Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà Thủ Đức lợi nhuận "tượng trưng"
- 19/03/2014 10:05
 
Chung cư Thủ Đức House Trường Thọ do TDH làm chủ đầu tư

Không thua lỗ và cũng không nổi tiếng vì tai tiếng như nhiều “đại gia” bất động sản khác, nhưng trong dòng xoáy khó khăn của bất động sản Công ty CP Phát Triển Nhà Thủ Đức (TDH) cũng không thoát khỏi khó khăn với khoản đầu tư tài chính khủng. Trong 3 năm vừa qua lợi nhuận của công ty chỉ ở mức “tượng trưng” và giá cổ phiếu chỉ còn 1/4 so với thời kỳ đỉnh cao. Với bối cảnh hiện nay thì hành trình đi tìm lại chính mình của Nhà Thủ Đức vẫn còn xa phía trước.

Nhà Thủ Đức (TDH) để lại không ít ấn tượng trong thế giới tài chính bởi đây cũng là một doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi và gắn liên với doanh nhân khá nổi tiếng - ông Lê Chí Hiếu. Theo báo cáo tài chính 2013, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 1.368 tỷ đồng. Đây là một mức khá cao so với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản hiện nay.

Với sự khó khăn của thị trường bất động sản, TDH cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó. Liên tục trong 3 năm gần đây lợi nhuận sau thuế của công ty không quá 50 tỷ đồng, đặc biệt năm 2013 lợi nhuận sau thuế báo cáo hợp nhất chỉ đạt 29 tỷ đồng. Suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của TDH cao nhất trong 3 năm vừa qua chỉ có 3,31%. Tất nhiên, đây là con số thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, hoạt động của TDH không chỉ trong lĩnh vực bất động sản mà còn có khá nhiều mảng khác. Theo báo cáo tài chính, doanh thu từ kinh doanh bất động sản đầu tư của TDH trong năm 2013 chỉ đạt 1,94 tỷ đồng, còn lại 447 tỷ đồng của Công ty chủ yếu từ hoạt dịch vụ và bán hàng.

Được biết, hiện nay Thủ Đức House đang sở hữu một loạt công ty con kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, TDH có các công ty con là Công ty TNHH QL&KD Chợ Nông sản Thủ Đức với số vốn điều lệ 37 tỷ đồng, Nước đá tinh khiết Đông An Bình có số vốn 24 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Thịnh Đức, Cổ phần Thông Đức mỗi công ty có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng.

Không chỉ có công ty con, phần lớn tài sản của Nhà Thủ Đức là đầu tư tài chính vào các công ty liên doanh, đầu tư tài chính dài hạn và góp vốn liên doanh. Phần lớn các công ty liên kết và góp vốn liên doanh nằm trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính 2013, thì tổng đầu tư vào 12 công ty liên kết với tổng số tiền là 473 tỷ đồng; đầu tư chứng khoán 170 tỷ đồng và góp vốn liên doanh 427 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy trong một vài năm qua lợi nhuận mang đến từ những khoản đầu tư này rất thấp. Thậm chí tính đến cuối năm 2013, TDH còn phải trích lập giảm giá đầu tư 117 tỷ đồng.

Như vậy, dù Thủ Đức House không gặp quá nhiều khó khăn như các doanh nghiệp bất động sản khác. Tuy nhiên, công ty đang phải chịu gánh nặng rất lớn khi phần lớn vốn của Công ty là đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết trong khi đó các dự án của Công ty con, công ty liên doanh liên kết gặp khó khăn.

Cách đây 3 năm Thủ Đức House thông báo triển khai rầm rộ rất nhiều dự án. Điển hình như dự án Long Hội City được quy hoạch trên diện tích khu đất 54ha, là khu đô thị - thương mại – dịch vụ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Ngoài ra, Thủ Đức House cũng các dự án khủng khác như Phước Long Spring Town tại Quận 9; Cantavil – Premier tại Quận 2. Tổng số vốn đầu tư dự kiến cho các dự án này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trên đây là một trong rất nhiều dự án mà Nhà Thủ Đức hoặc các công ty liên kết đang triển khai. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác quá trình triển khai các dự án đang bị chậm lại bởi sự “đóng băng” của thị trường bất động sản. Điều này được thể hiện rõ quá số hàng tồn kho và doanh thu trong báo cáo tài chính của Công ty. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất thì cuối năm 2013 số hàng tồn kho của Nhà Thủ Đức chỉ là 448 tỷ đồng nằm trong 25 dự án khác nhau của công ty. Tổng số hàng tồn kho đầu năm 2013 và cuối năm không thay đổi là mấy cho thấy việc triển khai dự án hết sức chậm chạp. Chẳng hạn hàng tồn kho tại dự án Phước Long Spring Town cuối năm 2013 chỉ có 39 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho nhiều nhất là tại dự án Chung cư TDH Trường Thọ nhưng cũng chỉ có 125 tỷ đồng.

Một vài nét phác họa về Thủ Đức House trên đây cho thấy công ty này không phải quá khó khăn tuy nhiên triển vọng phía trước vẫn chưa có điểm sáng. Rất may cho TDH là tổng nợ vay của Công ty tính đến cuối năm 2013 chỉ có 602 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay chưa đến 50% vốn chủ sở hữu. Đây là một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác.

Có lẽ tình trạng khó khăn và hiệu quả kinh doanh thấp của Thủ Đức House cũng thể hiện phần nào trong giá cổ phiếu của doanh nghiệp này. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/03/2014, giá cổ phiếu TDH chỉ có 19.000 đồng/cp, bằng 53% giá trị sổ sách. Mức giá này đã tăng 90% so với tháng 10/2013, tuy vậy nó cũng chỉ bằng 1/4 so với giá cổ cổ phiếu này vào cuối năm 2009. Trong thời gian qua giá cổ phiếu tăng rất mạnh tuy nhiên chuyển biến trong hoạt động doanh nghiệp bất động sản thì khá chậm chạp. Như vậy, hành trình đi tìm lại chính mình của Nhà Thủ Đức vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư