Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp trong kinh tế hợp tác
Huy Tự - 07/08/2024 10:14
 
Tuy có nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thành công trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng năng lực, nguồn lực của các HTX nông nghiệp còn hạn chế, cần có những đột phá về cơ chế, chính sách phát triển.

Số lượng HTX nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt tỷ lệ thấp

Theo Cục Kinh tế hợp tác - Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến tháng 6/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 21 Liên hiệp HTX và 2.774 HTX nông nghiệp, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp cả nước (cả nước có 10 Liên hiệp HTX và 21.176 HTX nông nghiệp). Trung bình mỗi tỉnh vùng ĐBSCL có 213 HTX; Kiên Giang là tỉnh có số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất với 453 HTX và Vĩnh Long là tỉnh có số lượng ít nhất với 128 HTX nông nghiệp.

Các HTX nông nghiệp của ĐBSCL tập trung nhiều ở hai lĩnh vực: trồng trọt (lúa, cây ăn quả) là 1.266 HTX, chiếm 50% tổng số HTX nông nghiệp của vùng; nuôi trồng thủy sản (tôm, cá) là 327 HTX, chiếm 13,5% tổng số HTXNN của vùng. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, khai thác thủy sản, cung cấp nước sạch nông thôn chiếm tỷ lệ thấp.

Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp là 2,58 tỷ đồng, trung bình một HTX nông nghiệp có tổng số vốn, tài sản khoảng 960 triệu đồng. Doanh thu bình quân 1 năm của HTX nông nghiệp đạt 2,35 tỷ đồng; tổng số thành viên HTX là 214.178 người; trung bình 77 thành viên chính thức/HTX nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính  thăm, chúc mừng HTX dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển với trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản, hiện nay toàn vùng đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản, và 36,5% lượng trái cây cả nước, nhưng là vùng có số lượng HTX nông nghiệp bình quân/tỉnh ít (213 HTX nông nghiệp/tỉnh), chỉ hơn vùng Đông Nam Bộ (bình quân 120 HTX/tỉnh); còn lại đều thấp hơn so với các vùng khác của cả nước.

Hiện cả nước có 4,01 triệu thành viên tham gia HTX nông nghiệp, bình quân mỗi HTX nông nghiệp có 174 thành viên. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp ở vùng ĐBSCL bình quân chỉ có 77 thành viên/HTX (tăng so với năm 2022 bình quân chỉ có 67 thành viên/HTX). Tuy vậy, bên cạnh các thành viên chính thức, nhiều HTX ở ĐBSCL còn có thành viên liên kết. Đây là các hộ gia đình trong vùng có sử dụng dịch vụ của HTX, hoặc liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua HTX nhưng không có quyền biểu quyết hoặc tham gia vào quyết định các hoạt động của HTX.

Những hạn chế trong phát triển HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL

Hiện cả vùng ĐBSCL có 2.330 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, chiếm gần 84% tổng số HTX nông nghiệp cả vùng. Có 445 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chiếm 16% tổng số HTX nông nghiệp cả vùng; có 1.204 HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên, chiếm 43,4% HTX nông nghiệp cả vùng. Đây là vùng có tỷ lệ HTX bình quân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước.

Đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở lên khá phổ biến. Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể để tổ chức các hành động tập thể giữa các hộ nông dân thành viên, cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát mô hình kinh tê hợp tác tại Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp

HTX còn là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp; là tác nhân điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Cụ thể, năng lực của các HTX nông nghiệp trong vùng còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ cán bộ HTX, thiếu cán bộ kỹ thuật. HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP). Kết quả là tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình GAP và mô hình sản xuất thông minh với biến đổi khí hậu còn thấp. Quy mô ứng dụng công nghệ cao của HTX còn nhỏ. Số mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng trong sản xuất mới được khoảng 16% HTX cả vùng.

Hoạt động của HTX chưa đáp ứng tốt nhu cầu thành viên. Phần lớn các HTX làm dịch vụ cung ứng đầu vào sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), các dịch vụ phục vụ sản xuất còn ít và chủ yếu là dịch vụ tưới tiêu. Tỷ lệ sản phẩm nông sản được tiêu thụ qua HTX cũng rất thấp. Vì vậy, khó tổ chức cho thành viên HTX và hộ nông dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ cao, là các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, nhiều HTX chưa thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; một số HTX có liên kết nhưng còn lỏng lẻo, chưa tạo thành chuỗi giá trị; một số hợp tác xã trước đây có liên kết nhưng khi tham gia thí điểm thì lại không ký kết được hợp đồng liên kết.

Các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp như: tín dụng, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh,… khó tiếp cận, nhất là chưa tỉnh nào ở ĐBSCL tổ chức được bảo hiểm nông nghiệp.

Nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ HTX còn hạn chế, nhất là hỗ trợ để đầu tư máy móc, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ HTX nhận được hỗ trợ để đầu tư, mua sắm máy móc thiết bị còn thấp. Sự hỗ trợ cho HTX trong quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Cán bộ quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở thiếu và yếu. Thiếu đội ngũ chuyên gia có năng lực để tư vấn cho các HTX.

Các công trình thủy lợi được xây dựng nhằm dẫn nước ngọt, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ mùa màng, nhưng nhiều HTX nông nghiệp trong các vùng dự án thủy lợi chưa có điều kiện cả về vật chất và kiến thức tổ chức sản xuất để tận dụng các cơ hội và phát huy hiệu quả của các công trình đó mang lại.

Phần lớn các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng ở vùng ĐBSCL chưa thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác; rất ít HTX nông nghiệp hiện có tham gia thực hiện quản lý công trình thủy lợi, do vậy chưa phát huy được hiệu quả công trình đảm bảo kịp thời thích ứng biến đổi khí hậu.

Tháo gỡ điểm nghẽn của kinh tế hợp tác, gia tăng chuỗi liên kết kinh tế nông nghiệp

Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 2.146 dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018 được phê duyệt; có 1.908 dự án và 238 kế hoạch. Trong đó ĐBSCL là vùng có số lượng dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98 được phê duyệt ít nhất cả nước, chỉ với 129 dự án, kế hoạch liên kết được xây dựng (chiếm 6% tổng số dự án, kế hoạch liên kết của cả nước).

Tỉnh Tiền Giang được coi là tỉnh triển khai khá tốt Nghị định 98/2018, đến tháng 12/2023 có 10 dự án và 11 kế hoạch liên kết được phê duyệt. Tỉnh Đồng Tháp đến tháng 12/2023 mới có 3 kế hoạch liên kết được phê duyệt; một số tỉnh đến tháng 12/2023 chưa có dự án, kế hoạch nào được phê duyệt như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.

Có thể kể ra các đặc điểm, nguyên nhân các dự án/kế hoạch liên kết của HTX vùng ĐBSCL chậm phát triển, đó là: quy mô các dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ còn nhỏ, trong đó tỉnh Tiền Giang: 3 dự án liên kết chuỗi giá trị lúa gạo có tổng diện tích là 227 ha, 10 kế hoạch liên kết chuỗi giá trị lúa gạo có tổng diện tích 340 ha (bình quân 34 ha/kế hoạch liên kết). Với rau quả, 4 dự án liên kết được hỗ trợ với tổng diện tích 49,6 ha. Như vậy quy mô dự án/kế hoạch liên kết được hỗ trợ khá nhỏ.

Tại Đồng Tháp, 2 kế hoạch liên kết chuỗi giá trị xoài được phê duyệt năm 2023 đều có quy mô là 100 ha với 158 hộ và 198 hộ tham gia. Kế hoạch liên kết chuỗi giá trị nhãn có quy mô 500 ha.

Tại Sóc Trăng, dự án liên kết sản xuất tiêu thụ lúa được hỗ trợ theo Nghị định 98 có quy mô trung bình khoảng 200 ha, trong khi với rau khoảng 30 ha.

Các dự án/kế hoạch liên kết chủ yếu do HTX làm chủ trì. Tại Tiền Giang, trong tổng số 10 dự án liên kết thì chỉ có 1 dự án liên kết do doanh nghiệp làm chủ trì, 9 dự án liên kết do HTX làm chủ trì. Toàn bộ 11 kế hoạch liên kết đều do HTX làm chủ trì. Tại Đồng Tháp, 3 kế hoạch liên kết được phê duyệt đều do HTX làm chủ trì. HTX làm chủ trì dự án/kế hoạch liên kết do phần lớn nội dung hỗ trợ cho dự án/kế hoạch liên kết là dành cho HTX như hỗ trợ vật tư đầu vào, tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân,... Tại Long An, 21/22 dự án kế hoạch liên kết do HTX làm chủ trì.

Quy mô hỗ trợ của Nhà nước cho các dự án/kế hoạch liên kết khá nhỏ. Tại Tiền Giang, tổng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) phê duyệt hỗ trợ cho 21 dự án/kế hoạch liên kết là 14,1 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ trung bình cho một dự án liên kết là 800 triệu đồng, cho một kế hoạch liên kết là 555 triệu đồng. Trung bình NSNN hỗ trợ cho 1 dự án/kế hoạch liên kết ở Tiền Giang chiếm 20,5% tổng kinh phí của 1 dự án (đối ứng các tác nhân trong dự án là 79,5%), trong đó NSNN hỗ trợ cho dự án khoảng 19,8% và kế hoạch khoảng 21,5%. Các kế hoạch liên kết tại Đồng Tháp có kinh phí hỗ trợ từ NSNN chiếm 35,6% tổng kinh phí dự án liên kết (từ 33,2 đến 42,1%). Tại Trà Vinh, mức hỗ trợ kinh phí từ NSNN rất nhỏ, trung bình 395 triệu đồng/dự án kế hoạch liên kết và chỉ đóng góp khoảng 1.1% tổng kinh phí của dự án liên kết.

Kinh phí dành cho hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết còn hạn chế, trong tổng số kinh phí phê duyệt hỗ trợ các dự án/kế hoạch liên kết của tỉnh Tiền Giang đến 31/12/2023 là 14,128 tỷ đồng thì kinh phí hỗ trợ cơ sở hạ tầng chỉ là 1,6 tỷ đồng (chiếm 11,3% tổng kinh phí NSNN hỗ trợ).

Lý do kinh phí dành cho hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết thấp là do yêu cầu đối ứng đến 70% trong khi vốn của các HTX rất nhỏ. Ngoài ra, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết không phải là nội dung ưu tiên hỗ trợ trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

HTX cũng đang quan tâm đến vấn đề thiếu lực lượng tư vấn có đủ năng lực để tư vấn xây dựng liên kết cho doanh nghiệp. Thực tế, phần lớn các dự án/kế hoạch liên kết do cơ quan dịch vụ nông nghiệp của tỉnh, huyện thực hiện. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chưa có kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ, tư vấn liên kết. Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực để tư vấn liên kết cho HTX, doanh nghiệp. Trong khi năng lực của HTX vùng ĐBSCL còn hạn chế về vốn, quy mô hoạt động nhỏ, năng lực đội ngũ lãnh đạo hạn chế.

Do đó, HTX không có đủ vốn để đối ứng, thiếu khả năng tự xây dựng dự án/kế hoạch liên kết và HTX gặp khó trong việc tìm thấy doanh nghiệp để thực hiện liên kết. Nhiều HTX nông nghiệp thiếu khả năng tổ chức, quản lý tốt thành viên trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật, tuân thủ hợp đồng, thiếu khả năng cung cấp một số dịch vụ để đáp ứng yêu cầu liên kết của doanh nghiệp. Đơn cử doanh nghiệp chỉ thu mua nông sản ở kho của doanh nghiệp nên HTX cần có khả năng tổ chức vận chuyển nông sản đến kho của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách còn hạn chế, do Nghị định 98 không có quy định về dòng tài chính riêng để hỗ trợ thực hiện liên kết chuỗi giá trị mà quy định các nội dung hỗ trợ sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án khác.

Các tỉnh vùng ĐBSCL thường sử dụng 2 nguồn vốn chính là nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa. Các tỉnh có diện tích đất lúa lớn thì có nhiều kinh phí hơn để hỗ trợ. Có địa phương có ý kiến nguồn vốn nông thôn mới không nhiều và phải sử dụng cho rất nhiều các nội dung xây dựng nông thôn mới nên các địa phương không có đủ vốn để hỗ trợ các nội dung yêu cầu vốn lớn như hỗ trợ máy móc, hạ tầng phục vụ liên kết. Trong khi thủ tục hỗ trợ phức tạp (quy trình thẩm định, đánh giá dự án/kế hoạch, phải tổ chức đấu thầu mua sắm khi hỗ trợ cho nông dân).

Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh mới
Các hợp tác xã nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư