Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thuê “ôsin” phải ký hợp đồng, đóng bảo hiểm
Phan Long - 12/04/2014 08:32
 
Có ba điểm quan trọng đáng lưu ý trong Nghị định 27 vừa được Chính phủ thông qua về lao động giúp việc gia đình, đó là người thuê phải ký hợp đồng lao động với “ôsin” mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng, phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và mỗi tuần phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cô bé ôsin trở thành du học sinh xuất sắc tại Australia
Hết Tết osin 'lên đời' hét giá trên giời
Ôsin bệnh viện: Thu nhập cao nhưng lệ ướt tràn mi
Ôsin bệnh viện: Danh thấp nhưng lương cao
  Thuê ô sin phải ký hợp đồng lao động  
  Theo quy định mới của Chính phủ, không được trả lương cho ôsin thấp hơn lương tối thiểu vùng (ảnh minh họa)  

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 27/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người giúp việc gia đình.

Theo đó, lao động giúp việc gia đình có cơ sở pháp lý để được bảo vệ nhiều hơn so với tình hình thực tế hiện nay.

Cụ thể, từ 25/5/2014, mức tiền lương hàng tháng do chủ sử dụng lao động và người giúp việc tự thỏa thuận (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động.

Ngoài tiền lương và chi phí ăn ở (nếu có), Nghị định cũng quy định, đến mỗi kỳ trả lương theo thỏa thuận giữa hai bên, người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

Đối với người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thoả thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục.

Thời giờ làm việc đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần; thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Mỗi tuần, người giúp việc được nghỉ ít nhất 24h liên tục hoặc nếu không bố trí được mỗi tháng người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 4 ngày.

Nếu làm việc đủ 12 tháng cho một chủ sử dụng lao động, người giúp việc cũng có 12 ngày phép được hưởng nguyên lương…

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chi tiết nhiều điều khoản khác về ngày nghỉ lễ, tết cũng như các quyền lợi khi ốm đau, khám chữa bệnh…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư