Chủ Nhật, Ngày 27 tháng 04 năm 2025,
Thách thức lợi nhuận ngân hàng trước chính sách thuế quan
Vân Linh - 27/04/2025 09:34
 
Mặc dù tín dụng quý đầu năm cải thiện tác động tích cực lên kết quả kinh doanh, song thách thức lợi nhuận cả năm còn ở phía trước.

Lợi nhuận quý đầu năm phân hóa

MB tạm dẫn đầu với gần 8.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý I/2025, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, MB hiện là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn ngành, khi Vietcombank chưa công bố kết quả kinh doanh. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử của MB.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, Ngân hàng lãi trước thuế 3.674 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 38,4% so với cùng kỳ, tương đương 25,1% kế hoạch năm.

Với HDBank, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 5.355 tỷ đồng, tăng ấn tượng 33% so với cùng kỳ năm ngoái (4.028 tỷ đồng). Với mức tăng trưởng này, HDBank đã vượt qua ACB và VPBank, trở thành ngân hàng tư nhân lãi cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Techcombank.

Trong khi đó, ACB ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ, chủ yếu do Ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm nay đạt 7.236 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 6.014 tỷ đồng, giảm 4,2%.

Kết thúc quý I/2025, VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất gần 15.600 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt hơn 4.942 tỷ đồng, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng gần 23% so với cùng kỳ.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 của ngân hàng này đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm.

Thách thức mục tiêu lợi nhuận năm 2025

Trước lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến tỷ giá, xuất khẩu, tiêu dùng và tín dụng trong nước, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, HDBank hướng theo chính sách quản trị rủi ro cân bằng, đa dạng hóa danh mục tài trợ. Khi có thông tin thuế quan, Ngân hàng đã rà soát danh mục khách hàng bị ảnh hưởng và nhận thấy, ảnh hưởng trực tiếp không lớn, bởi danh mục dư nợ khách hàng xuất nhập khẩu trực tiếp tại thị trường Mỹ dưới 1,5% dư nợ của HDBank.

Sau rà soát, ban điều hành đã xây dựng chính sách quản trị rủi ro tổng thể tốt hơn và có chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, điều chỉnh cấu trúc tài trợ với khách hàng bị ảnh hưởng. Đồng thời, HDBank cân bằng, đa dạng hóa danh mục thời gian tới. Đặc biệt, HDBank có room tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay, giúp ngân hàng tăng cường dự án, tài trợ tiêu dùng, từ đó, cân bằng hơn danh mục đầu tư, tài trợ. Vì thế, HDBank tự tin có thể ứng biến, hỗ trợ khách hàng mở rộng ra thị trường mới ngoài Mỹ để thực hiện kế hoạch đề ra trong năm nay, với lợi nhuận trước thuế 21.179 tỷ đồng, tăng 27%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, đại hội đồng cổ đông Sacombank đã thông qua mục tiêu tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024. Dự kiến, nguồn vốn huy động tăng 9%, lên 736.300 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 14%, lên 614.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 2%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho biết, với mục tiêu lợi nhuận trên, trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2025 diễn biến phức tạp, không riêng Sacombank, mà các ngân hàng đều đứng trước những thách thức lớn, bởi áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) suy giảm.

Thêm vào đó, tác động từ chính sách thuế của Mỹ và toàn cầu ngày càng rõ nét. Nhận định về vấn đề này, một lãnh đạo Sacombank cho biết, nếu Mỹ tăng thuế hoặc siết chính sách thương mại với Trung Quốc và các đối tác, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm cầu tín dụng từ doanh nghiệp xuất khẩu. Trước bối cảnh đầy thách thức đó, Sacombank sẽ phải nỗ lực hơn để đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2025. Ngân hàng sẽ tập trung mạnh vốn vào các phân khúc, như các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024; ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5%; VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024… Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng này thừa nhận, chính sách thuế quan của Mỹ, nếu áp dụng, sẽ tác động lên tín dụng, lợi nhuận năm 2025.

Lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm dự báo phân hóa mạnh
Kết quả kinh doanh quý I/2025 của các ngân hàng sẽ được thông tin tại đại hội đồng cổ đông thường niên sắp diễn ra, song hiện một số tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư