Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đóng góp của báo chí vào sự nghiệp giải phóng dân tộc: Đôi điều suy ngẫm
Hội thảo quốc tế "Báo chí về đề tài chiến tranh" do Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Báo Quân đội Nhân dân phối hợp tổ chức vừa qua thật sự là diễn đàn của những cảm xúc và kinh nghiệm, cùng những trăn trở của nhiều cựu phóng viên chiến trường của Việt Nam và quốc tế.

Báo chí ra đời trong cách mạng

Các nhà báo trong nước và quốc tế, giảng viên, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan báo chí, cùng nhau chia sẻ phương thức tác nghiệp, những trải nghiệm, ký ức và cả những góc nhìn riêng về cuộc chiến đã qua. Có một điều ít được nói trực diện nhưng lại xuyên suốt sâu đậm trong các trình bày và thảo luận, đó là những đóng góp của báo chí, của các nhà báo chúng ta vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Báo chí trong đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền và phần lớn, phần sâu đậm trong truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam

Điều này như một hiển nhiên của lịch sử báo chí cách mạng Việt nam trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời với dấu mốc lịch sử là tờ Thanh Niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu ngày 21/6/1925, để tuyên truyền và vân động cách mạng, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi Đảng ra đời, báo chí cách mạng nước ta luôn luôn giữ vị trí là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng và vai trò xung kích, vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, diễn đàn của nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.  

Nhà báo - liệt sĩ Lê Đình Dư (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp tại chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị (Ảnh tư liệu - Internet)
Nhà báo - liệt sĩ Lê Đình Dư (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp tại chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị (Ảnh tư liệu - Internet)

 

90 năm lịch sử của báo chí cách mạng, đã có tới 50 năm là lịch sử báo chí cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. 40 năm qua đất nước hòa bình, nhưng biên cương, hải đảo chưa hẳn im tiếng súng. Và tại những mặt trận nóng bỏng đó, khốc liệt đó, lại vẫn có mặt kịp thời, dấn thân của những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa”, với cây bút, máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm… là những vũ khí chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc theo cách của mình.

Những đóng góp to lớn cần có tượng đài  

Một thực tế ai cũng nhắc đến trong các phát biểu, chia sẻ của mình trên các diễn đàn, đó là khẳng định những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng cả nước trong hai cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong xây dựng đất nước ngày nay.

Đánh giá đóng góp của báo chí vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cần có những công trình nghiên cứu riêng. Bởi đây là vấn đề lớn, cần nhìn nhận trên nhiều bình diện:  Báo chí tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta trong thời chiến; phản ánh phong trào thi đua lao động, sản xuất ở hậu phương, tất cả vì tiền tuyến; phản ánh và cổ vũ khí thế chiến đấu của bộ đội ở chiến trường; phát hiện và biểu dương những tấm gương điển hình, anh hùng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất để động viên toàn quân, toàn dân đánh thắng giặc; góp phần vào công cuộc đấu tranh ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, v.v… Không thiếu dẫn chứng hùng hồn, sinh động, thuyết phục về những đóng góp to lớn của báo chí.

Tôi muốn nói đến đóng góp đặc biệt, đầu tiên là sự có mặt, sự dấn thân của chính các nhà báo trong chiến tranh. Những nhà báo cách mạng luôn có mặt ở những nơi gian nan nhất, ác liệt nhất trong các cuộc trường chinh của dân tộc. Cũng như những anh bộ đội - chiến sĩ, các nhà báo mặt trận cũng đã đương đầu với mọi hy sinh, hiểm nguy, gian khổ, ghi lại và truyền đi những thông tin trung thực từ những vùng chiến sự chat chúa tiếng đạn bom, báo tin thắng trận, góp phần cổ vũ, động viên và cuối cùng góp phần đưa đến chiến thắng vĩ đại giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Tại Thông tấn xã Việt Nam, tôi có dự cuộc tọa đàm "Tác nghiệp của phóng viên chiến trường". Dù chỉ là những lát cắt nhỏ, rất nhỏ về những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, những nhà báo, người lính Việt Nam tham dự cuộc tọa đàm mang đến những cái nhìn trung thực về một thời đạn bom, một thời hào hùng của đất nước, một thời mà mỗi người Việt Nam chúng ta khi nhìn lại đều có quyền ngẩng cao đầu.

Phần trưng bày hơn 40 tác phẩm ảnh báo chí của các nhà báo chiến trường, trong đó có một số của tác giả nước ngoài, đã ghi lại những khoảnh khắc đỉnh điểm không chỉ của sự kiện, của cảm xúc mà còn cả của sự dấn thân, một phẩm chất không thể thiếu của những nhà báo chiến trường. Nhìn những bức ảnh nóng bỏng chiến tranh ấy, thấy được người cầm máy ảnh đang ở đâu, và tư thế, sự hiểm nguy đối với họ thế nào. Có một ý nghĩa đặc biệt trong những ngày kỷ niệm 40 năm Đại thắng Mùa Xuân, là chính từ nơi đây, hàng trăm phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và 260 người trong số đó, gần một phần tư số lượng biên chế của Thông tấn xã thời chiến, đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Máu của các anh, các chị đã thấm đẫm trong mỗi dòng tin, bức ảnh, mỗi bài viết thông tấn...những tháng năm khói lửa không quên ấy.  

Cách đây 5 năm, tôi được giao làm một cuốn sách “Tri ân Nhà báo – Liệt sĩ”, tập hợp nhiều bài báo viết về các nhà báo – liệt sĩ của chúng ta. Tuy nhiên, cũng chỉ được gần bốn mươi thôi. Còn bao nhiêu người nữa?

Một con số thống kê: hơn 400, hơn 450 hay gần 500 nhà báo là liệt sĩ, vẫn chưa có câu trả lời thật chính xác, mà lúc làm sách tôi cũng không biết tìm số liệu ở đâu, cho đến bây giờ vẫn vậy.

Đôi điều suy ngẫm

Đất nước đã ra khỏi cuộc chiến tròn 40 năm. Những vết thương lòng đã se bớt trong kí ức nhiều người. Quá khứ tàn khốc của chiến tranh cũng dần lui vào quá khứ. Nhiều thành tích, công trạng đã được ghi nhận, tôn vinh. Nhưng có một quá khứ hào hùng, vẻ vang, đau thương và sâu nặng riêng đối với những người làm báo, khó có thể quên và cần thiết phải làm một điều gì đó. Đó là sự hi sinh của những nhà báo liệt sĩ, cả trong hai cuộc trường kì kháng chiến và trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc những năm đất nước đã hòa bình.

Chưa có một thống kê thật sự chính xác, đầy đủ, tin cậy, từ các cơ quan chức năng. Vẫn chỉ là những con số tương đối và số liệu cũ.

Trong số nhà báo - liệt sĩ, có người đã được lấy tên đặt tên cho đường phố ở Hà Nội (phố Trần Kim Xuyến), ở Thành phố Hồ chí Minh (đường Bùi Đình Túy), v.v… Nhưng cũng chỉ rất ít ỏi thôi.

Nên chăng cần có một cuộc tổng điều tra để có số liệu đầy đủ và có những cách thể hiện tấm lòng của những người làm báo đến sau, đi sau? Và phải chăng, ngay cả từng cơ quan báo chí, từng nhà báo, tùy điều kiện cũng có thể đóng góp công sức vào việc này mà không cần chế độ gì?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về báo chí
() Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về vai trò và quy hoạch báo chí.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư