Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đồng ý trình Quốc hội cho TP.HCM kéo dài cơ chế đặc thù thêm một năm
Nguyễn Lê - 12/10/2022 13:42
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM (theo Nghị quyết 54) đến hết năm 2023.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM (theo Nghị quyết 54) đến hết năm 2023. Nội dung này sẽ được đưa vào nghị quyết của kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc ngày 20/10 tới đây.

Tiếp tục phiên họp thứ 16, sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

Sau 5 năm thí điểm, Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thêm 1 năm đến hết ngày 31/12/2023.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (cơ quan thẩm tra) Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban này cho rằng, nếu tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách của một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định thì “phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 là cần thiết”.

Song, cơ quan thẩm tra lưu ý, việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn.

“Điều này phần nào làm chậm quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; làm giảm tính vững chắc, nhất quán trong thực thi pháp luật”, bà Mai nhấn mạnh.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; chưa dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu kéo dài thời hạn thực hiện thêm 1 năm.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid 19, báo cáo chưa chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài.

“Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/ 2023. Như vậy chỉ có thêm 1 năm để thực hiện. Đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện”, bà Mai nêu.

Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách vẫn đồng ý với đề nghị của Chính phủ và đề nghị đưa nội dụng này vào Nghị quyết của Kỳ họp 4.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, mục đích thí điểm là để thấy chính sách nào phù hợp thì luật hoá chứ không phải thí điểm mãi, vì thế cần nghiên cứu tổng kết thực tiễn gắn với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để vấn đề nào chính thì đưa luôn vào luật, đơn cử như Luật Đất đai (sửa đổi).

Đồng tình trình Quốc hội cho phép TP.HCM kéo dài thí điểm cơ chế đặc thù thêm một năm, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, nhiều chính sách cho phép thực hiện khi thí điểm cơ chế đặc thù, nhưng thực tế không triển khai được. Chẳng hạn, chính sách hưởng số thu của việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của Trung ương trên địa bàn TP HCM, hay thu phí dừng đỗ ô tô...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, TP.HCM cần tổng kết kỹ, đề xuất một số chính sách mới để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sau khi thời hạn kéo dài thí điểm kết thúc.

Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM giải thích, "có những việc thành phố muốn làm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó và sau đó không mạnh dạn đưa ra do còn nhiều ý kiến trái chiều".

Mặt khác, một số chính sách được nêu trong Nghị quyết 54 nhưng tới khi làm thực tế lại "không đơn giản". Ông Hoan dẫn chứng, thu hồi đất lúa trên 10 ha và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000 người để thực hiện dự án thì lại vướng thủ tục, luật... dẫn tới chậm triển khai.

Hoặc cổ phần hoá khi có phương án phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất nên không làm được. Hay tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố, nhưng các đơn vị này chậm sắp xếp nên thành phố không có cơ hội triển khai...

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết, thành phố đã chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới mang tính toàn diện hơn, để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội. Việc này nhằm huy động nhiều nguồn lực hơn, ngoài nguồn lực nhà nước.

Ông Hoan thông tin, dự thảo nghị quyết mới mở ra cơ chế huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Song Luật Đối tác công - tư (PPP) không cho lĩnh vực văn hóa, thể thao được xã hội hóa nên rất khó để thực hiện.

“Với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM nếu không huy động các nguồn lực để đầu tư các cơ sở vật chất về văn hoá, thể thao tầm cỡ thì chắc chắn nhà nước sẽ không có nguồn lực để thực hiện. TP.HCM mong muốn Quốc hội cho phép thành phố thực hiện Luật PPP với hai lĩnh vực này”, ông Hoan báo cáo. 

Phó chủ tịch cũng khẳng định, TP.HCM cố gắng làm và làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho  quy định pháp luật của cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho thành phố phát triển, có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư