Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nức danh hương gạo Mường Thanh (Điện Biên)
Thùy Linh - 19/12/2018 14:46
 
Từ mảnh đất chịu nhiều đau thương chiến tranh, cánh đồng Mường Thanh nằm trong lòng chảo Điện Biên nay đã vươn mình trở thành vùng sản xuất gạo chất lượng cao lớn nhất xứ Tây Bắc.

Phù sa dòng Nậm Rốm

Gạo Điện Biên nổi tiếng với sự dẻo thơm, trắng bóng, đậm đà, dù giống lúa không có gì khác biệt so với đồng bằng. Người nông dân tại đây cho biết, gạo Điện Biên có vị thơm ngọt đặc trưng như vậy vì cây lúa được gieo trồng trên cánh đồng Mường Thanh màu mỡ, được tưới mát bởi dòng sông Nậm Rốm chở nặng phù sa của rừng già, núi cao. Mọi tinh túy đất trời đều hội tụ trong từng thớ đất nuôi cây lúa trĩu bông.

Gạo Điện Biên nổi tiếng với sự dẻo thơm, trắng bóng, đậm đà.
Gạo Điện Biên nổi tiếng với sự dẻo thơm, trắng bóng, đậm đà.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, thung lũng Mường Thanh rộng khoảng 4.600 ha được bao bọc bởi hai dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ chạy song song theo hướng Bắc - Nam, cao 450-550 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình ổn định 22-23 độ C, đất đai bằng phẳng và phì nhiêu. Thổ nhưỡng này chính là điều kiện lý tưởng để tích lũy mùi thơm và độ dẻo của hạt gạo. Thế nên, dân gian mới sinh ra câu nói nổi tiếng “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.

Gạo nương có hình mẩy, dài, màu trắng sữa, nhìn bề ngoài có nét thô, mộc mạc, nhưng khi ăn  mới thấy hết vị ngọt, sự thơm ngọt trong hạt cơm và mềm dẻo ngay cả khi để nguội vài ngày sau. Còn gạo tám với hạt thon nhỏ, đều tăm tắp, màu trắng đục, vị đậm, dẻo, thoang thoảng mùi thơm, đã trở thành đặc sản nổi tiếng vang danh tới cả bạn bè quốc tế.

Cũng nhờ cây gạo, nhiều hộ nông dân tại đây đã có cuộc sống ổn định. Với năng suất trung bình 6 tấn/ha/vụ, nhiều gia đình thu nhập lên đến 50 triệu đồng/ha. Hiện gạo Điện Biên được cung cấp đi các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, TP. Hải Phòng… Tại thị trường Hà Nội, sản phẩm gạo Bắc thơm số 7, gạo Tám thơm Điện Biên đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng gạo lớn.

Cấp số nhân cho giá trị gạo Điện Biên

Nhiều năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên thành một thương hiệu thực sự bền vững. Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao về chất lượng gạo ăn hàng ngày, sẵn sàng mua nông sản sạch với giá cao để bảo vệ sức khỏe. Đây chính là cơ hội cho gạo thơm Điện Biên nâng cao giá trị của mình.

Xã Thanh Yên nằm trong lòng chảo Mường Thanh có điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, rất thích hợp canh tác các loại gạo chất lượng thơm ngon. Nắm bắt ưu điểm này, từ năm 2015, UBND tỉnh Điện Biên chọn Thanh Yên để thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và khôi phục thương hiệu gạo Điện Biên.

Quy mô ban đầu của dự án là 31 ha (năm 2018 điều chỉnh lên 300 ha), cho sản lượng lúa khoảng 300 tấn/năm. Mới đi vào hoạt động 3 năm, nhưng cánh đồng Thanh Yên đã thành công với mô hình sản xuất lúa gạo đặc sản giống Bắc thơm số 7. Sản phẩm được giới thiệu chính thức vào tháng 10/2017 và được Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên phân phối.

Đây là sản phẩm gạo đầu tiên của tỉnh được sản xuất theo quy trình VietGAP, không sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, hương liệu, nên chất lượng gạo đồng nhất. Các bao gạo đều có tem truy xuất nguồn gốc, nên nhanh chóng chiếm được niềm tin của người dùng.

Bà Đinh Thị Đào, một trong số hàng ngàn nông dân Điện Biên đang được hưởng lợi từ các giống lúa đặc sản của địa phương cho biết, khi tham gia Hợp tác xã, người dân được hỗ trợ 100% về giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn. Hợp tác xã cũng lo toàn bộ đầu ra, giá cả ổn định và luôn cao hơn giá ngoài thị trường 1.000 - 5.000 đồng/kg. Như vụ chiêm năm ngoái, giá thu mua của Hợp tác xã là 8.500 đồng/kg, trong khi ngoài thị trường chỉ 8.000 đồng/kg.

Anh Quản Bá Mười, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên chia sẻ, để nâng cao giá trị sản phẩm, Hợp tác xã đã đầu tư nhà xưởng với dây chuyền hiện đại, có nhà máy sấy, xay, xát gạo, máy đóng gói, máy tách vỏ..., giúp giữ nguyên hương vị, giá trị dinh dưỡng của gạo, nhưng có thể kéo dài thời gian bảo quản mà không phải sử dụng chất bảo quản.

Tin rằng, sắp tới, thương hiệu gạo Điện Biên được nhiều người biết đến hơn và thực sự trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Thanh Hóa: Chấp thuận chủ trương dự án trồng cây ăn quả công nghệ cao gần 21 tỷ đồng
Mới đây, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Quyết định số 3175/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư