Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam xếp 70/190 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong ASEAN về thuận lợi trong kinh doanh
Khánh Linh - 24/10/2019 11:57
 
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 (Doing Business 2020). Nhận định chung là tốc độ cải cách môi trường kinh doanh ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chậm lại.

Xu hướng xếp hạng

Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ hai về Môi trường kinh doanh trong năm thứ tư liên tiếp. Trung Quốc là một trong 10 nền kinh tế cải thiện nhiều nhất trong năm 2019.

Thứ hạng của các nền kinh tế lớn khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương lần lượt là Indonesia (73), Philippines (95), Thái Lan (21), Malaysia (12). Việt Nam đứng thứ 70/190 nền kinh tế.

Năm ngoái, Việt Nam đứng 69/190.

Các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đạt các điểm khá cao về tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng và cấp phép xây dựng.

Xu hướng cải cách

Theo WB, tổng cộng có 33 chương trình cải cách với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh được 48% các nền kinh tế trong khu vực thực hiện cho một trong những lĩnh vực được Báo cáo Môi trường Kinh doanh xếp hạng.

Trong đó, các nền kinh tế tập trung thực hiện 7 chương trình cải cách trong lĩnh vực cấp phép xây dựng; 5 chương trình cải cách trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh.

Trung Quốc là một trong số 10 quốc gia ghi nhận nhiều cải cách nhất trong năm 2019 với số lượng chương trình cải cách nhiều nhất (8) trong khu vực và đứng thứ hai toàn cầu.

Trung Quốc thực hiện cải cách trong các lĩnh vực khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Các nền kinh tế ghi nhận nhiều cải cách khác có Indonesia và Myanmar (với 5 chương trình cải cách) và Philippines (với 3 chương trình cải cách).

Indonesia đã cải thiện điểm số về “nộp thuế” thông qua áp dụng hệ thống thông tin và thanh toán trực tuyến cho các loại thuế chính. Đồng thời quốc gia này cũng cải thiện điểm số về giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua đưa vào áp dụng hệ thống quản lý hồ sơ điện tử để hỗ trợ thẩm phán. Bên cạnh đó, giao dịch thương mại qua biên giới cũng cải thiện thông qua xử lý trực tuyến các tờ khai hải quan xuất khẩu, nhờ đó giảm thời gian hoàn thiện thủ tục xuất khẩu từ 63 giờ xuống còn 56 giờ.

Myanmar cũng cải thiện lĩnh vực giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua việc công bố báo cáo đo lường hiệu suất. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đưa vào áp dụng cổng đăng ký doanh nghiệp trực tuyến và giảm phí thành lập để cải thiện lĩnh vực khởi sự kinh doanh.

Brunei Darussalam, Lào, Papua New Guinea và Việt Nam mỗi quốc gia đều thực hiện hai chương trình cải cách.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn ghi nhận nhiều yếu kém trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp hợp đồng. Đây là lĩnh vực cần áp dụng các thông lệ quốc tế bao gồm các hệ thống thay thế giúp giải quyết tranh chấp và thành lập các tòa án thương mại chuyên biệt. Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua tòa án sơ thẩm địa phương có chi phí trung bình lên tới 47,2% giá trị khiếu nại, cao hơn gấp đôi mức trung bình là 21,5% của các nền kinh tế OECD.

5 điểm nhấn trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của WB
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng 190 nền kinh tế, căn cứ vào nỗ lực tạo thuận lợi cho kinh doanh, liên quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư