khi Nghị quyết được thông qua và thực thi nghiêm túc và hiệu quả, sẽ không chỉ là dấu hiệu, mà dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ hồi phục bền vững và có chất lượng hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư