Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Quy định cụ thể hơn quyền hạn của cảnh sát cơ động
Nguyễn Lê - 21/09/2021 22:35
 
Sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ hai.
.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Ngày 21/9/2021, tại phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Thông cáo báo chí về nội dung này cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này.

Theo tờ trình dự án luật được công bố trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất về Cảnh sát cơ động mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động.

Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 29 / 6/2021, Chính phủ đã thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động và giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều Xác định 10 nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa 7 nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời bổ sung 3 nhiệm vụ cho Cảnh sát cơ động.

Trong đó có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng có liên quan thực hiện nhiệm vụ: Đấu tranh chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; vũ trangáp giải bị can, bị cáo;vũ trang bảo vệ phiên tòa, trại giam, trại tạm giam, thi hành các bản án hình sự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh;tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng thủ dân sự; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Dự thảo cũng quy định cụ thể 8 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động gồm: Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thuyền trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; trường hợp cấp bách để giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự theo điều động của cấp có thẩm quyền. Hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạmmục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ 3 nội hàm “ đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng cảnh sát cơ động, để làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, từ đó làm nổi bật sự thuyết phục cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.

Về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh sửa nội dung để thể hiện đúng vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết; làm rõ vai trò nòng cốt, sử dụng biện pháp vũ trang, vai trò chuyên trách trong bảo vệ an ninh quốc gia; làm rõ quy định cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang là chủ yếu để tránh chồng chéo lên chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách khác về bảo vệ an ninh quốc gia.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với quy định trong dự thảo luật; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát các nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát cơ động để phù hợp với vị trí chức năng, tránh chồng chéo và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan; quy định cụ thể hơn quyền hạn của cảnh sát cơ động nhất là các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật hiện hành.

Về phạm vi hoạt động, tổ chức sử dụng điều động và phối hợp thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  cho rằng quy định của dự thảo luật cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động vì nội dung này liên quan đến điều ước quốc tế, các thỏa thuận quốc tế và liên quan đến chức năng, quyền hạn, phạm vi hoạt động của các lực lượng khác đã được quy định ở các luật như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng, Luật Cảnh vệ...

Về trang bị, chính sách đối với cảnh sát cơ động và trách nhiệm của chính quyền các cấp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát thật kỹ để một mặt bảo đảm cho lực lượng  này hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời phù hợp với thực tiễn, đúng với phạm vi, quyền hạn của chính quyền các cấp để bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung giao cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định để thiết kế các nội dung của Luật.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ hai vào tháng 10 tới. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư