Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 09 tháng 02 năm 2025,
Đầu tư vào AI từ cú hích DeepSeek
Tú Ân - 09/02/2025 08:43
 
DeepSeek không chỉ gây chấn động toàn cầu, mà còn khiến giới công nghệ Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI).
Sự ra đời của DeepSeek cho thấy, mọi quốc gia đều có thể biến giấc mơ AI thành hiện thực nếu đủ quyết tâm. Ảnh: Shutterstock

Tác động của DeepSeek

Những ngày đầu năm mới 2025, DeepSeek, một mô hình AI từ Trung Quốc, đã gây chấn động cả thế giới. DeepSeek là một nền tảng AI tiên tiến, được phát triển bởi Liang Feng (Trung Quốc), với mục tiêu tối ưu hiệu suất và giảm chi phí vận hành.

Mô hình này nổi bật nhờ khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên mạnh mẽ, đặc biệt trong các tác vụ liên quan đến lập trình, toán học và khoa học. Nhờ những cải tiến đột phá, DeepSeek đang trở thành đối thủ đáng gờm của các mô hình AI hàng đầu, như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google, Copilot của Microsoft hay Llama của Meta…

DeepSeek khiến nhà đầu tư hoảng sợ và gây chao đảo thung lũng Silicon và phố Wall. Nó đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí dành cho iPhone tại Mỹ. Hàng loạt quốc gia đã ban bố lệnh điều tra và ngăn cản “mô hình AI giá rẻ” này đang lan rộng như vũ bão.

Hàng loạt cuộc tranh cãi về mô hình đầu tư AI giá rẻ, nhưng vẫn đạt hiệu suất cao. Nhiều câu hỏi và cả sự hoài nghi về chiến lược phát triển AI của các tập đoàn công nghệ lớn đang diễn ra.

Tại Việt Nam, DeepSeek nhanh chóng trở thành vấn đề nóng. Ngay phiên giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ 2025 (ngày 3/2), thị trường đã chìm trong sắc đỏ với tâm điểm là cú rơi hơn 5% của cổ phiếu FPT, khiến giá trị vốn hóa của tập đoàn này bị thổi bay 11.622 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch. Một số cổ phiếu công nghệ khác như CMG, VNZ, ITD… cũng giảm mạnh.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ hiện tượng DeepSeek. Nhưng vấn đề được cả thế giới quan tâm là người Trung Quốc đã làm cách nào để tạo ra DeepSeek sánh vai với các AI của Mỹ, khi công nghệ đi sau Mỹ nhiều năm, lại thiếu chip, thiếu dữ liệu và ít chi phí hơn?

Những tranh luận về DeepSeek vẫn đang tiếp diễn, nhưng có thể thấy rằng, DeepSeek đang gợi mở về một con đường mới cho các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, về việc phát triển những mã nguồn mở AI khác biệt với các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Bài học cho Việt Nam

Yếu tố đầu tiên không thể thiếu để khai sinh ra những mã nguồn mở AI như DeepSeek là tài chính. Việc thiếu vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ đầu tư cho R&D của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,5% của các nước phát triển.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhìn nhận: “Chính phủ cần có chính sách ưu đãi hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào R&D. Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI”.

Chia sẻ góc nhìn của mình về việc tạo ra những siêu AI như DeepSeek, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam chưa đầu tư tương xứng cho khoa học công nghệ, R&D, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Còn theo ông Lê Thọ Bình, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, đối với Việt Nam, sự kiện DeepSeek không chỉ là một tín hiệu cảnh báo, mà còn là một cơ hội vàng để định hình chiến lược AI quốc gia.

Cụ thể, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ từ những sự kiện như sự ra đời của DeepSeek để tăng tốc phát triển ngành AI. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào R&D. Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu AI và khuyến khích các doanh nghiệp lớn, start-up công nghệ tham gia nghiên cứu công nghệ lõi. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ từ những nước đi trước, đặc biệt trong các lĩnh vực AI tiên tiến. Cùng với đó, cần có các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái start-up AI; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng AI vào các bài toán đặc thù của Việt Nam...

Còn TS. Chử Đức Hoàng (Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, thách thức trọng yếu hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao tại nước ta còn hạn chế. Trong tổng số khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực AI, chỉ có 3.000 chuyên gia có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn còn khá lớn khi chỉ 10% công trình nghiên cứu AI được chuyển hóa thành giải pháp thực tế. Những hạn chế này, cùng với kết cấu hạ tầng số và khung pháp lý chưa hoàn thiện, khiến Việt Nam đứng ở vị trí thứ 90/181 quốc gia về mức độ sẵn sàng cho AI.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cuối năm 2024, ông Jensen Huang, nhà sáng lập, CEO Tập đoàn NVIDIA đã tiết lộ lý do đầu tư vào Việt Nam là bởi Việt Nam có lực lượng lao động năng động và hệ sinh thái công nghệ đang phát triển, đang sẵn sàng trở thành một cường quốc trí tuệ nhân tạo. Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó lớn nhất là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục. Người Việt Nam có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt là toán học và khoa học. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới. Đây là một thực tế mà rất ít người biết đến.

“Với tiềm năng này, chúng tôi tin rằng, Việt Nam là nơi lý tưởng để NVIDIA phát triển các trung tâm R&D và xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ”, ông Jensen Huang nói.

Có rất nhiều yếu tố để hun đúc nên một cường quốc AI như Mỹ hay Trung Quốc. Đó là một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và không ngừng đổi mới sáng tạo, là tiềm lực mạnh mẽ về tài chính, sự quyết tâm cao độ của Chính phủ hay một cộng đồng doanh nghiệp khát khao tạo nên những kỳ tích về khoa học - công nghệ… Cơ hội để Việt Nam tham gia cuộc đua AI đang hiện hữu khi DeepSeek ra đời cho thấy, mọi quốc gia đều có thể biến giấc mơ thành hiện thực nếu đủ khát khao, đủ dũng cảm.

Tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI, với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI.
Giới công nghệ Mỹ đau đầu khi DeepSeek - AI giá rẻ của Trung Quốc có hiệu suất vượt trội so với OpenAI
Một công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo ít tên tuổi của Trung Quốc vừa làm rúng động thế giới công nghệ khi ra mắt một mô hình AI mang tên R1,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư