Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sớm đưa ĐBSCL trở thành trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Kỳ Thành - 21/06/2022 10:50
 
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo nhưng phát triển năng lượng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những trao đổi về định hướng phát triển năng lượng tái tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vùng ĐBSCL có vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu và giao thương quốc tế…

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vùng ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của mình, sản xuất công nghiệp của vùng chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành thâm dụng đất đai, lao động với giá trị thấp; phát triển năng lượng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát khí nhà kính vào năm 2030, đây là cơ hội rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo của toàn vùng.

Tại Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự kiến tỷ lệ công suất nguồn năng lượng gió, mặt trời chiếm tỷ trọng 18-23% tổng công suất hệ thống.

Theo danh mục nguồn điện trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, khu vực Nam Bộ (bao gồm cả Vùng ĐBSCL) dự kiến đến năm 2030 phát triển khoảng gần 8.000 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi; điện mặt trời phát triển giai đoạn sau năm 2030. Quy hoạch lần này chỉ quy hoạch tổng quy mô công suất theo vùng, miền, không  quy hoạch dự án cụ thể.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Riêng các dự án mua bán điện trực tiếp và sử dụng tại chỗ, Bộ đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép để triển khai thực hiện.

Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc khảo sát, đề xuất các dự án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, chú trọng các dự án liên kết vùng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tập trung cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng cho các dự án, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ trưởng Diên đề nghị Hội đồng điều phối Vùng cần có cơ chế đối thoại định kỳ để kịp thời thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đến năm 2030, quy mô nền kinh tế vùng ĐBSCL sẽ gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021
Đây là mục tiêu được nêu trong Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư