Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Những gương mặt "Toả sáng nghị lực Việt"
P.V - 20/11/2023 11:55
 
Nhiều gương mặt được vinh danh trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" đã minh chứng cho tinh thần vượt khó vươn lên của dân tộc Việt.

Chàng Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyết tật giàu nghị lực

Trong vai trò là Phó chủ tịch Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang, những năm qua, anh Bùi Văn Hiếu có nhiều ý tưởng sáng tạo, hoạt động tập hợp, giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống.

Hiếu ở thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn (Lục Nam, Bắc Giang). Là con cả trong gia đình có ba anh em, bố mẹ làm nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp THPT, anh không thi đại học mà học tiếng Nhật với mong muốn du học.

Với những nỗ lực của mình, anh Bùi Văn Hiếu là một trong số 35 gương thanh niên sẽ được tuyên dương trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức (áo trắng ngồi thứ hai từ trái sang).

Vụ tai nạn giao thông bất ngờ xảy ra vào tháng 7/2013 khiến chàng trai trẻ phải cắt bỏ hai chân và từ đó mọi sinh hoạt gắn liền với chiếc xe lăn.

Cuộc sống của anh chuyển sang ngã rẽ khác, sống khép mình trong nỗi mặc cảm. Những ngày ở nhà dài đằng đẵng trong khi các bạn đi học, đi làm còn mình lủi thủi ở nhà càng khiến anh dằn vặt bản thân, không nguôi khát khao hòa nhập với cuộc sống.

May mắn đến với Hiếu khi anh được các bạn đoàn viên thanh niên trong xã tận tình giúp đỡ, đến tận nhà đưa đi tham gia các buổi sinh hoạt đoàn giúp tôi xóa bỏ mặc cảm.

Không đầu hàng trước số phận, anh đã tập hợp một vài cộng sự thành lập ra nhóm “Người Khuyết tật tỉnh Bắc Giang” với mong muốn tạo ra một mái nhà chung, là nơi giao lưu, học hỏi và trao đổi dành cho người tật trong địa bàn tỉnh Bắc Giang, để thúc đẩy cộng đồng người khuyết tật trong tỉnh nhà phát triển hơn.

Với vai trò là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên Khuyết tật tỉnh Bắc Giang, anh Hiếu luôn đi đầu kêu gọi các hội viên tham gia tích cực các hoạt động như: chương trình trao quà Tết cho 50 hội viên CLB trị giá mỗi xuất quà là 300.000 đồng/xuất, tổng trị giá là 15.000.000 đồng.

Hiếu cũng tổ chức cuộc thi, giao hữu các bộ môn thể thao như: cầu lông, cờ tướng, đua xe lăn tay để nâng cao tinh thần thể thao, rèn luyện sức khỏe và giao lưu cọ xát giữa các hội viên.

Bên cạnh đó, anh cũng tham gia tổ chức cuộc thi “ Nét đẹp phụ nữ khuyết tật Bắc Giang” trên trang group facebook của Câu lạc bộ. Tổ chức và vận động gây quỹ “ Mua tặng xe lăn “ cho 2 hội viên Câu lạc bộ và tổ chức chương trình trao tặng xe lăn cũ cho 5 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn tỉnh.

Không chỉ tích cực trong các hoạt động thiện nguyện tại địa phương, anh Hiếu luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu về kinh doanh trên Internet, tạo thu nhập ổn định cho bản thân và tạo công việc cho thanh niên khuyết tật khác thêm thu nhập vươn lên trong cuộc sống.

Đến thời điểm hiện tại, anh Hiếu đang kinh doanh trên các nền tảng như facebook, zalo, shoppe, tiktok và đã tự tạo cho mình một thương hiệu riêng.

Nhiều năm liền, anh Hiếu đều được công ty PF3 World Vinh danh leader xuất sắc nhất năm online các mặt hàng như: sản phẩm chức năng, sức khoẻ, đồ gia dụng, đồ hot trend,…

Hiện tại song song với việc kinh doanh, anh Hiếu cũng đang theo học tại trung tâm Nghị Lực Sống với mong muốn học tập thêm kiến thức và tìm ra những hướng đi mới trong vấn đề giải quyết việc làm dành cho người khuyết tật.

Ý chí vững tin vào cuộc sống của cô giáo kỹ sư máy tính

Bị phát hiện mắc căn bệnh teo cơ giống bố từ khi còn rất nhỏ. Tưởng như thế giới đã chuyển sang một màu đen tối. Nhưng với tinh thần học hỏi và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Chị Nguyễn Thị Xuân (Hà Nam) đã rất thành công trong lĩnh vực công nghệ, tạo công ăn việc làm ổn định cho những thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh giống mình. Đồng thời luôn đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật.

Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam Nguyễn Thị Xuân.

Chị Nguyễn Thị Xuân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có người bố bị khuyết tật không thể đi lại. Năm 12 tuổi, gia đình phát hiện chị Xuân và em trai bị bệnh teo cơ giống bố.

Cả thế giới như đang sụp đổ trước mắt chị, khó khăn chồng chất khó khăn khi kinh tế gia đình gần như do người mẹ gánh vác. “Từ một cô bé đang tuổi ăn, tuổi mộng mơ bỗng tất cả thành một màu đen tối.

Tôi đã khóc và nhìn bố mẹ tôi khóc vì sự bất lực của họ. Nhà tôi lúc đó nghèo tới mức tôi rất thèm một bữa cơm có thịt”, chị Xuân tâm sự

Mấy năm chạy thuốc, tiền bạc, nhưng nhận lại cũng chỉ là một câu không thể chữa được. Do hoàn cảnh nghèo khó nên chị đã phải tạm dừng việc học để làm nghề thủ công mây tre đan để phụ giúp gia đình.

Xuân nghỉ ở nhà làm nghề thủ công mây tre giang cùng mẹ. Chị rất thích học và cũng có mơ ước, nhưng tôi đã lớn để hiểu mẹ không thể một mình gánh vác gia đình rất chật vật, khó khăn.

Không cam chịu với việc ngồi bó gối chôn vùi thanh xuân của mình ở góc nhà với que giang, sợi mây nữa và không thể chỉ biết lo cái lợi trước mắt cho gia đình mà bỏ quên đi tương lai của chính mình.

Để thay đổi bản thân và vươn ra hòa nhập với xã hội, năm 2009 chị Xuân cùng em xin bố mẹ cho đi học nghề. Em trai chị chọn học cao đẳng nghề còn tôi chọn học nghề tin học văn phòng và chỉnh sửa ảnh ở Nam Định.

"Sau những năm tháng đó, tôi và em mình đã gặt hái thành công của mỗi người; thành công khi vượt qua khó khăn mặc cảm của bệnh tật, thành công của những lỗ lực để kết quả đã có được 1 nhóm làm việc với nhau 14 năm cho công ty cổ phần Pixelvn”, chị Xuân cho biết.

Bên cạnh đó, chị Xuân còn tham gia các hoạt động xã hội với mục đích thiện nguyện, cống hiến tuổi trẻ, sức khoẻ, kiến thức của mình để góp phần mang tiếng nói người khuyết tật đến với xã hội. Đáp ứng phần nào nhu cầu của những con người kém may mắn về hình dáng và sức khoẻ như chị.

Hiện tại chị đang giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam. Hàng năm, chị Xuân cùng câu lạc bộ của mình kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân những phần quà giá trị để trao tặng cho những người bị khuyết tật trên địa bàn với giá trị hơn 150 triệu, bao gồm hiện vật.

Chị Xuân kết nối tới các đơn vị may mặc trên địa bàn tạo công ăn việc làm ổn định cho các hội viên, thu nhập hàng tháng từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng. Thành lập nhóm thiết kế quảng cáo cho công ty Pixel Việt Nam cho các hội viên, thu nhập hàng tháng 6 triệu đồng.

Năm 2021, chị Xuân vinh dự được nhận bằng khen Gương mặt noi gương thanh niên khuyết tật vượt khó của tỉnh Hà Nam.

Niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt của chàng trai khiếm thị

Nguyễn Đức Thiện (sinh viên chuyên ngành sáo trúc, Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) để lại ấn tượng với nhiều người. Thiện bị mất thị lực hoàn toàn nhưng đã nỗ lực để có thể thổi được sáo trúc, đánh phách, kéo nhị, chơi piano và organ.

Chàng trai Nguyễn Đức Thiện.

Thiện đã trở thành một sinh viên tài năng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cống hiến sức trẻ trong các hoạt động thiện nguyện và truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Sinh ra đã bị khiếm bị bẩm sinh, mẹ Thiện mang bầu đến tuần thứ 31 thì gặp phải tai nạn nên anh đã phải sinh non trong khi đôi mắt còn chưa kịp hoàn thiện.

Sau nhiều cuộc phẫu thuật, chạy chữa ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng đều không mang lại kết quả. Đồng nghĩa với việc anh không thể nhìn thấy ánh sáng, không thể đến trường như bao người bình thường khác.

Với hoàn cảnh đặc biệt của mình, năm 7 tuổi, anh Thiện đã phải bắt đầu một cuộc sống tự lập xa gia đình để theo học nội trú tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội.

Nỗi nhớ nhà cùng sự bỡ ngỡ khi phải tự chăm sóc bản thân, tự giác trong học tập khiến Thiện vô cùng hoang mang. Tuy vậy, Thiện nhận thức được việc theo học tại nơi đây là cơ hội duy nhất để mình có thể đi học như những người bạn khác và điều đó thôi thúc Thiện không được lùi bước.

Trong thời gian học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Thiện đã bộc lộ khả năng thiên phú trong bộ môn cờ vua và âm nhạc. Năm 2017, Thiện đạt 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc trong giải cờ vua dành cho người khuyết tật toàn quốc, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 10 năm theo học tại đây, Thiện thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm là 29, trong đó điểm năng khiếu đạt tuyệt đối 10/10. Trong thời gian theo học tại Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thiện đã đạt danh hiệu “Học sinh giỏi” trung cấp 4 năm liên tiếp từ năm 2017 đến 2021.

Với những nỗ lực không ngừng nhỉ trong học tập và rèn luyện, Thiện liên tục nhận được học bổng của trường cho sinh viên có kết quả học tập tốt; tại Liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2022 được tổ chức tại Ninh Bình, Thiện đạt 1 giải A, 1 giải C và 1 giải khuyến khích.

Bên cạnh việc học, Thiện cùng những người anh của mình thành lập Mái ấm Đông Đô và ban nhạc người khiếm thị “Nắng mới” với mục tiêu “Để những người khiếm thị đam mê âm nhạc có thể kiếm sống bắng âm nhạc”.

Hiện nay, các thành viên trong Mái ấm Đông Đô biểu diễn gây quỹ tại khu vực Phố đi bộ Hồ Gươm vào tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Năm 2018, Thiện đại diện cho Việt Nam tham gia “Festival âm nhạc dân tộc dành cho người khiếm thị” tại Thái Lan. Trong dịp kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, Thiện vinh dự được đại diện cho Việt Nam tham gia biểu diễn tại sự kiện quan trọng này.

Hoàng Thị Phương - người con gái đặc biệt của mẹ

Đó là lời động viên đầy cảm động của mẹ dành cho Hoàng Thị Phương người bị ảnh hưởng do di chứng chiến tranh để lại từ đời thứ. Nhận được sự an ủi và động viên của mẹ, chị Phương nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo đặc biệt để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

Cô gái nghị lực Hoàng Thị Phương.

Hoàng Thị Phương sinh ra đã không có đôi bàn chân lành lặn như bao người. Ông nội của Phương tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị nhiễm chất độc màu da cam, đến em là đời thứ ba.

Hai chân khuyết thiếu xương bánh chè, chính vì vậy không thể co gập được như những người bình thường. Trải qua nhiều ca phẫu thuật từ Trung ra Bắc, năm 4 tuổi, Phương mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên đầy khó khăn và vất vả.

Tuổi thơ Phương luôn bị ám ảnh bởi những lời trêu chọc của bạn bè, khiến em cảm thấy tự ti, khép mình. Luôn bị bạn bè trêu chọc bởi những câu nói gây tổn thương như: “con què”, “con tật nguyền” hay “con lùn”, Hoàng Thị Phương đã quyết định không thi lên cấp ba mà học trường nghề cho người khuyết tật sau khi tốt nghiệp THCS vì không thể vượt qua được sự tự ti và mặc cảm của bản thân trong môi trường giáo dục hòa nhập.

Tại trường nghề dành cho người khuyết tật, Phương có cơ hội được gặp gỡ với các bạn thanh thiếu niên khuyết tật tại trường nghề tỉnh Thanh Hoá. Nơi đó Phương được gặp những người bạn có nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Chính những con người xa lạ đó đã cho em suy nghĩ rằng mình phải làm gì để có thể giúp đỡ được những bạn có hoàn cảnh khó khăn như mình.

“Tại trường nghề dành cho người khuyết tật, em cảm thấy được hòa nhập với mọi người xung quanh hơn, không bị phán xét hay chỉ trỏ khi đi ra ngoài, được tự do thoải mái là chính mình...”, Phương chia sẻ

Để có thể làm được điều đó, Phương đã quyết định bỏ ngoài tai những lời nói bên ngoài quay về thi cấp 3 để nuôi dưỡng ước mơ trở thành một cô giáo đặc biệt. Nhận được sự động viên và khích lệ từ gia đình, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020, em thi đỗ ngành giáo dục đặc biệt - trường Đại học Thủ đô Hà Nội với số điểm 26,5 điểm. Ước mơ trở thành một cô giáo đặc biệt trong em ngày càng gần hơn.

Cho đến nay, Phương đã là sinh viên năm 3 chuyên ngành giáo dục đặc biệt và đang từng ngày tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện, đặc biệt là hoạt động về người khuyết tật.

Bên cạnh việc học, Phương còn tích cực tham gia các dự án xã hội hướng tới nhóm đối tượng yếu thế trong lĩnh vực bình đẳng giới và quyền con người.

Có thể kể tới báo cáo Cơ chế Rà soát Định kỳ phổ quát về quyền con người do Bộ Ngoại giao phối hợp với UNDP tổ chức; Tham gia làm phim về người khuyết tật trong khuôn khổ dự án Hansd Project; Tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ và tiềm năng cho tổ chức người khuyết tật, Diễn giả chương trình “Không khoảng cách” do UNDP tổ chức…

Phương còn năng nổ tham gia các chương trình thiện nguyện trao quà cho trẻ em vùng sâu vùng xa mỗi dịp Tết đến: Chương trình “Góp nắng gửi xuân” tại Sơn La; tình nguyện viên chương trình “Tháng 3 biên giới” thực hiện cùng nhóm thiện nguyện Ước Mơ Cho Em mang yêu thương đến với các em nhỏ và bà con tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; tình nguyện viên chương trình “Ban mai vùng cao” mang yêu thương đến với các em nhỏ và bà con tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

4 gương mặt nêu trên sẽ nằm trong số 35 gương thanh niên khuyết tật sẽ được tuyên dương trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 35 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích đặc biệt.

Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư