Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Phê chuẩn EVFTA: Phải thấy "ra biển lớn sẽ gặp sóng to"
Nguyễn Lê - 28/04/2020 16:06
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu
.
Ra biển lớn sẽ gặp sóng to, bên cạnh thuận lợi thì cần nói rõ thách thức để đại biểu Quốc hội nắm rõ, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), chiều 28/4.

EVFTA đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Ru-ma-ni (đại diện Chủ tịch EU) và Cao ủy thương mại EU ký ngày 30/6/2019.

Có thuận lợi, có thách thức 

Trình bày tờ trình của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. 

Tờ trình cũng nêu rõ, bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định có thể mang lại một số thách thức nhất định. Thứ nhất, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Mặt khác, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Thứ hai, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững ...,để thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta. Tuy nhiên, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ cũng đã và đang triển khai hết sức chủ động, khẩn trương. 

Thứ ba, các cam kết về lao động  trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cần nói rõ Hiệp định sẽ tạo nên thách thức về cạnh tranh thế nào? chẳng hạn với nông nghiệp thì có khó khăn gì, nông nghiệp của Châu âu cũng mạnh lắm.

Hàng rào kỹ thuật của từng nước cũng là vấn đề cần quan tâm, nước ta có đủ hàng rào kỹ thuật chưa? ông Hiển băn khoăn.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình cần làm rõ hơn những thách thức sau khi thực thi Hiệp định.

Đánh giá tác động cụ thể hơn

Thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn EVFTA, một số ý kiến tại Uỷ ban Đối Ngoại của Quốc hội cho rằng báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định được Chính phủ tiến hành vào cuối năm 2019 nên đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của Hiệp định sau đại dịch Covid-19.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, song song với việc chỉ ra được các thách thức, Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra được các giải pháp xử lý đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh chính trị và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Có ý kiến cho rằng việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Do đó cần đánh giá cụ thể hơn cả tác động tích cực, tiêu cực đến các ngành và nhìn nhận lại năng lực của Việt Nam để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phát huy thế mạnh để tận dụng các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn toàn văn Hiệp định EVFTA trong kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội phê chuẩn tại 1 kỳ họp và tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Sau thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với kiến nghị này.

EVFTA có hiệu lực, phòng vệ thương mại của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn gì
EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa 2 bên sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0%, kim ngạch xuất nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư