Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 07 năm 2024,
Văn hóa phát triển và phát triển văn hóa trong tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Văn hóa còn thì dân tộc còn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác tín như vậy và khát vọng: “Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước Việt Nam giang sơn gấm vóc vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.   Ảnh: Đăng Khoa

Lịch sử Việt Nam, xét cho cùng, là lịch sử của sự phát triển văn hóa. “Viên linh đơn” văn hóa Việt Nam là sự kết tinh lịch sử kiến tạo, tiếp biến, thâu hóa và phát triển phong phú tinh hoa, linh hồn, giá trị và bồi đắp nên tư chất quốc gia Việt Nam; là sự thâu thái, trầm tích, hội tụ, hiển hiện và tự biểu hiện vị thế, sức mạnh, uy tín dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất, bản sắc và hiện đại một cách toàn diện và độc đáo trong khu vực mấy ngàn năm qua và trên toàn thế giới. 

Nhìn trong 2.000 năm nay, trên thế giới, chưa thấy một dân tộc nào sau vài ba trăm năm lệ thuộc mà vẫn giữ được mình tồn tại và phát triển. Và, xét rộng tới 5.000 năm qua, lại càng không có quốc gia nào, dù sau 1.000 năm nô lệ (kể từ Văn Lang xuyên suốt tận Đại Việt), mà vẫn không thể bị khuất phục, không thể bị đồng hóa, như chính Việt Nam. 

Sức sống bất diệt của quốc gia dân tộc Việt Nam, từ thuở mở nước, tất cả là ở “viên linh đơn” văn hóa. Đó là ngọn nguồn sức sống kỳ diệu của văn hóa Việt Nam. Đó là bản sắc Việt Nam kết tinh và phát triển ở văn hóa và bằng văn hóa. Nếu không có một nền văn hóa như chúng ta đã và đang có, thì không có một quốc gia - dân tộc Việt Nam sừng sững trải mấy ngàn năm qua. Và, nếu mất đi văn hóa, chúng ta không bao giờ có tấm “căn cước Việt Nam” trong hội nhập và phát triển, với vị thế xứng đáng, cùng thế giới hôm nay. 

*

*    *

Văn hóa thịnh hay suy thì đất nước theo đó rực rỡ hay nguy vong!

Chỉ xem trong 1.000 năm nay, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX, Việt Nam đi qua 13 cuộc chiến tranh lớn chống ngoại xâm, kẻ thù đến từ tất cả các châu lục, văn hóa Việt Nam càng tỏa sáng trong cuộc giữ gìn, bảo tồn và phát triển dân tộc Việt Nam. Vì, độc lập dân tộc là con đường sống của dân tộc! Vì còn Dân thì nước nhất định còn! Vì, nước có thể mất, nhưng còn Nhân dân thì nhất định lấy lại được nước. Vì, đất nước thống nhất là con đường vươn tới hùng cường. Và, tự mình trở nên hùng cường chính là văn hóa giữ nước từ xa. Đó cũng chính là triết lý văn hóa phát triển Việt Nam vậy.

Văn hóa Việt Nam không chỉ là cội nguồn của đời sống dân tộc Việt Nam, mà còn là nền tảng tinh thần của xã hội. Nó không chỉ tạo nên cốt cách, tâm hồn, tạo nên sự cố kết toàn xã hội, mà còn tạo nên sức mạnh nội sinh của Tổ quốc. Nó không chỉ là “nguyên khí” của quốc gia, hồn cốt nhân văn trường cửu của dân tộc, mà còn là tấm “căn cước” của đất nước hội nhập trong thế giới, khẳng định tư thế quốc gia ngang tầm thời đại. Nó hòa quyện, xuyên thấm và hợp nên diện mạo, tư chất và sức mạnh tổng hòa dân tộc Việt Nam thống nhất và đa dạng, bản sắc và hội nhập.

Văn hóa là sức mạnh trầm tích và quật khởi dẫn dắt, thúc đẩy dân tộc Việt Nam điềm tĩnh vượt lên mọi sinh tử, can trường bước qua mọi bước ngoặt còn mất, nhằm giữ vững nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất của Tổ quốc, bảo tồn và gìn giữ giống nòi, đất nước tự khẳng định mình, phát triển không ngừng và đồng hành cùng nhân loại. 

Văn hóa làm nên nền chính trị Việt Nam. Đó là Quốc chính Việt Nam. Văn hóa làm nên niềm tin. Đó là Quốc tín Việt Nam. Sức mạnh tổng thể quốc gia làm nên Quốc khí Việt Nam.… Không có những nhân tố đó, thì không có Quốc thể Việt Nam. Một quốc gia mà không có quốc chính, không có quốc tín, không có quốc khí…, thì khó có thể có quốc thể một cách ngang tầm và xứng đáng. Đó chính là văn hóa và xét cho cùng lại không thể là gì khác, ngoài văn hóa.

Muốn đi nhanh, đi mạnh, có thể bằng công nghệ, bằng kỹ thuật. Nhưng, để đi xa, bền vững và nhân văn, không thể không bằng văn hóa.

Văn hóa còn thì dân tộc còn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác tín như vậy. Vì thế, Tổng Bí thư khát vọng: “Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước Việt Nam giang sơn gấm vóc vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường” (Theo Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024).            

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Chủ nghĩa Cộng sản chính là Chủ nghĩa Nhân đạo hoàn bị, tức là văn hóa, nấc thang cao nhất của sự phát triển của loài người, như C. Mác nói. Văn hóa Việt Nam chính là Chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó là cốt cách văn hóa Việt Nam và văn hóa trường tồn và phát triển cùng Dân tộc, cùng thời đại.

Vì thế, đổi mới, xét cho cùng, càng không chỉ là cuộc cách mạng trong cách mạng, mà là một cuộc chuẩn bị văn hóa toàn diện, ý thức hệ lâu dài và tâm lý quốc dân xứng đáng. Nghĩa là, muốn bền vững, muốn đổi mới xã hội, phải đi tiên phong và toàn vẹn trên địa hạt văn hóa, mà trước hết phải thay đổi tư duy, phải nắm lấy văn minh, tất cả phải đặt trên nền tảng văn hóa dân tộc trong dòng chảy của văn hóa nhân loại hướng tới phát triển bền vững và nhân văn tương xứng.                 

Và, càng tiến vào thế kỷ XXI, khi lịch sử phát triển của thế giới là lịch sử ngắn hạn, kinh nghiệm thành công của các nước phát triển, càng chỉ rõ và khẳng định, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển bền vững, không thể đi bằng một đôi chân khập khiễng. Không thể nói tới sự phát triển cân bằng, bền vững chỉ khi đạt được sự thành công về văn hóa (dù một cách độc lập hay giữ vị thế đi tiên phong xã hội), hoặc chỉ khi kinh tế tăng trưởng ngoạn mục (dù mang tính quyết định hay cơ bản và quan trọng tới đâu); và ngược lại. Để thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường, chúng ta kiến tạo, phát triển triết lý của một nền văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững và nhân văn Việt Nam đổi mới xã hội chủ nghĩa. Và, bản chất của đổi mới là độc, sáng tạo, chính là văn hóa.

Do đó, văn hóa phải luôn luôn là một ưu tiên xứng đáng, ngay cả trong hoàn cảnh cấp bách. Kinh nghiệm các nước phát triển xác chứng, ngay cả trong những lúc khốn cùng, người ta càng cần phải có thái độ trân trọng đối với văn hóa.

Muốn đi nhanh, đi mạnh, có thể bằng công nghệ, bằng kỹ thuật. Nhưng, để đi xa, bền vững và nhân văn, không thể không bằng văn hóa.

*

*    * 

Chúng ta bắt đầu từ văn hóa đi xuyên qua kinh tế thị trường đến văn hóa ở một tầm mức cao hơn. Kỳ thực, dân tộc Việt Nam bắt đầu đi từ văn hóa, không phải chỉ đi từ kinh tế. Kinh tế thị trường là công cụ. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là công cụ của Nhân dân để đi đến văn hóa cao hơn là Chủ nghĩa Xã hội. Chúng ta phát triển văn hóa để phát triển kinh tế, phát triển chính trị... Vì tư duy, quyết sách chính trị hay kinh tế chính là văn hóa. Đường lối chính trị chính là văn hóa. Kinh tế là văn hóa. Nền văn hóa Việt Nam bản sắc, khác với tất cả các nền văn hóa khác, thích ứng với mọi thay đổi - đó là nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Xuyên suốt trong hết thảy, chủ nghĩa xã hội là văn hóa.

Không có văn hóa Việt Nam dân tộc và hiện đại, chúng ta sẽ không có gì cả, càng không thể nói tới công việc đổi mới toàn diện, đồng bộ từ thể chế chính trị, kinh tế, xã hội tới con người hay bất cứ phương diện nào khác, ngang tầm văn hóa, như mong muốn!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Ảnh: Đăng Khoa

Trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa đạo đức Việt Nam đã và đang trở nên nóng bỏng. Thiếu nó sẽ không còn bản sắc và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam nữa và lập tức sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh tế vị kinh tế, tiền vì tiền. Khi đó, sẽ không còn công việc kiến tạo thể chế hay phát triển con người một cách chân chính và khoa học, vì quốc gia dân tộc nữa. Chính trị lúc này là kinh tế, nhưng chính trị lúc này, hơn bao giờ hết, cũng chính là đạo đức, rộng hơn là văn minh, văn hóa.

Khi một môi trường phát triển phi đạo đức thì chính đó là môi trường phi chính trị, phi kinh tế, phi văn hóa và rốt cuộc phải đối mặt với sự băng hoại ngay từ nền móng tinh thần xã hội đã đành, mà bạn bè quốc tế cũng xa lánh, ngoảnh mặt. Kinh nghiệm cho thấy, càng phát triển kinh tế thị trường, càng hội nhập quốc tế, trực tiếp là hội nhập kinh tế, chúng ta càng cần một hệ giá trị đạo đức Việt Nam - gồm đạo đức chính trị, đạo đức kinh tế… - những nhân tố làm nên hệ văn hóa Việt Nam - văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế…  thấm đẫm pháp quyền và nhân văn - những “quyền lực mềm” của chính kinh tế, của chính chính trị, bảo đảm phát triển kinh tế, chính trị vững bền; và đến lượt chúng, sẽ trở thành lực lượng kinh tế hùng mạnh, lực lượng chính trị to lớn trên con đường phát triển mạnh mẽ và bền vững. 

Nếu không vun đắp, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam cao cả về tầm nhìn, uyên bác về trí tuệ, cao quý về nhân văn, một nền đạo đức Việt Nam mà mỗi người, trước hết là những người giữ trọng trách quốc gia, cao thượng về nhân cách, bảo trọng về liêm sỉ, Quốc sỉ, luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào, có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân loại, thì chắc chắn, chúng ta khó có thể nói tới một Việt Nam phát triển phồn vinh, pháp quyền và nhân văn một cách bền vững.

Văn hóa phải thực sự trở thành rường cột, linh hồn trong toàn bộ sự phát triển của đất nước từ chính trị, kinh tế, xã hội tới ngoại giao, quốc phòng, an ninh, môi trường. Nếu thiếu hay coi nhẹ văn hóa, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại không thể cứu vãn được. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, văn hóa phải trở thành kinh tế, văn hóa phải trở thành chính trị, văn hóa phải trở thành triết lý giữ nước, triết lý nhân lên sức mạnh dân tộc phát triển đất nước hùng cường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta một bài học lớn, khi Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Đó là chiều sâu của văn hóa Việt Nam. Với công cuộc không ngừng đổi mới, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam độc lập, tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trở thành một nước công nghiệp hiện đại và phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh..., Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “…Chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” (Theo Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022).

Từ lịch sử nhân loại và dân tộc, trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ sự chiêm nghiệm vấn đề tự do và hạnh phúc cho và của Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “…Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”.

Dưới góc nhìn phát triển, đó là tư tưởng lớn của triết lý văn hóa phát triển Việt Nam.  

Đó không chỉ là một triết lý chính trị, một triết lý xã hội, mà còn là triết lý nhân sinh, triết lý về phát triển con người, về xã hội và môi trường sinh thái thấm đẫm văn hóa trên con đường phát triển nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn, mà mỗi con người là một nhân cách văn hóa. Đó chính là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh của một Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, pháp quyền và công lý, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục, bền vững và nhân văn... - những phẩm chất quan trọng mà chúng ta cần hướng tới. Đó là con đường phát triển xã hội chủ nghĩa tất yếu và bản sắc của Dân tộc, trên nền móng văn hóa, phù hợp với sự vận động của thế giới. 

Đó là sự phát triển mang tầm chiến lược con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Không bản sắc văn hóa, dân tộc nhất định bị hòa tan.

Càng hội nhập, càng phải độc lập, trong đó độc lập về văn hóa hết sức quan trọng, hết sức căn bản. Có độc lập mới thực sự hội nhập đúng và hiệu quả, mới chủ động tiếp thu và đủ sức thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa chính mình. Một dân tộc đánh mất văn hóa của mình thì không còn dân tộc nữa. Dân tộc Việt Nam muốn tiếp tục đi xa và phát triển ngang tầm cùng các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới, thì hãy bắt đầu phải đứng vững đôi chân trên nền tảng văn hóa của chính mình đồng hành cùng và trong văn hóa nhân loại.

Tổng hòa toàn bộ những vấn đề đó, đồng chí Tổng Bí thư góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận chiến lược của Đảng ta về văn hóa: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người... mà không gì khác, chính con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; đến lượt nó, phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.

Toàn bộ những điều đó làm nên tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị, sức mạnh hiện thực và khí phách Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, tiếp tục dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay và tương lai.

*

*    *

Kinh nghiệm lịch sử xác tín, quốc gia muốn đi nhanh, phát triển mạnh, có thể dùng kỹ thuật, mượn công nghệ, qua những bước đi hoặc tuần tự hoặc nhảy vọt hoặc vừa tuần tự vừa nhảy vọt, thậm chí cả những bước lùi tất yếu…, nhưng muốn phát triển nhanh, mạnh mẽ mà bền vững và nhân văn, không thể không từ văn hóa và bằng văn hóa.

Trên lộ trình tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, với hệ giá trị quốc gia (hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc), hệ giá trị văn hóa (dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học), hệ giá trị gia đình (ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh) và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...).

Thực tiễn 40 năm đổi mới xác tín, văn hóa thực sự và ngày càng khẳng định là một trong những trụ cột căn bản kiến tạo và phát triển xã hội. Và ngay trong các trụ cột kinh tế, chính trị…, thì văn hóa thẩm thấu sâu rộng, sinh động và hiện diện trong toàn bộ các lĩnh vực đó. Văn hóa ngày càng xứng đáng trở thành một nhân tố không thể thiếu trong việc hoạch định đường lối chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại, khơi dậy sức mạnh toàn Dân, cố kết toàn Dân tộc, hội nhập và đoàn kết quốc tế.

Tất cả nhằm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là một “xã hội mà mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện”, thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Mệnh lệnh phát triển đó đòi hỏi giải quyết hiệu quả tối thiểu các mối quan hệ trong đổi mới nổi bật trên lộ trình xác lập nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững trong tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ, bền vững và nhân văn trong tầm nhìn 2045. 

Văn hóa không chỉ được khẳng định là một trong các trụ cột chính sách quyết định của Đảng về xây dựng, phát triển đất nước, mà văn hóa còn là sự bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, chính trị, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ với mục đích hướng tới con người, vì hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người. Đây là bản chất và cũng là hành động tổng thể và kiên định xây dựng nền văn hóa chính trị dân chủ và nhân văn Việt Nam.

Do đó, mọi quyết sách chính trị hay kinh tế…, nếu không bắt đầu từ văn hóa, từ con người và cuối cùng không vì văn hóa, vì con người, thì chắc chắn nhất định thất bại. Đó chính là tầm nhìn thiếu văn hóa, vô hình hạ thấp văn hóa và khi đó chắc chắn thất bại, ngay từ trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội với vai trò trung tâm là phát triển con người; càng không thể nói tới văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của phát triển xã hội và con người, càng không thể kiến tạo xứng đáng triết lý của sự phát triển chiến lược mạnh mẽ, bền vững và nhân văn hiện tại và tương lai. 

Trên lộ trình tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, với hệ giá trị quốc gia (hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc), hệ giá trị văn hóa (dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học), hệ giá trị gia đình (ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh) và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...). Và, hơn ai hết, đội ngũ những người làm văn hóa và công tác văn hóa, luôn giữ trong mình ngọn lửa “Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống Nhân dân”,  thấm đẫm tư cách và bản lĩnh những nhân cách văn hóa văn minh, hiện đại mang bản sắc Việt Nam. Nếu trái thế, càng không thể nói tới trọng sự “xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc”.

Phát triển tư tưởng sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới tới quyết sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Nhà nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, đặt mối giao thương với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với 15 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 10 quốc gia… trên nền tảng quan hệ bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau… từng bước vững chắc đi vào khuôn khổ ngày càng ổn định, cân bằng các mối quan hệ quốc tế đa dạng và phức tạp một cách nghệ thuật và nhân văn, ngày càng mang lại càng nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa…

Đó là văn hóa ngoại giao Việt Nam, với nghệ thuật “ngoại giao cây tre” Việt Nam.        

Đến lượt mình, với tư cách là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân, “đứa con nòi” của Nhân dân, Đảng ta tiếp tục xứng đáng là đạo đức, là văn minh - biểu tượng của văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; đồng thời, “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân..., làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách”. Đội ngũ những người làm văn hóa chuyên nghiệp và không chuyên - tức là toàn dân xây dựng văn hóa, để ngày càng xứng đáng là dân tộc văn hiến, xứng đáng là dân tộc văn hóa. Và, đến lượt nó, văn hóa thực sự xứng tầm là một trong những giềng mối căn bản để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường sánh vai các cường quốc trên thế giới. 

Trong tầm nhìn tới năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “…Trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI” (Theo Nguyễn Phú Trọng: Ra sức xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Báo Nhân Dân số ra ngày 24/11/2021).

Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa: Đầu tư 256.000 tỷ đồng có khả thi?
Có ý kiến cho rằng, tổng mức đầu tư chương trình đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư