Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất thông quan lượng gạo ký hợp đồng xuất khẩu trước ngày 24/3
Hồng Phúc - 27/03/2020 17:14
 
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ kiến nghị 2 vấn đề cần lưu ý trong các quyết định xuất hay tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Thứ nhất, cần có lộ trình thực hiện các quyết định. Cần Thơ có 4 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang chở hàng và đóng container tại các cảng ở TP.HCM, với tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn. 

“Không thông quan được sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tồn kho, uy tín với khách hàng. Quyết định ngừng xuất khẩu quá nhanh, không doanh nghiệp nào kịp trở tay để giảm bớt thiệt hại. Chi phí di dọc đường, bốc hàng lên, bốc hàng xuống ai sẽ chịu. Trong trường hợp quyết định ngưng, tạm ngưng, giảm lượng xuất khẩu phải đưa ra lộ trình, từ 15-20 ngày hoặc 1 tháng để doanh nghiệp cân đối, trao đổi, tính toán ”, ông Nguyễn Minh Toại thẳng thắn chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, vào chiều ngày 26/3.

Vấn đề thứ hai, cần đánh giá chính xác về sản lượng lúa, gạo trong dân, trong doanh nghiệp. 

Ông Toại cho biết, trên địa bàn Cần Thơ, số lượng gạo doanh nghiệp còn trong kho là rất lớn, từ 10.000 - 20.000 tấn/doanh nghiệp. Và họ đang “ôm” lượng gạo này không thể xuất và chịu lãi suất ngân hàng

“Bộ Công thương có thể chỉ đạo mỗi doanh nghiệp dự trữ 5.000 tấn. Số lượng còn lại bán ra để cân đối tiền vay ngân hàng, giải quyết dòng tiền luân chuyển mua lúa gạo từ người dân.

Việc cấm ngang sẽ khiến giá lúa tụt ngay và ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch vụ tiếp theo, cũng như công ăn việc làm của rất nhiều người trong chuỗi giá trị”, Nguyễn Minh Toại nói và kiến nghị, Bộ Công thương xem xét, giải quyết thông quan với doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng với đối tác nhập khẩu gạo trước ngày 24/3.

Song song đó, hợp đồng nào chưa ký có thể tính toán và cân nhắc giữa các ngành nhằm đảm bảo nguồn cung - cầu cho thị trường nội địa.

Trên địa bàn tỉnh Cần Thơ có 125 doanh nghiệp trong ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo, trong đó có 44 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. 

Để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, Cần Thơ đề xuất có thể đăng ký với Bộ Công thương việc cung ứng 100.000 - 200.000 tấn gạo. 

“Không có lý do gì mà chúng ta nói thiếu gạo ăn khi 3 tháng có 1 vụ. Nếu lo ngại việc thiếu gạo cung ứng thì Bộ Công thương có thể giao Cần Thơ hay An Giang, Kiên Giang có một số doanh nghiệp thực hiện dự trữ lại một nguồn. Đồng thời, Quỹ Dự trữ quốc gia tăng cường mua để phục vụ đảm bảo không thiếu lương thực cho người dân Việt Nam”, ông Toại kiến nghị và cho rằng, đây là thời điểm vàng để xuất khẩu gạo. 

Do đó, Cần Thơ đề xuất tiếp tục cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu bỏ qua thời điểm này, doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng và cũng làm khó cho người dân. Khi doanh nghiệp không xuất khẩu được thì không mua lúa, kéo theo đó giảm giá thu mua với nông dân. 

“Cần rút kinh nghiệm từ sự việc tương tự năm 2008. Khi đó, tôi là Phó chủ tịch UBND huyện (huyện Thốt Nốt- PV) giá gạo đang tăng gấp đôi, thì có quyết định ngưng xuất khẩu. 15 ngày sau, khi giá lúa gạo xuống quá thấp mới cho xuất khẩu lại thì tất cả đều chịu lỗ”, ông Nguyễn Minh Toại nói. 

Tạm thời dừng thông quan xuất khẩu gạo
Tổng cục Hải quan vừa có công văn gửi các Cục hải quan tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư