Thứ Ba, Ngày 01 tháng 07 năm 2025,
Tất cả các địa phương sẽ có chung “thước đo phát triển”
Mạnh Bôn - 01/07/2025 08:21
 
Hôm nay, 1/7025, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động.

“Ngành thống kê không chỉ thực hiện tổ chức lại bộ máy từ Trung ương đến địa phương, mà còn chủ động, tích cực tập trung xây dựng bộ chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) chủ yếu phục vụ xây dựng và đánh giá thực hiện văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030”, TS. Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết.

TS. Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính)

Bộ chỉ tiêu KTXH chủ yếu cấp tỉnh và xã lần đầu được xây dựng có ý nghĩa gì đối với việc hoạch định chính sách và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, thưa bà?

Thống kê là công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước và hoạch định chính sách phát triển. Hiện nay, yêu cầu về chất lượng thông tin thống kê ngày càng cao, nhất là trong việc phục vụ xây dựng và đánh giá thực hiện văn kiện đại hội Đảng các cấp. Việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và đại hội Đảng bộ các cấp đòi hỏi phải có bộ chỉ tiêu thống kê chủ yếu phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, có căn cứ thực tiễn, phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, gắn với mục tiêu phát triển của từng địa phương, đảm bảo tính so sánh và khả thi trong việc đo lường, làm cơ sở để đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua và xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển cho nhiệm kỳ tới.

Thực hiện yêu cầu của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê KTXH chủ yếu cấp tỉnh và cấp xã phục vụ đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030. Trên thực tế, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp qua các nhiệm kỳ đều đặt ra mục tiêu phát triển KTXH, thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ yếu, nhưng chưa đồng bộ và thiếu thống nhất, dẫn đến khó so sánh giữa các địa phương. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất và chủ trì xây dựng bộ chỉ tiêu KTXH chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, đảm bảo tính so sánh giữa các tỉnh, thành phố và các xã, phường trên phạm vi toàn quốc.

Cải cách bộ máy hành chính lần này là cuộc cách mạng lớn chưa từng thấy. Thưa bà, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, xóa bỏ cấp huyện từ hôm nay, ngày 1/7/2025, có ý nghĩa như thế nào đối với ngành thống kê?

Việc sáp nhập từ 63 đơn vị còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh; từ 10.035 đơn vị còn 3.320 đơn vị hành chính cấp xã là một bước đi chiến lược trong tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo không gian phát triển mới trong liên kết giữa các địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết với ngành thống kê là phải nhanh chóng cập nhật, chuẩn hóa hệ thống dữ liệu mới, đồng thời xây dựng bộ chỉ tiêu KTXH chủ yếu thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo so sánh được giữa các địa phương sau sáp nhập.

Đây là lần đầu tiên, Cục Thống kê chủ trì xây dựng và biên soạn bộ chỉ tiêu chủ yếu phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp (đánh giá thực trạng và xác định mục tiêu giai đoạn sắp tới) và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền 2 cấp. Thời gian xây dựng bộ chỉ tiêu rất gấp trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng chúng tôi đã chủ động từ sớm, nên đến nay đã cơ bản hoàn thành bộ dữ liệu lịch sử cấp tỉnh (2010-2025) cho 34 địa phương sau sáp nhập; các kịch bản tăng trưởng và số liệu của một số chỉ tiêu KTXH chủ yếu giai đoạn 2026-2030 phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng đang được hoàn thiện.

Chúng tôi tin tưởng đến thời điểm các địa phương tổ chức đại hội Đảng bộ thì bộ số liệu chỉ tiêu thống kê KTXH chủ yếu sẽ đầy đủ, chính xác và kịp thời để đưa vào văn kiện, Nghị quyết Đại hội. Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là trách nhiệm chính trị của ngành thống kê trước thời điểm có tính chất bước ngoặt lịch sử của đất nước.

Thưa bà, bộ chỉ tiêu chủ yếu mới gồm những nhóm lĩnh vực nào? Việc xây dựng được triển khai ra sao để đảm bảo thống nhất và khả thi trên toàn quốc?

Bộ chỉ tiêu được chia thành hai cấp: cấp tỉnh với 28 chỉ tiêu và cấp xã với 8 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu này được chia theo 3 nhóm lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó bao phủ cả những chỉ tiêu truyền thống như GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động, đến những chỉ tiêu mới như tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP hay chỉ tiêu tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn cấp xã, Chỉ số Phát triển con người (HDI). Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và thống nhất quy trình xây dựng từ cấp cơ sở. Đặc biệt, toàn bộ số liệu giai đoạn 2010-2025 đã được biên soạn lại theo địa giới hành chính mới, từ đó làm nền tảng để xây dựng kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2026-2030. Tính khả thi của các chỉ tiêu được thẩm định về tính sẵn có của số liệu cũng như năng lực thực thi tại địa phương.

Mặc dù thời gian rất gấp, nhưng trên cơ sở 28 chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội cấp tỉnh được đề xuất, ứng dụng công nghệ thống kê hiện đại, nền tảng số dùng chung để các đơn vị hành chính sau sáp nhập dễ dàng quản lý, cập nhật và khai thác số liệu, chúng tôi đã biên soạn và tổng hợp dãy số liệu giai đoạn 2010-2025 và xây dựng kịch bản tăng trưởng cơ sở giai đoạn 2026-2030 của 34 địa phương sau sáp nhập.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, phản hồi từ các địa phương về bộ chỉ tiêu thống kê KTXH chủ yếu cấp tỉnh và cấp xã rất tích cực, đặc biệt các địa phương mong muốn được hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về phương pháp tính, cách thu thập thông tin và sử dụng dữ liệu đầu ra. Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn như thiếu nhân lực, kinh phí, hay khác biệt về năng lực giữa các địa phương, vùng, miền.

Lần đầu tiên tổ chức xây dựng bộ chỉ tiêu KTXH chủ yếu cấp tỉnh và đến tận cấp xã. Thưa bà, so với trước đây chỉ dừng ở cấp huyện, việc này sẽ gặp những khó khăn gì?

Đây thực sự là một bước ngoặt lớn trong công tác thống kê nhà nước. Trước đây, việc thống kê thường chỉ dừng lại ở cấp huyện trở lên vì lý do vừa đảm bảo độ bao phủ đủ lớn để có tính đại diện, vừa phù hợp với nguồn lực và năng lực triển khai của hệ thống thống kê. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta phải đi sâu hơn, sát hơn tới cấp xã vì cấp xã được xác định là một “tế bào hành chính” quan trọng trong triển khai chủ trương, chính sách phát triển từ cơ sở.

Việc này đặt ra nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là năng lực thu thập và xử lý thông tin ở cấp xã vì cấp xã chưa từng là đơn vị thống kê đầu nguồn như cấp huyện hay cấp tỉnh, chưa có hệ thống cán bộ chuyên trách về thống kê, chưa có hạ tầng dữ liệu đầy đủ và chuẩn hóa để phục vụ thu thập, tổng hợp thông tin.

Khó khăn thứ hai là phạm vi thống kê rộng nhưng nguồn lực chưa tương xứng. Thống kê cấp xã không chỉ là “cắt nhỏ” các chỉ tiêu cấp tỉnh, mà là xây dựng một hệ thống chỉ tiêu phù hợp với đặc thù KTXH địa bàn nhỏ, đòi hỏi thiết kế khảo sát và cách tổ chức thu thập riêng biệt.

Thứ ba là thiếu đồng bộ dữ liệu hành chính ở cấp xã. Một trong những nguồn dữ liệu quan trọng hỗ trợ thống kê là dữ liệu hành chính từ các ngành y tế, giáo dục, bảo hiểm, nông nghiệp, tài chính… Tuy nhiên, ở cấp xã, dữ liệu hành chính rất phân tán, chưa chuẩn hóa, mỗi xã có cách ghi chép và quản lý riêng. Điều này khiến cho việc sử dụng dữ liệu hành chính để đối chiếu hoặc hỗ trợ kiểm tra chéo kết quả điều tra gặp khó khăn. Ngành thống kê đang hướng dẫn địa phương từng bước xây dựng hệ thống lưu trữ, quản lý dữ liệu điện tử chuẩn, đồng thời đề xuất tích hợp dữ liệu thống kê với các phần mềm quản lý hành chính xã hội đang được triển khai ở địa phương.

Sáp nhập tỉnh, thành: Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng bước chuyển lớn cho phát triển kinh tế
Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành không chỉ tạo bước ngoặt trong cải cách bộ máy hành chính, mà còn mở ra kỳ vọng cho cộng đồng doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư