Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhiều dự án trọng điểm của Hà Nội tiếp tục điều chỉnh dù cận ngày về đích
Nguyễn Trang - 09/12/2018 10:26
 
Đã quá nửa lộ trình triển khai, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế... tại các dự án trọng điểm của TP. Hà Nội vẫn đang tiếp tục.
TIN LIÊN QUAN

Hoàn thành 4/55 dự án trọng điểm 

Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách về công tác triển khai thực hiện dự án, công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Hà Nội khóa XV cho thấy, các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn này đang rất chậm so với yêu cầu. 

.
.

Cụ thể, theo dự kiến đến hết năm 2018, sẽ có 8 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong số 8 dự án đầu tư từ ngân sách, mới chỉ có Dự án Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, Nút giao Cổ Linh và Dự án Đầu tư nâng cấp Bệnh viện phụ sản Hà Nội là hoàn thành và Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân “cơ bản hoàn thành”. 

Ở nhóm dự án đã khởi công và đang triển khai, hiện cả Thành phố có 17 dự án, trong đó 14 dự án được đầu tư từ ngân sách (3 dự án sử dụng vốn ODA), 3 dự án BT.

Báo cáo cũng cho thấy, cả 17 dự án đều có tiến độ triển khai chậm hơn dự kiến, trong đó chỉ có 3/17 dự án có khả năng hoàn thành theo tiến độ là Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông; Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (hoàn thành năm 2022); Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (phấn đấu hoàn thành năm 2020).

Ngoài ra, với 34 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa khởi công, trong đó có 26/31 dự án có tiến độ triển khai chậm hơn dự kiến, 20/34 dự án không có khả năng hoàn thành đúng tiến độ và 14/34 dự án được đánh giá là có khả năng hoàn thành.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, Thành phố hiện có 2 dự án được dự kiến thay đổi hình thức đầu tư từ đầu tư công sang đầu tư theo hình thức PPP, đó là Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) và tuyến số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai).

Vẫn tin về đích đúng hẹn?

Thừa nhận việc triển khai các thủ tục đầu tư của nhiều dự án chậm và còn nhiều lúng túng, đặc biệt với các dự án sử dụng vốn ngân sách, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, một số chủ đầu tư còn chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư như Dự án mở rộng Khu liên họp xử lý chất thải Sóc Sơn; Dự án Xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long đoạn đường Phạm Yăn Đồng - đường Văn Tiến Dũng. 

Việc triển khai các thủ tục đầu tư của nhiều Dự án chậm và còn nhiều lúng túng, đặc biệt với các Dự án sử dụng vốn ngân sách.

Nhiều dự án dự kiến triển khai theo hình thức PPP, nhưng chưa xác định được nhà đầu tư để giao lập đề xuất dự án; một số nhà đầu tư đã được chấp thuận giao lập đề xuất dự án PPP nhưng không tích cực triển khai công việc. 

Lại có trường hợp giữa các đơn vị liên doanh triển khai dự án, đặc biệt là liên doanh giữa đơn vị nhà nước và doanh nghiệp có sự không thống nhất về quan điểm triển khai, dẫn đến không triển khai được dự án (Dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ).

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Thành phố đang định hướng triển khai một số dự án có sự thay đổi về định hướng nguồn vốn, thay đổi địa điểm (Cung thiếu nhi Hà Nội), thay đổi các hạng mục bên trong dự án (không đầu tư xây dựng Nhà hát Hoa Sen tại Khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1), thay đổi công năng sử dụng (Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội), tiêu chuẩn thiết kế và quy mô đầu tư (Bệnh viện Nhi Hà Nội) dẫn đến phải triển khai lại thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án.

Cần phải nhắc lại, chỉ còn hơn 2 năm nữa là đến thời hạn phải hoàn thành các dự án trọng điểm của Thành phố, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế vẫn chưa hoàn thành. Thế nhưng, người đứng đầu thành phố lại rất lạc quan và khẳng định, toàn bộ 51 công trình trọng điểm ở thủ đô với tổng vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ hoàn thành trước năm 2021.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư