Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tái cấu trúc báo chí căn cứ vào nhu cầu cơ quan chủ quản
Quang Hưng - 19/06/2015 08:16
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, quy hoạch báo chí sẽ không có sự áp đặt, mà tùy thuộc vào nhiệm vụ và yêu cầu của cơ quan chủ quản.

Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí đến năm 2025 đang được bàn thảo ở cấp cao nhất. Ông có thể cho biết những thông tin cơ bản về đề án này?

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến chỉ đạo về Đề án và hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện. Đây là đề án thu hút không chỉ sự quan tâm của các cơ quan báo chí, những người làm báo, mà của cả xã hội, vì mọi người đều hiểu: trong khi các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp đều tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn, thì lĩnh vực báo chí cũng không phải là ngoại lệ.

 

Quan điểm của Ban Tuyên giáo Trung ương về Đề án như thế nào, thưa ông?

Trước hết, chúng ta phải đánh giá thực trạng báo chí hiện nay, những mặt nào là ưu điểm, mặt mạnh để phát huy, mặt nào là khuyết điểm, yếu kém để khắc phục. Phần nào hợp lý chúng ta sẽ giữ, phần nào bất hợp lý, chúng ta điều chỉnh lại cho hợp lý hơn. Ví dụ, việc một cơ quan báo chí có quá nhiều ấn phẩm phụ hoạt động không hiệu quả, không đúng tôn chỉ, thì phải giảm, thậm chí phải cắt đi. Hoặc việc cả nước có đến gần 300 kênh truyền hình là quá nhiều. Nói để các bạn đồng nghiệp yên tâm là, Đề án thực chất nhằm phát huy những mặt tốt, hạn chế những yếu kém, bất cập của cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo. Quản lý tốt để báo chí phát triển tốt hơn.

Trước khi Đề án được phê duyệt và công bố, nhiều cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo bày tỏ tâm tư lo ngại về việc thu hẹp các ấn phẩm báo chí có thể dẫn đến mất công ăn việc làm. Ông có thể nói gì về vấn đề này?

Khi xây dựng Đề án, cơ quan xây dựng đã tính đến vấn đề này, vì thực chất, Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí đến năm 2025 là tái cấu trúc cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo, là vấn đề ứng xử với con người. Do đó, Đề án được xây dựng hết sức thận trọng, kín kẽ, phải tính đến công ăn việc làm, những người dôi dư. Trong đó, phải giữ được những người làm báo tốt, vững về chuyên môn, đạo đức để đứng trong đội ngũ; giảm những nhà báo yếu kém, cả về chuyên môn, lẫn đạo đức nghề nghiệp. Báo chí nói nhiều về tái cấu trúc nền kinh tế, của các ngành, các lĩnh vực, thì khi chúng ta tái cấu trúc chính mình cũng phải khoa học, khách quan và nghiêm túc, không thể xuê xoa được.

Có điều chắc chắn là, việc tái cấu trúc cơ quan báo chí sẽ không có sự áp đặt, mà tùy theo nhu cầu và yêu cầu của cơ quan chủ quản. Căn cứ nhiệm vụ, từ yêu cầu của cơ quan chủ quản cần bao nhiêu cơ quan báo chí, chứ không nhất thiết phải quy về 1 hay 2 đầu mối, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và tính hiệu quả của báo chí. Tờ báo nào không hiệu quả, ấn phẩm nào không hiệu quả, thì rõ ràng, việc cắt giảm là cần thiết. Tờ báo nào hiệu quả, cần thiết thì sự tồn tại của nó là đương nhiên.

Đề án này dự kiến bao giờ được công bố, thưa ông?

Về vấn đề này, không cần phải đến khi hoàn thiện, đến khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt thì mới thực hiện. Ví dụ, vừa rồi, Bộ Giao thông - Vận tải đã thực hiện và cách thực hiện đó cũng có thể rút ra những bài học. Đương nhiên là không thể bộ nào cũng giống bộ nào, phải có sáng tạo, xuất phát từ đặc thù riêng của mỗi bộ, ngành, địa phương. Cái gì hợp lý, cái gì đến thời điểm, thì có thể chủ động làm.

Từ câu chuyện về Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí đến năm 2025, ông nhắn nhủ gì đến những người làm báo?

Báo chí là sản phẩm đặc biệt, nó không chỉ đến với một nhóm người, mà đến với toàn bộ xã hội, không chỉ trong nước, mà đến cả nước ngoài. Do đó, nếu nhà báo vừa có bản lĩnh chính trị tốt, vừa có chuyên môn vững vàng và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, thì thông tin đó được rất nhiều người đón nhận với thái độ tích cực; đưa thông tin với động cơ sai lệch, vụ lợi, thì sẽ ảnh hưởng đến xã hội.

Hơn ai hết, những người làm báo, bên cạnh bản lĩnh về chính trị, về văn hóa, về chuyên môn, cần đặc biệt chú ý đến đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà báo phải luôn xác định nghề của mình là cao quý, nghề mà “quan trên ngó xuống người ta trông vào”, nên phải thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp, khiêm tốn học hỏi, không ngừng vươn lên, đặc biệt là với các nhà báo trẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về báo chí
() Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về vai trò và quy hoạch báo chí.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư