Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Nhà đầu tư nào mua Xi măng Dầu khí 12/9?
Thế Hải - 29/11/2014 11:12
 
Dự án Xi măng Dầu khí 12/9 đã dừng thi công và đang “cầu trời” có nhà đầu tư mua lại.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu xi măng
Mua lại Xi măng Thăng Long: Món hời của Semen Gresikl
Loại dự án xi măng ốm yếu ra khỏi quy hoạch ngành

Tính đến thời điểm này, tổng mức đầu tư cho Dự án Xi măng 12/9 đã lên tới 1.117 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư được phê duyệt chỉ 814 tỷ đồng vào năm 2009, phần vốn phụ trội không nhỏ. Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ sức để tái khởi động Dự án.

   
  Thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến Dự án Xi măng 12/9 rơi vào bế tắc  

Dự án Xi măng 12/9 do Công ty cổ phần Xi măng Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVNC) là đơn vị tổng thầu. Được triển khai từ cuối tháng 11/2009, nhưng do khó khăn về nguồn vốn, nên đến ngày 30/6/2012, PVNC đã dừng thi công Dự án. Từ đó đến giờ, sau nhiều cuộc bàn thảo giữa các cơ quan liên quan, các tổ chức tín dụng, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Mới đây nhất, trong tháng 10/2014, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Bộ Công thương về việc dừng thực hiện Dự án Nhà máy Xi măng 12/9, xây dựng phương án chuyển nhượng, góp vốn tại Công ty cổ phần Xi măng Dầu khí Nghệ An phù hợp với quy định hiện hành.

Công văn này cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ PVN tìm kiếm đối tác quan tâm có chức năng kinh doanh phù hợp.

Phải nhắc lại, vào trung tuần tháng 8/2014, Bộ Công thương có văn bản trình Chính phủ cho phép Dự án thay đổi công nghệ, bổ sung thiết bị nâng công suất Nhà máy Xi măng 12/9 lên 1.500 tấn clinker/ngày. Tuy nhiên, đến tháng 9/2014, Bộ Xây dựng lại có ý kiến đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo PVN, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục dở dang, để hoàn thành việc xây lắp Dự án.

Động thái trên của Bộ Xây dựng không nằm ngoài mục đích, tránh cho Dự án phải ở lâu trong cảnh đầu tư xây dựng dở dang, hao tốn tiền của, giảm bớt thiệt hại về kinh tế trong đầu tư xây dựng.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng, mà chủ đầu tư đã nhận được hàng loạt công văn chỉ đạo về Dự án, nhưng vẫn chưa có động thái gì đủ mạnh để làm thay đổi được cục diện Dự án theo hướng tích cực.

Theo ông Nguyễn Đăng Tịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Dầu khí 12/9, tình trạng dở dang kéo dài của Dự án Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9 đang gây nhiều hệ lụy xấu về tài chính, cũng như đời sống của người lao động.

Chỉ tính riêng lãi suất vay ngân hàng, mỗi tháng đã tiêu tốn của Công ty hơn chục tỷ đồng, thiếu tiền trả lương cho người lao động. Ngoài ra, nhiều hạng mục thi công dở dang, toàn bộ thiết bị máy móc nhập khẩu về tập kết tại công trường chắc chắn sẽ bị xuống cấp, gây lãng phí về tiền của.

Thêm nữa, theo tính toán sơ bộ, để hoàn thiện nốt các hạng mục công trình dở dang cho Dự án, cần ít nhất 500-600 triệu đồng.

Chính đại diện Công ty cổ phần Xi măng Dầu khí 12/9 cũng cho rằng, để vực dậy dự án dở dang này, cần nhất một nhà đầu tư xi măng có đủ cả về tài chính lẫn thị trường, nếu là những doanh nghiệp xi măng lớn, có hệ thống nhà máy quanh địa bàn miền Trung càng lý tưởng, có thể hỗ trợ đầu ra ngay khi Dự án được hoàn thành, giúp chủ đầu tư nhanh chóng có vốn trả nợ các khoản vốn, lãi vay đầu tư.

Rõ ràng, nhà đầu tư nào sẽ đứng ra tiếp nhận Dự án Xi măng Dầu khí 12/9 đang là một mong mỏi lớn của chủ đầu tư, cũng như các bên liên quan.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, đại diện một doanh nghiệp trong ngành xi măng cho rằng, tìm được nhà đầu tư nào có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm làm xi măng, để vực Nhà máy hoàn thành, đi vào hoạt động là không dễ dàng.

Theo vị đại diện trên, nguồn cung xi măng trong nước đang lớn hơn nhiều so với nhu cầu. Kể cả các doanh nghiệp lớn như Vicem, Chinfon, Holcim… cũng đang chật vật lo đầu ra, đảm bảo kế hoạch kinh doanh, nói gì đến các dự án xi măng địa phương.

Số phận của Dự án xi măng Dầu khí 12/9 sẽ ra sao nếu thời gian tới chưa có sự xuất hiện của nhà đầu tư mới? Chắc chắn, cứ thêm một ngày dừng thi công, lãng phí và thiệt hại về tài chính của Dự án càng tăng nhanh.

Cần phải nói thêm, trước đó (tháng 2/2014), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu PVN chỉ đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí kiểm tra lại số liệu về thiệt hại nếu dừng Dự án; rà soát các khoản chi phí làm tăng tổng mức đầu tư và tính toán hiệu quả của Dự án. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án cụ thể, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng, đến thời điểm này, sau hàng loạt công văn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng, tương lai của Dự án vẫn rất mờ mịt.

Xi măng Dầu khí 12/9 bí vốn làm dự án Xi măng Dầu khí 12/9 bí vốn làm dự án

Khả năng xoay xở được nguồn vốn lên tới 500 tỷ đồng trong thời điểm hiện tại để hoàn thiện Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng 12/9 là vô cùng khó, khi xi măng không phải là lĩnh vực đầu tư cốt lõi của các cổ đông.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư