Thứ Ba, Ngày 22 tháng 07 năm 2025,
Thị trường bưu chính, chuyển phát: Doanh thu dày, lợi nhuận mỏng
Tú Ân - 22/07/2025 14:59
 
Sự hiện diện của các công ty quốc tế cùng những tên tuổi trong nước đang tạo nên một thị trường bưu chính, chuyển phát năng động, nhưng đầy thách thức. Cạnh tranh về giá khiến biên lợi nhuận của ngành giảm, thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ

Doanh thu tăng 12,8% so với cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường bưu chính, chuyển phát Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, phản ánh vai trò quan trọng của ngành trong nền kinh tế số. Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, tổng doanh thu toàn ngành trong nửa đầu năm ước đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng khối lượng bưu gửi ước đạt 1.800 triệu mặt hàng, tăng 16% so với cùng kỳ. Ngành đã đóng góp 2.950 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng 14,3% so với năm 2024. Hiện cả nước có 745 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát.

Mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận từ dịch vụ bưu chính trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 950 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024.

Điển hình, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đạt doanh thu 8.671 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 281 tỷ đồng. Viettel Post có tổng doanh thu ước đạt 10.248 tỷ đồng, trong đó, doanh thu lõi (chuyển phát, kho vận, vận tải, thương mại dịch vụ) đạt 6.039 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 214 tỷ đồng. Giao hàng tiết kiệm (GHTK) đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức 3.361 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2024.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy ngành bưu chính, chuyển phát. Theo báo cáo từ The Investor, thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, tạo cơ hội lớn cho các dịch vụ logistics và chuyển phát. Ngành bưu chính, chuyển phát được dự báo đạt 10 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 20 - 30%.

Tuy nhiên, thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các công ty quốc tế như Alibaba, Tencent, J&T Express, ZTO, SF và Ninja Van đang áp dụng chiến lược nhượng quyền thương mại chi phí thấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh về giá, khiến biên lợi nhuận của ngành giảm, còn khoảng 3%.

Trong khi đó, các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, TikTok đã bắt đầu xây dựng đơn vị giao hàng riêng, ưu tiên các đối tác logistics trong hệ sinh thái của họ, gây bất lợi cho doanh nghiệp chuyển phát nội địa.

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) chỉ ra, chi phí giao hàng cuối cùng (last-mile delivery) chiếm 28% tổng chi phí logistics, cho thấy áp lực chi phí lớn trong ngành này. Các doanh nghiệp nội như Vietnam Post, Viettel Post, GHTK, cùng với các công ty quốc tế như J&T Express, Kerry Express, Ninja Van… đang tạo nên một thị trường năng động, nhưng đầy thách thức.

Chiến lược cạnh tranh

Không khó để nhận ra, dù có rất nhiều tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh, song thị trường bưu chính, chuyển phát Việt Nam cũng đối mặt với nhiều vấn đề nội tại. Đặc biệt, cạnh tranh về giá đang bào mòn nguồn lực và sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Đơn cử, Viettel Post dù đang tăng trưởng mạnh về doanh thu, nhưng rất thận trọng khi chỉ đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2025 đạt 21.028 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 405 tỷ đồng, tăng 6%.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch Viettel Post thẳng thắn chỉ ra, xu hướng cạnh tranh về giá trên thị trường bưu chính, chuyển phát chưa có dấu hiệu dừng lại. “Nhiều công ty cạnh tranh bằng cách hạ giá, với mức chênh lệch chỉ vài trăm đồng trên mỗi đơn hàng, đã làm lu mờ chất lượng, an toàn và dịch vụ. Viettel Post có thị phần khiêm tốn so với Shopee Express và J&T Express, phần nào do các nền tảng thương mại điện tử ưu tiên cho hệ sinh thái logistics của họ. Vì vậy, một số quy định cần phải thay đổi để đảm bảo cạnh tranh công bằng và bền vững”, ông Dũng nói.

Trong thời gian tới, định hướng chiến lược của Viettel Post là tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng dịch vụ chuyển phát. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phân khúc chuyển phát nội tỉnh tại trung tâm các tỉnh, thành phố lớn; cung cấp dịch vụ giao ngay và giao nhanh cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến.

Theo ông Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc Viettel Post, khi thị trường trong nước dần tiến đến điểm bão hòa, nếu chỉ phát triển chiều rộng về số lượng đơn hàng hay mở rộng địa bàn nội địa, thì tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh chóng chạm trần. Trong bối cảnh đó, chiến lược mở rộng ra khu vực và quốc tế không còn là lựa chọn, mà là hướng phát triển bắt buộc, nếu doanh nghiệp muốn duy trì vai trò dẫn dắt.

Tương tự, với Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (VNPost Express), tuy doanh thu tăng trưởng, nhưng do chi phí tăng và phải giảm giá để giữ thị phần, nên lợi nhuận cũng bị thu hẹp. Ông Lê Việt Anh, Tổng giám đốc VNPost Express chia sẻ, cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt, do các doanh nghiệp đều tìm mọi cách để giành thị phần và các nền tảng thương mại điện tử cũng thiết lập đơn vị giao hàng độc quyền. Trong bối cảnh như vậy, VNPost Express đang điều chỉnh cơ chế kinh doanh và tăng khuyến mãi để duy trì vị thế.

Trong khi đó, chiến lược của Vietnam Post là tập trung chuyển đổi từ doanh nghiệp bưu chính truyền thống, sang doanh nghiệp công nghệ dịch vụ. Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vietnam Post cho hay, Vietnam Post sẽ cải cách triệt để cơ chế giá và hiệu quả vận hành, tối ưu giá thành dịch vụ, góp phần tái thiết thị trường logistics quốc gia. Đặc biệt, Vietnam Post đặt mục tiêu phát triển và đưa chuỗi Bách hóa Bưu điện cùng sàn thương mại điện tử Bách hóa Bưu điện đứng trong top 3 hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam vào năm 2030, gắn với lợi thế kênh phân phối sâu rộng của doanh nghiệp.

Có thể thấy, thị trường bưu chính, chuyển phát Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và thương mại quốc tế. Người tiêu dùng mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp chuyển phát giao hàng đúng giờ, đóng gói bao bì cẩn thận, cung cấp dịch vụ thân thiện, còn các nhà bán hàng thì yêu cầu đơn vị chuyển phát hoạt động liên tục, kể cả cuối tuần.

Tuy nhiên, thách thức mà ngành bưu chính, chuyển phát đang đối mặt cũng không nhỏ, bao gồm áp lực chi phí, cạnh tranh giá cả, thiếu hụt nhân lực... Một số doanh nghiệp trong ngành đang đầu tư mạnh vào công nghệ (robot phân loại kho, drone giao hàng…) để đẩy nhanh tốc độ giao hàng và giảm chi phí. Rất có thể, thời gian tới, cuộc cạnh tranh trong ngành bưu chính, chuyển phát không phải là cạnh tranh về giá, mà là cạnh tranh về tốc độ giao hàng.

Thị trường bưu chính, chuyển phát năm 2024: Nhen nhóm “ngòi nổ” cạnh tranh không lành mạnh
Sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực giao vận ngày càng khốc liệt, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và nhen nhóm sự phân chia trong thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư