Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường M&A hối thúc hoàn thiện khung pháp lý
Thanh Tân – Ngọc Khôi - 08/08/2013 17:09
 
Thảo luận tại Diễn đàn M&A 2013 diễn ra sáng nay, 8/8 tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam diễn ra ngày càng sôi động. Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động M&A.

M&A không ngừng tăng

Ông John Ditty – Chủ tịch KPMG Việt Nam đánh giá, M&A là thị trường tích cực trong những năm gần đây, đã tăng từ 1 tỷ USD lên 5 tỷ USD trong 5 năm qua.

Thị trường M&A Việt Nam ngày càng sôi động, đòi hỏi sớm hoàn thiện
thể chế, khung khổ pháp lý

“Nửa đầu năm nay thị trường M&A hơi chựng lại, 6 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh để đạt mức tương đương năm ngoái với hơn 300 thương vụ. Đây là minh chứng cho thấy sự sôi động của thị trường M&A Việt Nam”, ông John Ditty nói.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, M&A không chỉ là hoạt động mua bán, đầu tư, mà nó còn liên quan đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp, liên quan đến việc cải cách văn bản pháp lý...

“Việt Nam đang cải cách cơ chế thị trường theo hướng minh bạch hơn, thị trường hơn”, TS. Võ Trí Thành nói và cho rằng một trong những vấn đề nhiều người ít để ý khi nói đến M&A là việc hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Theo ông, đến năm 2015, cơ hội để phát triển hoạt động M&A là rất lớn, nhất là những lĩnh vực như: Dịch vụ, truyền thông, tài chính…

Ở góc độ doanh nghiệp, ông David Blackhall, Giám đốc Khối bất động sản của Vinacapital cho biết, nhà đầu tư của Pháp và Nhật Bản đã tham gia nhiều thương vụ M&A nhất tại thị trường Việt Nam. Trong quý I/2013, thị trường M&A ghi nhận 14 thương vụ với tổng giá trị 675,5 triệu USD, trong đó có những thương vụ quy mô lớn thuộc lĩnh vực bất động sản.

Ông Sam Yoshida – Giám đốc Đầu tư Recof Corporation thì cho biết, Việt Nam đứng thứ 5 về các thương vụ với doanh nghiệp Nhật Bản. Hoạt động M&A tại Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ với Thái lan và Indonesia, chứng tỏ mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bắt đầu tăng từ 2004 tới nay và đã có ít nhất 80 thương vụ M&A được thực hiện thành công.

Nhiều thách thức

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Diện đàn M&A Việt Nam 2013, đó là khó khăn, thách thức từ những thương vụ M&A trong năm qua, và các diễn giả cũng kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình M&A tại thị trường Việt Nam.

Ông David Blackhall, cho biết, những năm qua thị trường M&A ghi nhận số lượng các thương vụ ngày càng tăng lên, thị trường ngày càng cởi mở và dễ dàng, tuy nhiên M&A tại Việt Nam vẫn gặp không ít thách thức.

“Nền kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn ổn định là rào cản lớn nhất đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Đồng thời, nhiều NĐT còn muốn chờ đợi thêm các dấu hiệu hồi phục vĩ mô từ thị trường, hệ thống ngân hàng được tái cấu trúc và vấn đề nợ xấu được giải quyết, cũng như VAMC đi vào hoạt động hiệu quả” – ông David Blackhall nhận định.

Có kinh nghiệm hơn 40 lần tham gia vào các thương vụ M&A tại Việt Nam, ông Sam Yoshida cũng nêu ra những khó khăn chung của các NĐT khi tham gia các thương vụ, đó là thiếu thông tin công khai của công ty mục tiêu; thiếu tính chính xác từ thông tin nội bộ của công ty mục tiêu. Đồng thời, các thương vụ còn trở nên khá phức tạp khi việc quản lý thông tin yếu; nhiều nhà phân tích tài chính cùng tham gia một công việc trong các thương vụ với nhau.

Ngoài ra, thị trường M&A còn gặp nhiều khó khăn do khoảng cách giá quá cao từ bên bán; thủ tục phê duyệt, cấp giấy phép gặp nhiều vướng mắc do việc thay đổi thường xuyên về luật và quy định. Sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp; sự khác biệt và tốc độ ra quyết định trong kinh doanh.

Tại Diễn đàn, một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm khi tiến hành hoạt động M&A, đó là việc cấp lại Giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp sau khi hoàn thành chương trình M&A (có yếu tố nước ngoài) còn nhiều trở ngại. Về vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu một cách bài bản về khung pháp lý cho M&A.

“M&A bị chi phối bởi rất nhiều quy định của ngành nghề khác nhau. Chúng tôi coi đây là 1 kênh đầu tư. Thị trường này đã vận động ngày càng nhanh, nên việc cần một thể chế tạo môi trường công bằng là cần thiết. Đề nghị các doanh nghiệp tham gia diễn đàn nên chỉ ra 1 cơ quan tư vấn đại diện cho doanh nghiệp để tập hợp tất cả vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, sau đó sắp đặt một cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có cơ sở tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư