Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nhà báo, cám dỗ và lợi ích quốc gia
Tố Vương - 19/06/2015 08:14
 
Dù đạo đức, dù uy tín báo chí có suy giảm, nhưng vẫn còn đó những nhà báo chân chính, những cơ quan báo chí chính thống đang hành động vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Sự lớn mạnh của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam ngày nay đã cho dư luận niềm tin rằng, họ đã, đang và sẽ tiếp tục hành động vì lợi ích quốc gia...

Nhà báo

Có một câu chuyện mà gần đây giới báo chí thường nhắc tới. Ấy là khi tham dự một cuộc hội thảo hồi đầu tháng 6 năm nay về chủ đề “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số”, nhà báo lão thành Hữu Thọ đã phải ngậm ngùi: “Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng, chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay”.

Nhà báo chân chính cần hành động vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Ảnh: Đ.T
Nhà báo chân chính cần hành động vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Ảnh: Đ.T

 

Ngẫm lại những lời ông nói, quả không sai. Không nhắc tới những sai phạm khiến thời gian vừa qua, không ít tờ báo bị các cơ quan quản lý phạt nặng, chỉ nghĩ đến dẫn chứng mà nhà báo Hữu Thọ nhắc đến, rằng có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng dan díu với con dâu, thì cũng làm tin đăng phát trên đài quốc gia; hay nhớ lại chuyện về cặp vợ chồng hát rong trong Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng trên VTV..., cũng đã thấy rõ lý do vì sao, giờ một bộ phận người dân không còn tin tưởng nhà báo nữa.

Khi ngay cả thông tin trên đài truyền hình quốc gia cũng sai, thì uy tín của báo chí giảm sút là lẽ đương nhiên!

Lúc trà dư tửu hậu, cánh nhà báo có chút kinh nghiệm vẫn thở dài bảo nhau, cánh phóng viên trẻ bây giờ dễ dãi quá. Dễ dãi trong đưa tin, lười biếng trong tác nghiệp. “Cử phóng viên đi công tác, họ hỏi có xe đưa đón không? Có phóng viên còn bảo, chị giao em ra đường làm việc bây giờ, có biết ở ngoài nắng nóng lắm không?”, Trưởng ban Biên tập của một tờ báo thở dài, rồi nhắc đến những ngày xưa, đi xe đò vất vả đi công tác. Lại thêm chuyện dù mưa gió bão bùng, có việc là phải đi. Thậm chí, càng ở những nơi gian khó đó, phóng viên càng phải xông pha mà lấy tin, viết bài. Ấy là còn chưa nhắc tới phóng viên chiến trường...

Hồi trước, muốn có một câu trích dẫn trong bài báo, phải tới tận nơi tìm nhân vật, có khi đợi hàng tiếng đồng hồ mới có thể tiếp cận để phỏng vấn. Chứ đâu như bây giờ, điện thoại di động, email..., mọi thứ quá đơn giản. Chưa kể, còn là thông tin trên Facebook, trên các mạng xã hội khác, đầy rẫy, ê hề...

Tiếp cận nguồn tin đơn giản quá, nên nhà báo đôi khi cũng dễ dãi. Đến nỗi chính Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khi trò chuyện với giới báo chí cũng đã phải nhắc đến chuyện nhiều nhà báo làm việc trong phòng kín, lướt web, lên Facebook lấy thông tin xào xáo lại, để đăng thông tin cho nhanh, kịp thời, bất kể hành vi này xâm phạm tác quyền của người khác.

Ông Trương Minh Tuấn thậm chí còn dẫn câu chuyện về trận lốc xoáy vừa rồi ở Hà Nội, rằng nhiều nhà báo không có mặt ở hiện trường, chỉ ngồi trong phòng, nghe tin rồi lên Facebook xào xáo lại, coi là tin tổng hợp của mình, thậm chí lấy ảnh của đồng nghiệp, để nhắc nhở về đạo đức người làm báo.

Làm báo kiểu ấy, dễ dãi thế nên thông tin dễ sai và khó có thể hay. Nếu người quản lý lại giám sát không nghiêm túc nữa, ắt hẳn sai chồng sai, uy tín nhà báo, uy tín của cơ quan báo chí sụt giảm, điều đó dĩ nhiên rồi!

Cám dỗ

Có quá nhiều cám dỗ với các nhà báo trong thời đại kỷ nguyên số, trong thời buổi kinh tế thị trường.

Trong một cuộc trò chuyện cách đây ít lâu với phóng viên Báo Đầu tư, nhà báo Hữu Thọ cũng đã nhắc đến chuyện mỗi thời có một cám dỗ riêng. Thời của ông, không có cám dỗ bằng vật chất, mà bằng ân oán cá nhân. Viết để trả ơn, viết để báo oán, mà nếu đã vậy, dễ dẫn đến viết sai lạc sự thật.

Còn bây giờ, cám dỗ về vật chất là quá lớn, khi các cơ quan báo chí, khi các nhà báo cũng phải xoay trần lo cơm áo gạo tiền. Thế nên mới có chuyện nhà báo nọ, phóng viên kia bị bắt vì tống tiền doanh nghiệp, thậm chí là tống tiền cả các vị chức sắc trót vi phạm pháp luật.

Vì vật chất, có đôi khi, nhà báo vô tình trở thành người viết thuê, cố tình đưa thông tin phiến diện, có lợi cho doanh nghiệp này, bất lợi cho doanh nghiệp khác, mà quên mất rằng, cái mà dư luận cần là sự thật, chân tướng của sự thật. Vì vật chất, nhà báo dễ mắc bẫy sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp, đồng thời cũng vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Vì vật chất, nhiều nhà báo đã không dám đi đến cùng của sự thật. Nhiệm vụ của nhà báo là phản ánh sự thật, đứng bên ngoài, khách quan để thông tin. Nhưng có một sự thật khác, đó là gần đây, không ít nhà báo lại “nhảy vào trong cuộc” để phản ánh, nên thông tin vì đã qua lăng kính cá nhân mà đôi phần sai lạc.

Bởi vậy, điều quan trọng mà nhiều nhà báo thế hệ trước luôn nhắc nhở và căn dặn cánh nhà báo trẻ bây giờ, ấy là phải vượt qua những cạm bẫy về vật chất, vượt qua sự yêu ghét, tình cảm nhất thời để tiến đến sự thật, đảm bảo sự minh bạch để cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng...

Và không chỉ là cám dỗ về vật chất, mà còn là cám dỗ về danh vọng. Trong thời đại bùng nổ thông tin, cạnh tranh báo chí không phải chỉ tính bằng ngày như trước kia, mà là bằng giờ, bằng phút, bằng giây. Chỉ một phút chậm chân, “view” của bài báo đã khác, danh tiếng của nhà báo cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Bởi thế, bị cám dỗ vì danh vọng, vì tiếng tăm, vì tính hơn thua, nhiều nhà báo sẵn sàng chỉ cần thông tin nhanh mà thiếu đi khâu quan trọng nhất là kiểm chứng thông tin. Và không chỉ là nhà báo, cơ quan báo chí đôi khi cũng mắc phải những sai lầm tương tự. Vì thế, mới có chuyện liên tục các cơ quan báo chí bị phạt vì thông tin sai sự thật. Vượt qua được cám dỗ hay không? Đó là một “chướng ngại vật” không đơn giản, bởi nhà báo cũng là người, cũng tham - sân - si... 

Và câu chuyện lợi ích

Lợi ích cá nhân của một nhà báo là điều quá rõ ràng. Nếu không có tâm, nhà báo sẽ vì tham - sân - si, mà vi phạm đạo đức báo chí, thậm chí là vi phạm pháp luật. Nhưng không chỉ có thế. Trong câu chuyện với các nhà báo lão thành, điều mà họ nhắc đến nhiều nhất, đó là chuyện lợi ích của quốc gia, của dân tộc, bởi nhà báo chính là những người có vai trò to lớn trong định hướng dư luận.

Tâm thôi chưa đủ, nhà báo phải có tầm và có tài. Đó là điều đã được nhà báo Hữu Thọ đúc kết. Tài để biết cách đưa thông tin một cách chính xác nhất, hấp dẫn nhất. Tầm để đủ sức cân nhắc có nên đưa thông tin ấy lên mặt báo hay không. Thông tin dù hay, dù mới, nhưng nếu ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, thì liệu có nên đăng tải hay không?

Đâu đó nghe nhắc nhở rằng, nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới cần phải nâng cao vai trò công dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Rằng nhà báo còn có trách nhiệm xã hội to lớn là góp phần định hướng dư luận, ngăn ngừa, lên án những thông tin xấu độc và duy trì, xây dựng đạo đức xã hội...

Có quá nhiều điều xấu mà dư luận xã hội gần đây thường gắn với báo chí. Nhiều nhà báo có tâm và có tầm đau lòng vì điều đó. Nhưng đó chỉ là những góc khuất của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Để nhìn lại, thì 90 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã làm được nhiều điều cho Tổ quốc, cho đất nước. Nhà báo đã đồng hành với Đảng, Nhà nước và dân tộc trong hành trình đấu tranh giành độc lập, dựng xây đất nước và sau này là hành trình Đổi mới, để có một Việt Nam ngày một giàu đẹp, văn minh hôm nay.

Họ, năm ngoái khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế ở Việt Nam đã lại một lần nữa tới nơi đầu sóng ngọn gió, để truyền tải thông tin, để muôn vạn trái tim Việt lại đồng lòng hướng về Tổ quốc.

Họ, bao năm qua, khi kinh tế gặp khó khăn, đã nỗ lực thông tin để tạo sự đồng thuận trong dư luận, để cả nước chung tay, đồng lòng vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế từng bước hồi phục bền vững hơn.

Họ, những nhà báo cách mạng đã, đang và sẽ tiếp tục hành động vì Tổ quốc!

Giải Báo chí Quốc gia năm 2014 có nhiều Giải A nhất từ trước đến nay
Sáng nay (11/6), Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố thông tin về kết quả Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX – năm 2014.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư