Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quy trình phân bổ 80.000 tấn gạo trong EVFTA
Thế Hoàng - 16/08/2020 09:16
 
Thay vì cấp cho doanh nghiệp Việt Nam, 80.000 tấn gạo hạn ngạch theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được EU trực tiếp phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu sở tại.
.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam không phân bổ hạn ngạch gạo, mà EU sẽ phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía họ.

80.000 tấn gạo sang EU kiểu gì?

Ủy ban Châu Âu (EC) đã công bố hạn ngạch nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được áp dụng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong đó, mặt hàng gạo có hạn ngạch 80.000 tấn/năm, với 20.000 tấn gạo chưa xay xát, gạo xay xát và gạo thơm đều là 30.000 tấn.

Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được các cơ quan chức năng trong nước phân bổ lượng hạn ngạch này để xuất khẩu, hưởng thuế ưu đãi vào thị trường EU, nhưng với 80.000 tấn gạo theo EVFTA, quy trình để cấp phát hạn ngạch sẽ theo một cách khác.

Thông tin mới nhất được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đưa ra, Việt Nam không phân bổ hạn ngạch gạo, mà EU sẽ phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía họ. Với cơ chế phân bổ hạn ngạch này, những doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang EU cần liên hệ với doanh nghiệp EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán, nhằm tận dụng hết số hạn ngạch nói trên.

Ngoài việc phải liên lạc với phía EU để có được hợp đồng xuất khẩu gạo, khai thác lượng hạn ngạch mà EU dành cho Việt Nam theo Hiệp định, riêng với gạo thơm, EVFTA yêu cầu phải có thêm xác nhận của chính quyền Việt Nam. Điều này làm phát sinh thêm một thủ tục hành chính, mà đã là thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức Nghị định.

Cụ thể, EC quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (Authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Quy định xác nhận chủng loại gạo chỉ áp dụng với hạn ngạch miễn thuế, chứ không phải tất cả gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Các doanh nghiệp không có nhu cầu tham gia trong hạn ngạch miễn giảm thuế quan vẫn xuất khẩu sang EU, mà không cần có chứng nhận này.

Nếu doanh nghiệp không đăng ký để lọt vào hạn ngạch này, thì sẽ vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 175 euro/tấn gạo vào EU và với mức thuế suất khá cao này, gạo Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh so với gạo của các đối thủ.

Chẳng hạn, muốn xuất khẩu gạo vào Pháp, doanh nghiệp Việt Nam phải xin giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước này và phải nộp 30 euro/tấn tiền bảo đảm. Số tiền đặt cọc này sẽ được phía Pháp hoàn lại khi có chứng từ xác nhận thương vụ hoàn tất, gạo đã nhập kho của bên nhập khẩu.

EVFTA có hiệu lực, nhưng vẫn gập ghềnh

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019 đạt 2,8 tỷ USD, trong đó xuất sang thị trường EU chỉ là 10,7 triệu USD, với khối lượng khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Mặt hàng gạo xuất khẩu sang EU còn hạn chế là do Việt Nam chưa được EU cấp hạn ngạch thuế quan nên rất khó cạnh tranh với gạo của các quốc gia đang được hưởng hạn ngạch thuế quan ưu đãi. Được biết, Thái Lan, Hoa Kỳ, Australia được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan lớn, còn các nước kém phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.

Về nguyên tắc, Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu gạo sang EU, nhưng do thuế suất nhập khẩu gạo vào EU cao nên sẽ không cạnh tranh nổi. Cụ thể, thuế thóc là 211 euro/tấn, gạo lứt là 65 euro/tấn, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ là 175 euro/tấn, gạo tấm là 65 euro/tấn. 

Do vậy, nhìn tổng thể, EVFTA mở ra một ô cửa nhỏ, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn/năm, với thuế suất 0%.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay, năng lực sản xuất cung ứng gạo trong nước đã được minh chứng qua giá trị xuất khẩu hàng năm, nhưng không phải cứ có EVFTA là doanh nghiệp nào cũng xuất được. Yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… buộc các doanh nghiệp phải làm ăn nghiêm chỉnh.

Để khai thác tốt EVFTA, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hình thành được chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín, các doanh nghiệp cùng liên kết và tổ chức sản xuất tốt, đáp ứng được các quy trình, quy định mà nhà nhập khẩu yêu cầu sẽ có cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác.

Khi cơ quan phía EU công bố phân bổ hạn ngạch, Bộ Công thương sẽ công bố trên Trang thông tin điện tử của Bộ và thông tin đến doanh nghiệp qua các hiệp hội và cơ quan truyền thông.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tự chủ động cập nhật thông tin từ website của EU (https://ec.europa.eu) và từ các đối tác.

Nguồn: Bộ Công thương

Doanh nghiệp lo xuất khẩu gạo khó đến cuối năm
Lượng tồn kho tại các thị trường gia tăng khiến doanh nghiệp gạo nội địa lo ngại tình hình xuất khẩu đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư