Thứ Tư, Ngày 14 tháng 05 năm 2025,
Một nhà máy điện phân nhôm ở Đắk Nông lên kế hoạch tuyển 1.000 lao động
Thanh Hương - 14/05/2025 15:21
 
Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân vừa đề nghị UBND tỉnh Đăk Nông hỗ trợ phổ biến thông tin tuyển dụng 1.000 lao động, trong đó ưu tiên lao động địa phương tới các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn.
TIN LIÊN QUAN

Việc tuyển dụng số lượng lao động lớn nói trên được doanh nghiệp cho biết là để phục vụ kế hoạch triển khai và vận hành Dự án Nhà máy điện phân Nhôm Đắk Nông.

Theo kế hoạch này, có 880 nhân sự sẽ là công nhân sản xuất tù 18-35 tuổi với yêu cầu có trình độ cao đẳng trở lên trong các lĩnh vực điện, cơ khí; 24 nhân viên an ninh có trình độ trung cấp, cao đẳng với thâm niên từ 3-5 năm.

Còn lại là 8 vị trí quản lý nhà máy/kỹ thuật/sản xuất/chất lượng với yêu cầu trình độ đại học trở lên trong các ngành cơ khí chế tạo, tự động hoá; có thâm niên 15 năm trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo/công nghiệp nặng hoặc 5 năm trở lên về quản lý nhà máy, xưởng sản xuất và tuổi đời từ 38-45.

Có 14 vị trí là nhân viên thí nghiệm, chất lượng; 7 quản lý khối; 24 nhân viên văn phòng và an toàn.

Vị trí xây dựng của Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông. 

Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào tháng 9/2014, trên tổng diện tích 129,42 ha tại Khu công nghiệp Nhân Cơ. Dự án có công suất thiết kế 450.000 tấn nhôm/năm với nhu cầu Alumina khoảng 900.000 tấn/năm được chia làm 3 phân kỳ; công suất mỗi phân kỳ là 150.000 tấn nhôm/năm.

Theo kế hoạch, khi đi vào sản xuất, dự án bao tiêu toàn bộ sản lượng Alumin của Nhà máy Alumina Nhân Cơ (630.000 tấn/năm) và một phần sản lượng của Nhà máy Alumina Tân Rai, Lâm Đồng (270.000 tấn/năm) - đều thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, đồng thời cung cấp đủ toàn bộ lượng nhôm phải nhập khẩu hiện nay.

Dự kiến, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đóng góp cho GDP tỉnh Đắk Nông khoảng 900 triệu USD/năm, nộp ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 70 triệu USD/năm, thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp. Thời gian hoàn thành đưa dự án vào khai thác là vào cuối năm 2016. 

Đây là dự án sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam, là khâu sản xuất, chế biến sâu cuối cùng của chuỗi công nghiệp khai thác bauxit - chế biến alumin và sản xuất nhôm kim loại.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông hồi tháng 10/2024, Công ty đã đầu tư khoảng 2.100 tỉ đồng để xây dựng các hạng mục, hạ tầng kỹ thuật như khu văn phòng - nhà ở; xưởng gia công thiết bị, sửa chữa trung tâm; xưởng điện phân nhôm; trạm biến áp 220 kV; xưởng gắn cực dương; xưởng đúc; các nhà xưởng phụ trợ; cây xanh và đấu nối hạ tầng kỹ thuật và chuẩn bị lắp đặt máy móc thiết bị.

Theo dự kiến mới nhất là, đến tháng 4/2025 sẽ khởi công gói thầu EPC cung cấp và lắp đặt thiết bị.

Tổng vốn đầu tư dự án là 18.423,64 tỷ đồng, gồm vốn tự có: 3.684,73 tỷ đồng; vốn vay: 14.738,91 tỷ đồng.

Vào ngày 21/3/2025, trong khuôn khổ Lễ khai trương Chi nhánh MB Bank tại Đắk Nông, MB Bank ký kết hợp đồng thu xếp vốn cho Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH Trần Hồng Quân. 

Theo hợp đồng, MB Bank là tổ chức tín dụng đầu mối thu xếp vốn cho giai đoạn 1 và 2 của dự án, với tổng vốn thu xếp là 12.500 tỷ đồng. 

Phía chủ đầu tư cũng cam kết tập trung nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt Tổng thầu NFC và các nhà thầu phụ thực hiện gói thầu lắp đặt thiết bị đúng tiến độ đã ký kết.

Theo lộ trình, quý II/2026, dự án sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, đưa phân kỳ 1 (công suất 150.000 tấn/năm) vào vận hành. Tiếp đó, quý II/2027 sẽ đưa phân kỳ 2 (công suất 300.000 tấn/năm) vào vận hành và quý I/2028 sẽ đưa phân kỳ 3 (đạt công suất thiết kế 450.000 tấn/năm) vào vận hành.

Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân cũng đã cam kết với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông là “sẽ có mẻ nhôm đầu tiên trong quý II/2026".

Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân được thành lập từ tháng 09/2000, do ông Trần Hồng Quân (sinh năm 1975) làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Công ty có trụ sở chính tại 36 Lê Đức Thọ, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó, ông Trần Hồng Quân góp 400 tỷ, nắm 80% vốn điều lệ và bà Nguyễn Thị Bích Thảo góp 100 tỷ, nắm 20% vốn điều lệ còn lại.
Trong những năm đầu mới thành lập, Công ty kinh doanh và lắp ráp xe gắn máy, sau đó từ năm 2002, hoạt động với trong 2 lĩnh vực chính là kinh doanh khí đốt hóa lỏng (LPG) và dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
Trong lĩnh vực kinh doanh LPG, công ty là nhà nhập khẩu, tồn trữ, sản xuất vỏ bình gas, chiết nạp LPG, chiếm thị phần lớn trong mảng gas dân dụng tại miền Bắc với thương hiệu Hồng Hà Gas.
Công ty sở hữu 1 tổng kho tồn trữ tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng), 1 nhà máy chế tạo vỏ bình gas tại KCN Phố Nối (Hưng Yên), hệ thống 6 nhà máy chiết nạp gas trải khắp các đô thị miền Bắc và hệ thống phân phối với hàng nghìn đại lý bán lẻ trải rộng khắp các đô thị và nông thôn, trung du phía Bắc.
Đồng thời, doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư của tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Crowne Plaza West Hà Nội tại 36 Lê Đức Thọ, Phường Mỹ Đình 2, Hà Nội. Crowne complex khai trương cuối năm 2010, là tổ hợp gồm khách sạn, căn hộ cao cấp , văn phòng cho thuê trên tổng diện tích 13.000 m2 với hơn 9.000 m2 tầng hầm.
Dự án Luyện kim Trần Hồng Quân có được ưu đãi khủng về giá điện?
Có hay không chuyện Dự án điện phân nhôm Đắc Nông của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân được ưu đãi “khủng” về cơ chế chính sách, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư