Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Người sắp về hưu làm đại biểu Quốc hội "sẽ không ngại va chạm"
Nguyễn Lê - 26/05/2020 14:31
 
Một số vị đại biểu đề nghị dành tỷ lệ khoảng 3%-5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội... làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.
.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau).

Do đặc điểm về tuổi tác nên các cán bộ này chín chắn hơn, không ngại va chạm, dám nói thẳng, nói thật, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu lý do nên có chính sách thu hút các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm, công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, tại tại phiên thảo luận sửa Luật Tổ chức Quốc hội, sáng 26/5.

Theo đại biểu, có ba lý do cần có chính sách nói trên. Thứ nhất, kinh nghiệm, trí tuệ là những tài sản vô cùng quý giá, được trau dồi, tôi luyện, tích lũy trong suốt quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân, cần phải được trân trọng và sử dụng một cách có hiệu quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, tình trạng sức khỏe của nhân dân nói chung mỗi ngày một tốt hơn, khỏe mạnh hơn, sống thọ hơn, mức độ minh mẫn, sáng suốt ngày càng kéo dài hơn.

Thứ ba, do đặc điểm về tuổi tác nên các cán bộ này chín chắn hơn, không ngại va chạm, dám nói thẳng, nói thật.

Tuy nhiên, đại biểu Hận cho rằng cũng nên có giới hạn số lượng, có cơ cấu lựa chọn, minh bạch, khoa học để hạn chế thấp nhất mặt trái của vấn đề.

Trước đó, giải trình, tiếp thu dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ xem xét việc dành tỷ lệ nhất định cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động đại biểu sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về năng lực công tác, trí tuệ, uy tín và có sức khỏe, tham gia ứng cử làm đại biểu hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.  Định hướng này sẽ được cụ thể trong Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV và không bổ sung vào Luật.

Dự thảo mới nhất cũng nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 35% hiện tại lên 40%, tức là 200 đại biểu nếu bầu đủ 500 vị.

Một số vị đại biểu đề nghị dành tỷ lệ nhất định, khoảng 3-5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội... tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) thì nếu thực hiện theo hướng này sẽ đảm bảo nguồn nhân sự đầu vào đủ tỷ lệ 40% đại biểu chuyên trách, đồng thời đây cũng là nguồn lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40%, theo đại biểu Mai Hoa là một điểm mới, một điểm nhấn trong dự thảo luật lần này.

Tuy nhiên, đại biểu Hoa cũng nhấn mạnh điều đáng tiếc là quy định về đại biểu Quốc hội là chuyên gia, là các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người có kinh nghiệm hoạt động đại biểu thì lại chưa được đưa vào trong dự thảo luật lần này.

Đại biểu Hoa phân tích, đại biểu Quốc hội đang được bầu dựa trên tính đại diện và trong những năm qua Quốc hội đã thể hiện rất tốt tính đại diện. Trong khi đó, yêu cầu đang đặt ra là nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu. Như vậy sẽ có một mâu thuẫn giữa việc vừa bảo đảm được tính đại diện, nhưng vừa mong muốn có những đại biểu có chất lượng cao hay là những đại biểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó để góp phần cho các đại biểu Quốc hội tiếp cận một cách đúng đắn hơn hay tiếp cận sâu hơn vào các dự thảo luật, những vấn đề là chuyên sâu.

Bà Hoa nhận xét, trong thời gian qua, khi các đại biểu Quốc hội muốn bấm nút thông qua một nội dung nào đó còn nhiều ý kiến tranh cãi thì các đại biểu Quốc hội có những hiểu biết chuyên sâu đã có những tác động rất lớn tới các đại biểu Quốc hội khác. Song, bà Hoa cho rằng ấn định tỷ lệ đại biểu Quốc hội là chuyên gia, các nhà khoa học thực sự là rất khó. Vì, bầu cử thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, mà quyền bầu cử là quyền tự do của con người thì việc can thiệp để có một tỷ lệ nhất định là rất khó.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng tăng cường đại biểu Quốc hội là chuyên gia là không đúng.

"Bởi vì đại biểu Quốc hội là chính trị gia, là chính trị gia thì đại biểu Quốc hội phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên lý vận hành của các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách. Nếu đại biểu Quốc hội là chuyên gia am hiểu sâu vào từng lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất đó là Quốc hội".

Hồi âm ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói, đại biểu chuyên gia cũng như tỷ lệ cơ cấu các đại biểu khác, như đại biểu trẻ, đại biểu thanh niên, đại biểu là người dân tộc, đại biểu là phụ nữ... thuộc phạm vi của Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội chứ không quy định cụ thể ở trong luật. Trong luật chỉ quy định tỷ lệ tối thiểu, ít nhất phải đảm bảo là 40% đại biểu chuyên trách, còn tỷ lệ cụ thể thì được quy định trong đề án.

Trình Quốc hội chính sách bỏ hộ khẩu
Chính phủ đề xuất bỏ hộ khẩu, quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc...
Bình luận bài viết này
  • Nguyễn Phúc Hội 07:28 | 29-05-2020
    Công tác đề cử nhân sự mà chính chắn-tìm ra những người đủ tài trí, đức độ XỨNG ĐÁNG LÀ ĐẠI BIỂU CỦA DÂN thì thành công. Nên hạn chế tối đa các vị là chủ tịch, bí thư tỉnh làm ĐBQH. Và điều quan trọng cần có được là cùng có được cái gọi là LẼ PHẢI làm chuẩn mực cho chức trách mà hành động!
  • Nhân Dân 06:39 | 27-05-2020
    "Người sắp về hưu làm đại biểu Quốc hội 'sẽ không ngại va chạm'" - Tại sao ăn lương nhân dân gần cả 1 đời người mà đến khi sắp về hưu mới "sẽ không ngại va chạm" ? Đề nghị XEM LẠI QUAN ĐIỂM NÀY đê làm sao khi anh bắt đầu nhận đồng tiền lương từ nhân dân anh phải làm đúng vai trò công chức viên chức, vai trò NGƯỜI ĐẠI DIỆN NHÂN DÂN, ngay từ giây đầu phút đầu. Góp ý cũng như bỏ phiếu kín, đại biểu được quyền nêu quan điểm kín / giữ kín tên tuổi, miễn nó không trái đạo đức hiến pháp pháp luật!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư