Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 20 tháng 02 năm 2025,
Mỹ, Ukraine vẫn có thể đạt thỏa thuận khoáng sản "tích cực" cho cả đôi bên
Đông Phong - 17/02/2025 11:50
 
Hy vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đảm bảo quyền tiếp cận khoáng sản đất hiếm của Ukraine đã vấp phải rào cản sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy từ chối lời đề nghị với lý do nó quá tập trung vào lợi ích của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các phóng viên tại sân bay quốc tế Palm Beach, bang Florida (Mỹ) vào ngày 16/2/2025. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các phóng viên tại sân bay quốc tế Palm Beach, bang Florida (Mỹ) vào ngày 16/2/2025. Ảnh: AFP

Thỏa thuận có thể tạo "bước ngoặt" trong giải quyết xung đột

Triển vọng về một thỏa thuận kinh tế để đổi lấy sự hỗ trợ của Washington đối với Ukraine đã thu hút sự chú ý của giới quan sát chính trị và truyền thông quốc tế trong những ngày gần đây trong bối cảnh đã có những cuộc thảo luận về một thỏa thuận rộng hơn nhằm chấm dứt chiến sự, nhưng Tổng thống Zelenskyy cho biết lời đề nghị được đưa ra cho đến nay không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho đất nước của ông.

"Tôi đã không để các bộ trưởng ký một thỏa thuận có liên quan vì theo quan điểm của tôi, nó chưa sẵn sàng để bảo vệ chúng tôi, lợi ích của chúng tôi", Tổng thống Zelenskyy nói với hãng tin AP bên lề Hội nghị an ninh Munich. Hội nghị an ninh Munich diễn ra từ ngày 14-16/2, một diễn đàn được cho là đang định hình lại mối quan hệ đối ngoại Mỹ - châu Âu.

Trước đó, Reuters dẫn lời ba người thạo tin cho biết Mỹ đã đề xuất nắm quyền sở hữu 50% khoáng sản quan trọng của Ukraine.

Tuy nhiên, các quan chức tại Hội nghị an ninh Munich cho biết vẫn có phạm vi đàm phán một thỏa thuận mà cả hai bên đều chấp nhận được.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa, ông Lindsey Graham, đánh giá rằng một thỏa thuận kinh tế như vậy giữa Mỹ và Ukraine có thể là "bước ngoặt" trong việc giải quyết xung đột.

"Thỏa thuận khoáng sản này giữa Mỹ và Ukraine là bước ngoặt, vì Tổng thống Trump có thể đến gặp người dân Mỹ và nói rằng Ukraine không phải là gánh nặng, mà là lợi ích", ông Graham nhận định.

Ukraine là nơi có trữ lượng lớn các khoáng sản quý và rất quan trọng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Trường Kinh tế Kyiv (KSE) ước tính rằng quốc gia này đang sở hữu 20 trong số 50 nguyên liệu thô quan trọng, bao gồm titan, lithium và zirconium.

Tổng thống Trump cho biết ông muốn Ukraine cung cấp 500 tỷ USD giá trị khoáng sản quan trọng để giúp Washington giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc, nhưng Tổng thống Zelenskyy cho rằng bất kỳ hoạt động khai thác nào cũng cần phải gắn liền với các đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons đánh giá thỏa thuận này có thể là "tích cực" cho cả hai bên, miễn là nó đưa ra các đảm bảo an ninh cho Kyiv.

"Nếu đây là một cơ hội đầu tư mà các công ty Mỹ và các công ty khác từ châu Âu sẽ tham gia vào hoạt động khai thác và chế biến, để chúng ta có thể độc lập với các nguồn khoáng sản chiến lược này của Trung Quốc - và nếu sự giúp đỡ của ông ấy làm sâu sắc và củng cố quan hệ đối tác của chúng ta để giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai... thì đó sẽ là một điều tích cực", Thượng nghị sĩ Coons nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có một số thông tin về thỏa thuận "khá khác so với điều đó".

Chính sách đối ngoại "mang tính trao đổi"

Đề xuất hiện tại của Mỹ tập trung vào việc sử dụng khoáng sản đất hiếm của Ukraine "như một khoản hoàn trả" cho khoản tài trợ mà chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp, cũng như khoản thanh toán cho các khoản hỗ trợ trong tương lai, hãng tin AP dẫn lời các quan chức cấp cao hiện tại và trước đây của Ukraine.

"Mỹ đã nói rất rõ ràng, chính sách đối ngoại của họ sẽ mang tính trao đổi, không có gì khác", bà Binaifer Nowrojee, Chủ tịch Quỹ Xã hội Mở (OSF) có trụ sở tại New York, nói với đài CNBC hôm 16/2. Tuy nhiên, bà cho biết, Ukraine vẫn đang ở "một thời điểm tốt để đàm phán".

Ukraine từ lâu đã tìm cách phát triển ngành công nghiệp khoáng sản quan trọng của mình và một thỏa thuận với Mỹ có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho công việc khai thác và chế biến khoáng sản đòi hỏi nhiều vốn đầu tư.

Bà Nataliia Shapoval, Chủ tịch Viện KSE, một đơn vị nghiên cứu thuộc Trường Kinh tế Kyiv, nơi biên soạn cơ sở dữ liệu về các khoáng sản quan trọng của Ukraine, đồng tình rằng một thỏa thuận có thể mang lại lợi ích chung cho cả hai nước nếu các cuộc đàm phán được thực hiện "một cách thiện chí".

"Ukraine muốn tin rằng ông Trump muốn có một cơ sở nghiêm túc, dựa trên kinh tế cho các cuộc thảo luận với ông Putin. Nếu có nhiều nhà đầu tư Mỹ hơn ở Ukraine, sẽ có nhiều cơ sở hơn để bảo vệ Ukraine", bà Shapoval nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Viện KSE nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm nhiều hơn là bồi thường và cần phải song hành với một thỏa thuận rộng hơn với Nga để chấm dứt giao tranh.

"Nếu ông Trump không có kế hoạch sử dụng các nguyên liệu thô quan trọng như một phần của khuôn khổ đàm phán với Nga và chỉ nghĩ rằng chúng tôi muốn bồi thường cho sự giúp đỡ của họ, thì đó là sự lãng phí thời gian cho tất cả những người liên quan", bà Shapoval nói thêm.

Ukraine tiếp nhận lô khí đốt hóa lỏng (LNG) đầu tiên từ Mỹ
Công ty năng lượng tư nhân lớn nhất của Ukraine là DTEK thông báo đã tiếp nhận lô khí đốt hóa lỏng (LNG) đầu tiên từ Mỹ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư