Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 18 tháng 08 năm 2024,
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn phát triển tốt đẹp
Mạnh Bôn - 18/08/2024 08:21
 
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lấy làm tiếc khi Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

“Nhưng việc này không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại cũng như chính trị, ngoại giao... giữa 2 quốc gia”, ông Kiên nhận định.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Mặc dù ghi nhận thể chế kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Theo ông, việc này ảnh hưởng thế nào đến quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa 2 nước?

Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023 để nâng cấp mối quan hệ giữa 2 bên từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược toàn diện, có lẽ mọi người, nhất là cộng đồng doanh nghiệp quá kỳ vọng Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nhưng vào đầu tháng 8/2024, phía Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận, mặc dù ghi nhận thể chế kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.

Trên thực tế, dù không tuyên bố, nhưng trong mọi hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại với Việt Nam, Hoa Kỳ đã coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nếu không coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì làm sao xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng liên tục, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Trên thực tế, ngoài những vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số ít hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, phía bạn không có hành động nào ngăn trở hàng sản xuất từ Việt Nam.

Đã có 73 nền kinh tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng nếu được Hoa Kỳ “chính danh” nữa thì uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên một tầm cao mới?

Trong số các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có những cường quốc kinh tế như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nếu bây giờ có thêm Hoa Kỳ công nhận nữa thì càng tốt, còn chưa được thì nền kinh tế Việt Nam cũng chẳng phải phi thị trường.

Tôi lấy ví dụ thế này, một học sinh Việt Nam đi thi Olympic quốc tế đoạt giải, trở về trường học có được tặng giấy khen công nhận danh hiệu “học sinh xuất sắc” hay không thì vẫn thế. Cháu học sinh này đã chứng minh được tài năng, sự xuất sắc vượt trội, nên nhà trường có tặng giấy khen thì cũng chỉ là thêm sự thừa nhận, còn không tặng thì học sinh này vẫn là học sinh xuất sắc.

Tương tự, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có vị thế trên bản đồ thế giới, là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi sản xuất toàn cầu và hoạt động xuất - nhập khẩu đứng vào Top 20 thế giới. Tức là, chúng ta đã chứng minh được sự xuất sắc, vượt trội, nên Hoa Kỳ hay thêm quốc gia nào đó công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là thêm một sự thừa nhận, còn nếu chưa công nhận, không vì thế mà vị thế kinh tế, đầu tư, thương mại của Việt Nam bị giảm xuống.

Như vậy thì dù công nhận hay chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng không ảnh hưởng gì đến quan hệ kinh tế giữa 2 nước, thưa ông?

Đúng vậy. Cũng ví dụ từ học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, sau khi mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhà trường, chính quyền địa phương trao giấy khen, thậm chí thêm quỹ khuyến học của dòng họ, tổ dân phố tặng giấy khen nữa vẫn hơn là không có, mặc dù có tặng hay không thì học sinh này đã được thừa nhận là tài năng. Vì thế, Việt Nam vẫn cố gắng và mong muốn Bộ Thương mại Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Mặc dù chưa công nhận bằng tuyên bố, nhưng ngay từ tháng 7/2013, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện, lãnh đạo 2 nước đã tuyên bố tôn trọng sự khác biệt về chế độ chính trị, thể chế kinh tế và con đường phát triển của nhau.

Tuyên bố này lại được khẳng định một lần nữa trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Và trong chuyến thăm Việt Nam để nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt này.

Nhưng dù sao, cộng đồng doanh nghiệp vẫn thấy tiếc khi Việt Nam chưa được nền kinh tế lớn nhất thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường?

Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tuy nhiên, sau 11 tháng chờ đợi (ngày 8/9/2023, Việt Nam chính thức đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường), cuối cùng kết quả không như kỳ vọng nên sự tiếc nuối là đương nhiên.

Tiếc nuối thì có, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm, bởi lãnh đạo 2 nước đã khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế.

Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, lãnh đạo 2 nước khẳng định tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử, công bằng, bao trùm, bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ với mong muốn tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế, người lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp của hai nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư