Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Một loạt doanh nghiệp FDI “dừng chân” cạnh Hà Nội
Thế Hải - 21/09/2016 07:59
 
Từ đầu năm 2016 đến nay, các khu công nghiệp cạnh Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp FDI thuê đất. Giá nhân công, sự chuyên nghiệp trong đầu tư dự án... chính là sức hút các nhà đầu tư.

Mới đây, 70.000 m2 đất thuộc Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn 4 (huyện Kim Bảng, Hà Nam) do Tổng công ty Viglacera đầu tư xây dựng, đã được 3 doanh nghiệp Hàn Quốc thỏa thuận đặt cọc thuê nhanh gọn, chỉ sau chưa đầy 1 tháng chủ đầu tư nhận Giấy phép đầu tư tại Hà Nam.

Điều đáng nói, phải cuối tháng 9, hoặc chậm nhất trong tháng 10/2016, Viglacera mới khởi công KCN này, nhưng không chờ đến khi có đất sạch, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn quyết định thuê đất để đặt nhà máy, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư KCN Viglacera.

.
.

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera cho hay, việc cả 3 doanh nghiệp Hàn Quốc quyết định thuê đất vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại KCN Đồng Văn 4 trong lúc KCN này chưa hoàn thành đã vượt quá kỳ vọng của Ban lãnh đạo Công ty. Sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đã thôi thúc chúng tôi phải hoàn thành nhanh việc đầu tư xây dựng để bàn giao đất cho doanh nghiệp vào hoạt động.

Đại diện Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera cũng tiết lộ thêm, trong số 3 doanh nghiệp thuê đất tại KCN Đồng Văn 4, có 2 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử sử dụng trong ô tô, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng…, vốn là đối tác tin cậy của nhiều thương hiệu lớn như Samsung, LG, Rinnai, Hyundai, Kia, GE, Ford, Toshiba… Các doanh nghiệp đến với Viglacera đợt này đều là những nhà đầu tư có thâm niên hoạt động tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Sau một thời gian đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam và khảo sát địa điểm đầu tư, các doanh nghiệp đã quyết định “dừng chân” tại  KCN Đồng Văn 4 do Viglacera đầu tư tại tỉnh Hà Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tổng công ty Viglacera cho biết, với vị trí đắc địa và giá thuê hấp dẫn, dự kiến đến cuối năm nay, số lượng doanh nghiệp thuê đất sẽ lên con số hàng chục. Danh tính các doanh nghiệp khách hàng hiện tới thuê đất tại Đồng Văn 4 dù chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn, số vốn mà các doanh nghiệp này mang đến Hà Nam sẽ không hề nhỏ, bởi đây đều là các dự án lắp ráp linh kiện điện tử, cung cấp cho các Tập đoàn lớn, tương tự như một số dự án đã vào KCN Yên Phong, Tiên Sơn tại Bắc Ninh.

Từ đầu năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp tới thuê đất tại các KCN nằm cạnh Hà Nội chủ yếu đăng ký đầu tư phát triển nhà máy sản xuất cho các ngành may mặc và điện tử. Bên cạnh lợi thế về giá nhân công thấp so với nhiều nước trong khu vực, thì sự chuyên nghiệp trong đầu tư các dự án KCN cũng là một trong những điểm cộng kéo doanh nghiệp FDI vào thuê đất.

Thực tế đã chứng minh, khi Dự án đầu tư mở rộng KCN Yên Phong (Bắc Ninh) vừa khởi công xây dựng tháng 3/2016, với quy mô 314 ha, thì hiện đã có 20 ha đất sạch, đường giao thông kết nối trong giai đoạn I dài 2 km đã hoàn thành, hệ thống cung cấp điện nước được xây dựng đầy đủ, sẵn sàng cho các doanh nghiệp có nhu cầu sớm xây dựng nhà máy sản xuất. Ngay khi có được khoảnh đất sạch đầu tiên, chủ đầu tư KCN Yên Phong mở rộng đã lập tức cho một doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc, vốn là nhà cung cấp cấp 1 của Samsung chuyên sản xuất bảng mạch dẻo điện tử cho điện thoại Smartphone thuê  10.000 m2 đất.

Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng có tổng diện tích quy hoạch 314 ha, mục tiêu thu hút đầu tư khoảng 2,6 tỷ USD vào lĩnh vực đa ngành: Sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng  cao cấp, công nghiệp điện tử, cơ khí…Giai đoạn mở rộng được kết nối với Khu công nghiệp Yên Phong giai đoạn I với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại với trạm nước sạch, trạm xử lý nước thải…

Theo nhận định của các nhà đầu tư, các KCN sát Hà Nội, tọa lạc tại các địa phương như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ… đã và tiếp tục có sức hút với các nhà đầu tư. Đơn cử, như KCN tại Yên Phong, vốn được đánh giá có môi trường đầu tư thuận lợi với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao, nên sau hơn 10 năm hoạt động, KCN này là điểm dừng chân của nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực điện tử của Hàn Quốc như Samsung, Orion, Flexcom, Dongsin, Mobase, Dawo Vina, Hansol… để “kéo” về cho tỉnh Bắc Ninh lượng vốn đầu tư lên tới 8 tỷ USD, đóng góp phần lớn vào 28 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh Bắc Ninh trong năm 2015.

Với riêng KCN Đồng Văn 4, số lượng doanh nghiệp vào ký hợp đồng thuê đất chắc chắn sẽ còn thay đổi nhanh trong thời gian tới, khi mà thời gian thi công, hoàn thành xây dựng được chủ đầu tư đẩy nhanh. Rõ ràng, khi hạ tầng KCN được đầu tư xây dựng bài bản, cộng với giá cả và các chính sách hỗ trợ thỏa mãn được nhu cầu của nhà đầu tư, thì không lo đất KCN vắng khách.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Sẽ cắt giảm biên chế hơn nữa
Chiều 17/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư