Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Phan Long - 18/06/2013 13:01
 
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Franz Jessen cho rằng, Việt Nam có vẻ chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức trên 5% và Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp xuất khẩu.
TIN LIÊN QUAN
Buổi ra mắt Sách Xanh Liên minh châu Âu (EU) sáng nay tại Hà Nội

EU vẫn đảm bảo cam kết tài trợ

Tại buổi ra mắt Sách Xanh Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/6 tại Hà Nội, ông Franz Jessen, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, trong năm 2012, đã có 395 triệu euro được giải ngân cho Việt Nam (tương đương 531 triệu USD) và 743 triệu euro (tương đương 965 triệu USD) được cam kết tài trợ trong năm 2013.

Số liệu phân tích cam kết tài trợ từ năm 2007 đến năm 2013 cho thấy, EU vẫn đảm bảo thực hiện các cam kết dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, hỗ trợ song phương cho Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cải cách chính sách trong nhiều lĩnh vực như các quy định pháp luật, quản lý tài chính công và y tế. Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực, hỗ trợ trực tiếp xã hội dân sự và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch, biến đổi khí hậu và môi trường”, ông Franz Jessen nói.

EU cũng phân bổ nguồn hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực Việt Nam đang tiến hành cải cách để tối ưu hóa sự đồng thuận giữa chính sách của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ phát triển, do đó, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng bền vững, giảm nghèo và hội nhập kinh tế thế giới.

Về mặt quan hệ chính trị, thương mại, năm 2012 là một năm khởi sắc đối với EU và Viêt Nam. Tháng 6/2012, hai bên đã tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại tự do, cho thấy tiềm năn lớn nhằm thúc đẩy kinh tế và tạo việc làm cho cả hai phía, khi EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã tăng 30% và nhập khẩu từ EU tăng 20%.

Loại trừ chậm phát triển gây bất ổn kinh tế

Cũng theo ông Franz Jessen, phiên bản Sách Xanh năm nay được xây dựng dựa trên bối cảnh các thách thức Việt Nam phải đối mặt khi trở thành một nước thu nhập trung bình, trong điều kiện kinh tế phát triển chậm lại, bất bình đẳng gia tăng. Cuốn sách cũng đưa ra các bước thực hiện để Việt Nam vượt qua các thách thức đó.

Tuy nhiên, theo ông Franz Jessen, Việt Nam có vẻ chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức trên 5% và Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như: giày dép, dệt may, diện tử, đồ gỗ nội thất, nông nghiệp (cà phê, trà, các loại hạt và các sản phẩm thủy sản).

Đánh giá trong Sách Xanh cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây, do tác động bởi yếu tố khách quan và chủ quan ngắn hạn, chứ không phải là nguyên nhân về cơ cấu dài hạn liên quan đến một bẫy thu nhập trung bình bền vững.

Một số nhà kinh tế cho thấy, điểm khó khăn nổi bật khi các nước đạt mức thu nhập trung bình đầu người từ 5.000 - 10.000 USD như Trung Quốc. Ở thời điểm này, họ lập luận rằng tăng trưởng của công nghiệp dựa chủ yếu vào sức lao động có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế kém hơn do mức lương cao. Do đó, họ bắt đầu chuyển sang các thịt trường có mức lương nhân công thấp hơn.

Tuy chưa đạt đến mức độ này, nhưng Việt Nam trong một thời gian trung hạn có thể đạt được. “Việt Nam cần phải hành động ngay và xây dựng một tầm nhìn dài hạn, để có thể loại trừ sự chậm phát triển, gây bất ổn kinh tế tác động tới cả tầng lớp giàu và nghèo trong xã hội”, Sách Xanh đề xuất.

Tin vào hiệu quả của Hiệp định Thương mại tự do (FTA), ông Franz Jessen cho rằng, việc Việt Nam và EU nỗ lực hoàn thành việc đàm phán và sớm tiến tới ký kết FTA sẽ giúp cải thiện thương mại hai chiều của cả Việt Nam và EU, tạo ra thêm nhiều việc làm.

Tuy nhiên, ông Franz Jessen cũng kiến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và cải cách mạnh mẽ hơn nữa cách thể chế chính sách.

“Chính phủ Việt Nam phải làm tốt hơn nữa để tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế; đồng thời tăng tính minh bạch, giảm thiểu tham nhũng bởi vấn đề này có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư EU”, Franz Jessen nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư