Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại TP.HCM: Vẫn chỉ là… kế hoạch
Gia Huy - 25/11/2016 19:42
 
UBND TP.HCM đã có chủ trương di dời 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Thành phố từ năm 2002, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2005, nhưng tới nay, đã quá hạn 11 năm, kế hoạch này vẫn chưa thể hoàn thành.

Sống trong sợ hãi…

Sống gần một cơ sở chuyên sản xuất - kinh doanh hóa chất mang tên Nam Quang tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, người dân ở khu vực này luôn nơm nớp lo sợ khi chứng kiến cảnh mỗi sáng, những thùng hóa chất lớn được chở đến sang chiết. Cơ sở này nằm giữa khu dân cư đông đúc, đường rất nhỏ, nên nếu xảy ra cháy nổ, hay hóa chất rò rỉ thì sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và của. “Chúng tôi đã phản ánh điều này với UBND phường thì bị người của cơ sở này hù dọa, nên sợ không dám phản ánh nữa”, một người dân tại đây cho biết.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Thành phố hiện có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Những quận, huyện có nhiều cơ sở gây ô nhiễm gồm Củ Chi (hơn 180 cơ sở), quận 9 (hơn 80 cơ sở), Bình Chánh (hơn 70 cơ sở)…

Báo cáo các điểm gây ô nhiễm môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã liệt kê những địa điểm tại quận 12 như khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, phường Thạnh Xuân… và coi đây là điểm cần giải tỏa sớm nhất. Tại phường Thạnh Xuân, chân cầu vượt Ngã Tư Ga, có 5 cơ sở chế biến nhựa tái chế. Khói cũng như mùi hôi luôn bao chùm khu vực này, nước thải được xả trực tiếp ra con kênh khiến nước đen và luôn sùi bọt trắng xóa.

Khu đô thị mới Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cũng có hàng chục hộ dân làm xưởng sản xuất nhựa tái chế nhiều năm nay, nhưng không được xử lý. “Chúng tôi luôn phải ngửi mùi hôi từ việc nấu nhựa của các cơ sở này. Đặc biệt, việc các cơ sở xả nước thải ra đường cũng như kênh mương làm môi trường ô nhiễm khá nặng”, bà T.P.H, hộ dân ngụ tại Khu đô thị mới Vĩnh Lộc phản ánh.

Nhiều cơ sở sản xuất còn xây dựng cột khói cao, khói từ những cơ sở này phát tán gây ô nhiễm nặng tại các chung cư cao tầng trong vùng. Tại hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), hàng trăm hộ dân tại chung cư Ehome 3, từ ngày chuyển về sinh sống năm 2014, đã nhiều lần phản ánh tới cơ quan chức năng về việc cột khói của một nhà máy sản xuất gần đó ám vào tường chung cư, gây mùi hôi khó chịu, nhưng không được giải quyết.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Vẫn chỉ là kế hoạch

Năm 2002, UBND TP.HCM đã có chủ trương di dời 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Thành phố. Việc di dời được ấn định phải kết thúc vào năm 2005, nhưng tới nay đã quá hạn 11 năm mà vẫn chưa thể hoàn thành.

Mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường củng cố hồ sơ pháp lý liên quan đến việc áp dụng biện pháp xử lý đối với các cơ sở không thực hiện di dời, các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, trình UBND Thành phố xem xét, giải quyết.

Lý do mà các doanh nghiệp nêu ra để biện minh cho việc không thể di dời đó là tâm lý ngại di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất - kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế, nên không thể đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải tại nơi di chuyển đến. Trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại địa điểm mới còn hạn chế, chưa đồng bộ…

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (xin được giấu tên) cũng cho rằng, việc khó di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm một phần cũng vì có quá nhiều doanh nghiệp trong diện phải di dời là doanh nghiệp nhà nước. Việc di dời các doanh nghiệp này không hề đơn giản, thậm chí là vượt quá sức của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố.

Được biết, năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã xây dựng một bản kế hoạch cụ thể về việc di dời các cơ sở này, với mục tiêu đến năm 2020, Thành phố không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư. Theo đó, kế hoạch được chia thành 3 giai đoạn, đưa ra những biện pháp xử lý từ xử phạt hành chính đến đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở cố tình chây ỳ, không di dời. Tuy nhiên, theo đại diện sở này, thì tới nay, việc thực hiện kế hoạch vẫn khá khó khăn.

Rà soát tất cả các các dự án xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát tất cả các dự án lớn và các dự án xả thải có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư