Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt và sức mạnh nền kinh tế
Nguyên Đức - 01/09/2013 19:33
 
Ngày 6/5/2013, Tập đoàn FPT công bố, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc FPT đã được tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản, Nikkei Inc., trao Giải thưởng Nikkei Asia trong lĩnh vực phát triển khu vực (Regional Growth). Đây là lần đầu tiên trong suốt 18 năm tổ chức giải thưởng này, Nikkei lựa chọn một doanh nhân Việt Nam để trao tặng.

Những gương mặt doanh nhân Việt

Theo Nikkei, ông Trương Gia Bình không chỉ sáng lập và xây dựng thành công Tập đoàn Công nghệ thông tin, viễn thông FPT, mà còn có những đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

Nhìn Giải thưởng Sao Vàng đất Việt trong 10 năm qua, có thể thấy sự
lớn mạnh không ngừng của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam

Ông Trương Gia Bình đã xây dựng Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Việt Nam và thiết lập trường đại học cung cấp các chuyên gia công nghệ thông tin.

Ngày 22/5/2013, ông Trương Gia Bình đã sang Tokyo để nhận giải thưởng danh giá này, với khoản tiền thưởng khoảng 30.000 USD.

Thực ra, ông Trương Gia Bình không phải doanh nhân Việt Nam đầu tiên được thế giới vinh danh. Những cái tên như Mai Kiều Liên, Phạm Nhật Vượng, Đặng Lê Nguyên Vũ, Giản Tư Trung, Phạm Thị Việt Nga… lâu nay cũng đã “nức tiếng” gần xa.

Bà Mai Kiều Liên, nhà lãnh đạo của Vinamilk, với doanh thu năm ngoái đạt hơn 27.300 tỷ đồng, vào tháng 3 năm nay đã có mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á của tạp chí danh tiếng Forbes, cùng với bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang.

Tháng 3 năm ngoái, bà Liên, vốn được báo chí quốc tế mệnh danh là “một trong những doanh nhân hàng đầu trong cuộc cách mạng kinh tế làm thay đổi Việt Nam”, đã lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 50 nữ doanh nhân có quyền lực cao nhất châu Á, cũng của Forbes.

Một cái tên khác, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, vào tháng 3 năm nay đã trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới 2013 của Forbes, với tổng tài sản trị giá 1,5 tỷ USD. Ông Phạm Nhật Vượng cũng được bình chọn là một trong 10 tỷ phú mới xuất sắc của tạp chí này và trong vòng 3 năm gần đây, liên tục giữ vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Hàng loạt khu đô thị, du lịch hàng đầu Việt Nam hiện nay đều gắn liền với thương hiện Vingroup của vị “tỷ phú đô-la” đầu tiên của Việt Nam này.

Trong khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông chủ của cà phê Trung Nguyên, được mệnh danh “vua cà phê Việt”, là người đã khơi mào “cuộc chiến” với thương hiệu lừng danh Nescafé và mới đây, cũng sẵn sàng “tuyên chiến” với Starbucks. Cũng ông Vũ, vào năm 2004, đã được Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp trẻ ASEAN chọn là doanh nhân trẻ xuất sắc ASEAN 2004.

Trước ông Vũ, năm 1999, năm đầu tiên Giải thưởng Doanh nhân trẻ xuất sắc ASEAN được tổ chức, một doanh nhân trẻ khác của Việt Nam - Võ Quốc Thắng, ông chủ của gạch Đồng Tâm Long An, đã giành được giải thưởng này.

Cũng phải nhắc lại rằng, bây giờ, chuyện doanh nhân Việt được thế giới vinh danh không còn là hiếm, nhưng vào thời điểm 15 năm trước, chưa nhiều doanh nhân Việt được thế giới biết tiếng. Giải thưởng của ông Võ Quốc Thắng lúc ấy giống như sự thừa nhận về một thế hệ doanh nhân Việt trưởng thành sau công cuộc Đổi mới của Việt Nam, đúng hơn là sau khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, ra đời năm 1990, cho phép thành lập các tổ chức kinh tế thuộc diện tư hữu.

Doanh nghiệp Việt và hành trình phát triển

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Võ Quốc Thắng - người được thừa hưởng món quà quý giá từ lòng đất mẹ để làm nên các sản phẩm Gạch Đồng Tâm - cho biết, ông khởi nghiệp kinh doanh từ năm 1985 - 1986, khi công cuộc Đổi mới bắt đầu ở Việt Nam, với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế. Nhưng lúc ấy, Đồng Tâm, dù kế thừa thương hiệu của ông Võ Thành Lân, cha Võ Quốc Thắng, song chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ. Phải 3 năm sau khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty được ban hành năm 1990, Võ Quốc Thắng mới quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Đồng Tâm, để 6 năm sau, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 nhân viên và tạo doanh thu 400 tỷ đồng. Năm ấy, Võ Quốc Thắng trở thành doanh nhân trẻ xuất sắc ASEAN.

Vào thời điểm đó, hệ thống doanh nghiệp Việt không chỉ có một Gạch Đồng Tâm, mà còn có FPT, với sự chèo lái của ông Trương Gia Bình.

Những người am hiểu FPT đều biết, ngày 13/9/1988, ông Trương Gia Bình đã cùng với 12 nhà khoa học khác của Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn để thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT, tiền thân của Công ty cổ phần FPT hôm nay, công ty mà năm ngoái đã đạt doanh thu 25.350 tỷ đồng, còn 7 tháng đầu năm nay đạt 14.712 tỷ đồng.

Khác với 25 năm trước, chỉ là một công ty chuyên về công nghệ thực phẩm, bây giờ, thương hiệu FPT đã trở nên vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam, một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cái tên của FPT cũng đã vươn tầm quốc tế, khi tập đoàn này có mặt ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là Nhật Bản, Myanmar, Lào, Campuchia…

Nhưng FPT hay Đồng Tâm chỉ là những cái tên điển hình. Một báo cáo của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, 4 năm 1990 - 1993 là thời điểm tốc độ phát triển các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam rất mạnh mẽ, từ 2.027 doanh nghiệp trong tháng 10/1992 lên 9.698 doanh nghiệp trong tháng 8/1993. Và lý do là vì, hai dự luật quan trọng về doanh nghiệp hồi ấy đã tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.

Cơ chế thị trường đã làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế ở Việt Nam, tạo cơ hội cho hàng vạn thanh niên trở thành những doanh nhân thành đạt khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã thừa nhận điều đó.

Nhưng thực ra, Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 chỉ là viên gạch đầu tiên. Những dấu mốc quan trọng tiếp theo phải là năm 1999, khi Luật Doanh nghiệp ra đời và lần đầu tiên quy định về hình thức công ty TNHH một thành viên, và tiếp sau đó là Luật Doanh nghiệp 2005, thường được gọi là Luật Doanh nghiệp thống nhất, bởi từ đây, không còn sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Hai luật này được cho là đã tạo cú hích lớn cho sự bùng nổ của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tháng 1/2010, khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đã nhắc đến các con số: đến hết năm 2009, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đã đạt 460.000 doanh nghiệp, gấp 15 lần scon số 31.000 doanh nghiệp của năm 2000.

Đây là một tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng, thể hiện sức sống mãnh liệt của tinh thần kinh doanh người Việt, cũng như cho thấy những tác động tích cực của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp chắc chắn rất có lý khi đưa ra nhận định như vậy.

Và kể từ sau năm 2010, hàng trăm ngàn doanh nghiệp nữa cũng đã được thành lập. Việt Nam chưa bao giờ có đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu đến thế.

Hơn thế, điều quan trọng là, kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999, hay Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời đến nay, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, thì cũng ngày càng nhiều thương hiệu Việt được xây dựng, trưởng thành và ghi nhận ở trong và ngoài nước. Chỉ nhìn vào top 10 Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, giải thưởng do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, mà năm nay là vừa tròn 10 năm, cũng đủ thấy điều này.

Bên cạnh một FPT thường xuyên có mặt trong top 10, còn có Ô tô Trường Hải, Đồng Tâm, Tôn Hoa Sen, Trung Nguyên, Eurowindow, Vissan, Geleximco, rồi cả May Việt Tiến, SJC, Thép Việt - Ý, Hanaka, Viettinbank, Thiên Long, Traphaco, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc…

Ngoài ra, còn một loạt thương hiệu đình đám khác, như Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, đạm Phú Mỹ, PTSC, CMS, DOJI, Minh Phú, Phú Thái…

Và tất nhiên, đứng đằng sau các thương hiệu này là những doanh nhân, dù có thể chưa được thế giới vinh danh, nhưng cũng đã thành danh trên thương trường. Đó là Trần Bá Dương, ông vua ô tô Việt; là Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen; Nguyễn Cảnh Hồng của Eurowindow; hay Đặng Thành Tâm của Kinh Bắc; Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai; Đỗ Minh Phú của DOJI…

Phải nói rằng, chưa bao giờ đất Việt có một thế hệ doanh nhân, một hệ thống doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ đến thế. Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp có một chặng đường xây dựng và phát triển riêng, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là đang chung tay phát triển nền kinh tế Việt Nam ngày một cường thịnh hơn. Họ, cũng giống như bà Mai Kiều Liên, đã và đang thực sự là những doanh nhân hàng đầu trong “cuộc cách mạng kinh tế làm thay đổi Việt Nam”.

Tầm nhìn tương lai

Nếu cần những con số, không khó có những dẫn chứng về sự lớn mạnh không ngừng và những đóng góp to lớn của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đối với nền kinh tế. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp đã đoạt Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, thì nếu như năm 2005, doanh thu của họ chỉ là 84.550 tỷ đồng, thì năm 2010 đã nâng lên 475.000 tỷ đồng và năm 2011 là 703.000 tỷ đồng.

Cũng các doanh nghiệp này, nếu như năm 2005 chỉ giúp giải quyết việc làm cho 211.000 lao động, thì con số của năm 2010 là 390.000 lao động và năm 2011, do kinh tế khó khăn, còn 379.830 lao động.

Nhưng hệ thống doanh nghiệp Việt Nam không phải chỉ có những Sao Vàng đất Việt, cũng không phải chỉ có các doanh nghiệp có bề dày truyền thống hàng chục năm, mà còn có hệ thống doanh nghiệp trẻ, của những doanh nhân trẻ.

Thẳng thắn mà nói, so với các thương hiệu hàng trăm năm như General Electric, Prudential, Johnson&Johnson, SCG... của nước ngoài, thì những cái tên như FPT, Đồng Tâm, Tôn Hoa Sen, Trường Hải... còn là quá trẻ. Nhưng chính những doanh nghiệp này và hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, đã luôn đồng hành với nền kinh tế Việt Nam trong hơn 1/4 thế kỷ Đổi mới vừa qua.

Bắt đầu từ năm 1986 - năm Đại hội Đảng VI với những quyết sách có ý nghĩa to lớn đối với sự Đổi mới của đất nước, rồi tới dấu mốc quan trọng - năm 1995, khi Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ; hay 2001 - ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; năm 2007 - gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); và từ năm 2008 đến nay, là đối mặt với những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu... Qua mỗi bước ngoặt, là lại thêm các cơ chế, chính sách được cải cách, sửa đổi, để tạo thuận lợi nhất cho hệ thống doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Một mốc son đáng nhớ và cũng đầy tự hào, đó là từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, một sự ghi nhận cho những đóng góp của cộng đồng doanh nhân Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chưa kể, sự hình thành của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam 20 năm trước, cũng như Giải thưởng Sao Vàng đất Việt cách đây 10 năm. Tất cả đang cộng hưởng xung lực để tạo đà cho hệ thống doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Mà doanh nghiệp mạnh, nền kinh tế Việt Nam cũng mạnh.

Bởi thế, năm 2010, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng thu nhập thấp để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Năm 2012, quy mô nền kinh tế đã đạt gần 140 tỷ USD. Việt Nam đã và đang là bạn, là đối tác tin cậy và bình đẳng của nhiều cường quốc trên thế giới.

Nhưng do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Việt Nam hiện chưa bao giờ khó khăn đến thế. Hệ thống doanh nghiệp Việt Nam cũng đang vật vã vì nợ xấu, hàng tồn kho, thiếu động lực cho sản xuất - kinh doanh… Hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Và không chỉ doanh nghiệp nhà nước, mà cả doanh nghiệp tư nhân cũng đang phải tự đào thải, tự vật lộn trong đòi hỏi tái cơ cấu.

Khó khăn ở phía trước vẫn còn rất lớn, mà nếu không tiếp tục cải cách, tiếp tục đổi mới, không chỉ hệ thống doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Nhưng người Việt Nam xưa nay vẫn vậy, khi khó khăn là lúc có sức bật mạnh mẽ nhất. Không khó khăn nào là không thể vượt qua, chẳng kẻ thù nào là không thể đánh thắng. Bởi thế, vẫn có thể tự tin về tầm nhìn tương lai của hệ thống doanh nghiệp Việt.

Còn nhớ, hôm ông Trương Gia Bình từ Nhật Bản trở về, cứ khoe mãi về chiếc đốc kiếm của các võ sĩ Samurai mà ông đã được tặng. Tự dưng, lại nhớ đến tinh thần của các võ sĩ đạo Nhật Bản.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng khi hệ thống doanh nghiệp Việt cũng có một tinh thần bất khuất, kiên cường, đoàn kết một lòng, và có một tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, thì tự thân họ, sẽ biết vì một Việt Nam cường thịnh để tiếp tục tiến lên.

20 năm phong trào doanh nhân trẻ, 10 năm Giải thưởng Sao Vàng đất Việt - thời khắc vinh danh những một thế hệ doanh nghiệp dân tộc đầy khát khao, hoài bão và luôn tiến về phía trước.

Chung khảo Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2013
Hội nghị Hội đồng chung tuyển Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2013 đã kết thúc. Top 200 thương hiệu tiêu biểu nhất Giải thưởng Sao Vàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư