Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giá xăng tăng, áp lực dồn lên lạm phát và điều hành vĩ mô
Hà Nguyễn - 16/06/2022 15:26
 
Giá xăng tiếp tục tăng đang gây áp lực lên lạm phát và điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Sau lần tăng giá thứ 6 liên tiếp, giá xăng RON 95-III đã vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng/lít. Ảnh: Đức Thanh

Xăng đắt đỏ, người dùng lo

Giá xăng tiếp tục tăng trong nỗi lo của các nhà điều hành, doanh nghiệp và người dân. Sau lần tăng giá thứ 6 liên tiếp, giá xăng RON 95-III đã vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel được điều chỉnh tăng tới 2.630 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá xăng dầu đắt đỏ chưa từng thấy và hẳn nhiên không ai không lo trước đà tăng chóng mặt này.

Nỗi lo trên thậm chí đã được các đại biểu Quốc hội đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây. Đúng hôm các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội cũng là lúc điều chỉnh giá xăng dầu. Ở kỳ điều chỉnh đó, giá xăng đã thiết lập đỉnh mới, với 31.570 đồng/lít xăng RON 95-III.

“Người dân và doanh nghiệp rất lo lắng khi giá tiêu dùng của một số ngành hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là xăng, dầu, kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào của ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng như giá lương thực, thực phẩm tăng theo. Điều này đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp, vốn đã rất khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn chưa qua”, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đã nói như vậy.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ rằng, nếu giá cả tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, bởi 2 năm đại dịch đã lấy đi phần tích lũy, nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ vô cùng vất vả. “Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao. Giá cả tăng lên thì với ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên, đội vốn và lãng phí”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Khi ấy, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại rằng, giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao. Và đúng là, ở kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng dầu đã tăng sốc. Vấn đề là, không chỉ là câu chuyện giá xăng, điều đáng lo hơn cả chính là hiệu ứng “domino”, rồi các vấn đề lạm phát tâm lý, “té nước theo mưa” sẽ xuất hiện, ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng khác, ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, trong khi ổn định vĩ mô là yếu tố tiên quyết để nền kinh tế có thể tiếp tục đà phục hồi.

Hiện tại, đà phục hồi của nền kinh tế đang được đặt rất nhiều vào sản xuất công nghiệp, thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, trong một báo cáo được trình Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bày tỏ lo ngại rằng, xuất nhập khẩu đang chịu những ảnh hưởng bất lợi từ diễn biến giá cả quốc tế.

Một ví dụ, đó là chỉ số giá nhập khẩu quý I đã tăng 10,98% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá xuất khẩu chỉ tăng 7,51%. “Điều này cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải gánh áp lực về giá để duy trì sản xuất”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Gia tăng áp lực lên lạm phát và điều hành vĩ mô

Không chỉ doanh nghiệp và người dân lo, Chính phủ cũng lo khi áp lực lạm phát ngày càng tăng. Dù số liệu thống kê về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phải tới cuối tháng 6 mới được công bố, song với việc chỉ từ đầu tháng 6 tới nay, xăng dầu đã hai lần tăng giá và xu hướng tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác, ví dụ dịch vụ du lịch, vận tải…, nhiều khả năng diễn biến chỉ số CPI sẽ tiếp tục là nỗi lo lớn.

Lạm phát tăng không chỉ là câu chuyện thực hiện được hay không mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, mà còn là những ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, tới sản xuất - kinh doanh, tới cả giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế…

“CPI của 5 tháng năm 2022 so với cuối năm 2021 đã tăng 2,48%, tức là gấp khoảng 1,5 lần cùng kỳ của năm trước dịch. Đây là mức tăng cao phản ánh khá rõ xu thế tăng giá của các mặt hàng trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa nhận như vậy và đã chỉ ra tới 4 yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam thời gian tới.

Trong đó, giá xăng dầu, hay chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao chỉ là một yếu tố. Các yếu tố khác là sức mua tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ; xu hướng tăng học phí năm học 2022-2023. Thêm vào đó, khi giá đầu vào và mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo tiếp tục tăng, cũng sẽ tạo áp lực lên chi phí vốn vay và chi phí sản xuất, tạo sức ép cho tăng giá bán đầu ra.

“Rủi ro lạm phát vào các tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lớn lên chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người thu nhập thấp, đối tượng chính sách; gia tăng chi phí trong thực hiện, giải ngân dự án đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Như vậy, lạm phát tăng không chỉ là câu chuyện thực hiện được hay không mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, mà còn là ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, tới sản xuất - kinh doanh, tới cả giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế…

Trong các báo cáo được Chính phủ gửi Quốc hội, một trong những nguyên nhân quan trọng được lý giải vì sao giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, đó là vì nguyên vật liệu xây dựng tăng giá mạnh, khiến các nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng để đợi được điều chỉnh đơn giá. Giải ngân vốn đầu tư công mà chậm thì cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đang lo suy thoái kinh tế, khi mà người dân nước này đang quay cuồng trong cơn “bão giá”. Trong một công bố cách đây ít ngày, lạm phát trong tháng 5 của nước này đã lên tới 8,6% - mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Ở khu vực đồng tiền chung EURO, lạm phát đặc biệt nghiêm trọng và chạm mức 2 con số ở một số quốc gia thành viên, trong đó Estonia dẫn đầu, với 19,1%. Trong khi đó, lạm phát ở Đức đã tăng 7,8%, Pháp tăng 5,4%, Tây Ban Nha 8,3%...

Lạm phát tăng cao trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn đang căng thẳng khiến các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá nguyên vật liệu, lương thực và xăng dầu sẽ tiếp tục đà tăng. Giá cả tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức cầu.

Không chỉ vậy, một hệ quả nhìn thấy rõ là lạm phát và rủi ro sức cầu toàn cầu yếu hơn, cộng thêm gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh các lệnh trừng phạt được các bên tiếp tục thực hiện, còn Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách Zero Covid không khoan nhượng, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Tiền khó tiêu, lạm phát cận kề, Quốc hội lo
Nỗi lo của các đại biểu Quốc hội không phải ở chỗ cân đối nguồn lực eo hẹp, mà là vì sao, tình trạng có tiền không tiêu được cứ kéo dài,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư