Chủ Nhật, Ngày 27 tháng 07 năm 2025,
Vụ tranh chấp tại Dự án Cụm công nghiệp Nhựt Chánh 2: Vì sao chuyển điều tra?
Ngô Nguyên - 27/07/2025 10:19
 
Hàng loạt doanh nghiệp cùng Công ty Liên Minh ký hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Cụm công nghiệp Nhựt Chánh 2 (Tây Ninh), rồi phát sinh tranh chấp, lôi nhau ra tòa. Tới phiên xét xử phúc thẩm tại TP.HCM, cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu hình sự, nên đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Tiền trao, nhưng “cháo không múc”

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP.HCM, nay là Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM (Viện Phúc thẩm 3), năm 2004, UBND tỉnh Long An (cũ) phê duyệt đầu tư hạ tầng, trong đó có Dự án Cụm công nghiệp Nhựt Chánh 2 với quy mô hơn 120 ha thuộc địa bàn huyện Bến Lức (nay là xã Bến Lức, Tây Ninh).

Năm 2006, Công ty cổ phần Liên Minh (Công ty Liên Minh) ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Long An (cũ) nhận chuyển nhượng Dự án với mục đích xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp - dịch vụ khu vực.

Ngày 21/9/2009, Công ty Liên Minh được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thời hạn thực hiện dự án 50 năm, tổng vốn đầu tư hơn 492,6 tỷ đồng, dự kiến đưa Dự án vào hoạt động từ tháng 6/2011.

Ngày 19/10/2009, UBND tỉnh Long An (cũ) có quyết định giao đất cho Công ty Liên Minh thửa đất số 1449, với diện tích hơn 1 triệu m2. Ngày 21/5/2010, Công ty Liên Minh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên và tới tháng 1/2011 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tách thành 12 thửa.

Năm 2020, UBND tỉnh Long An (cũ) ban hành kết luận thanh tra toàn diện Dự án Cụm công nghiệp

Nhựt Chánh II. Theo đó, UBND tỉnh Long An (cũ) cho rằng, Công ty Liên Minh thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất với các đối tác và được Văn phòng Đăng ký đất đai cập nhật biến động là không phù hợp. Tới thời điểm thanh tra, Dự án đã chậm theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư do nhiều nguyên nhân, như chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng; dự án đến nay mới chỉ có tên trong quy hoạch, chứ chưa có quyết định thành lập cụm công nghiệp, do đó không đảm bảo tính pháp lý để thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai Dự án.

Kết luận cũng chỉ ra trách nhiệm để xảy ra nhiều tồn tại, vướng mắc, khiến Dự án Cụm công nghiệp Nhựt Chánh II đến nay vẫn chưa thể triển khai thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường Long An (trước đây), cùng các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký đất đai; UBND huyện Bến Lức (cũ).

Tại kết luận này, UBND tỉnh Long An (cũ) cũng đề nghị tòa án sớm giải quyết dứt điểm vụ án tranh chấp giữa các đối tác và Công ty Liên Minh để dự án trên sớm triển khai, đi vào hoạt động.

Sau khi được giao thực hiện dự án, Công ty Liên Minh rầm rộ kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp cùng hợp tác, nhưng không thực hiện đúng cam kết sau khi nhận tiền.

Cụ thể, theo Viện Phúc thẩm 3, ngày 19/3/2007, Công ty Liên Minh ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại xây dựng dịch vụ Toàn Thắng (Công ty Toàn Thắng) hợp tác đầu tư xây dựng 40,5 ha, sau đó ký phụ lục hợp đồng ngày 9/7/2007 điều chỉnh giảm diện tích còn 33,798 ha, với số tiền hơn 81 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Toàn Thắng chuyển 80.000 m2 cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Trường Gia Phát (Công ty Trường Gia Phát), giữ lại hơn 257.980 m2 với giá trị hợp đồng gần 62 tỷ đồng. Công ty Toàn Thắng đã thanh toán cho Công ty Liên Minh hơn 46,6 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa nhận được đất. Thậm chí, một phần diện tích đất (hơn 15.000 m2) đáng lẽ thuộc về Công ty Toàn Thắng thì đã bị Công ty Liên Minh góp vốn cho Công ty Trường Gia Phát và doanh nghiệp này sau khi thanh toán tiền đã được cập nhật biến động trên sổ đỏ.

Chưa hết, tháng 1/2007, Công ty Liên Minh ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Liên Hiệp (Công ty Liên Hiệp) đầu tư xây dựng 52.254 m2 tại thửa đất 3452. Công ty Liên Hiệp đã thanh toán 9/13 tỷ đồng giá trị hợp đồng và được bàn giao đất. Tuy nhiên, sau khi được UBND tỉnh Long An (cũ) cấp sổ đỏ, Công ty Liên Minh lại không làm thủ tục chuyển quyền cho Công ty Liên Hiệp.

Sau đó, ngày 4/9/2014, Công ty Liên Minh lại ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hưng Lê Đạt (Công ty Hưng Lê Đạt), với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Tới ngày 10/9/2014, Công ty Liên Minh lại chuyển nhượng phần vốn góp (hơn 13 tỷ đồng) của doanh nghiệp tại Công ty Hưng Lê Đạt cho ông Văn Thành Lê. Sau đó, thửa đất này được Công ty Hưng Lê Đạt dùng để thế chấp vay Ngân hàng Sacombank 22 tỷ đồng.

Ngày 23/9/2008, Công ty Liên Minh ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và xây dựng Lộc Thiêng (Công ty Lộc Thiêng), đầu tư xây dựng 78.976 m2 (sau khi điều chỉnh) thuộc thửa đất số 3545, giá trị hợp đồng hơn 19,5 tỷ đồng. Công ty Lộc Thiêng đã thanh toán hơn 18,5 tỷ đồng.

Công ty Liên Minh chưa bàn giao đất cho Công ty Lộc Thiêng, mà còn đem sổ đỏ thửa đất số 3545 (sau khi được cấp) thế chấp tại Agribank Chi nhánh Bắc TP.HCM. Đến nay, Công ty Liên Minh còn nợ lãi với số tiền hơn 14,7 tỷ đồng.

Ngày 5/1/2007, Công ty Liên Minh ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Sản xuất, thương mại nhựa Hiệp Thành (Công ty Nhựa Hiệp Thành), đầu tư xây dựng 89.841 m2 (sau điều chỉnh) thuộc thửa đất số 3546, với giá trị hợp đồng hơn 22,4 tỷ đồng. Ngày 7/4/2010, các bên ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Theo đó, Công ty Hiệp Thành chuyển nhượng một phần quyền hợp tác cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quang Mười (Công ty Quang Mười) diện tích 4,4 ha, với giá trị 11 tỷ đồng.

Như vậy, phần diện tích đất đầu tư của Công ty Hiệp Thành còn 45.841 m2, giá trị hợp đồng hơn 12,8 tỷ đồng. Công ty Hiệp Thành đã thanh toán cho Công ty Liên Minh hơn 8,4 tỷ đồng; Công ty Quang Mười đã thanh toán cho Công ty Liên Minh số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi Công ty Liên Minh được bàn giao đất và cấp sổ đỏ với thửa đất số 3546, Công ty Hiệp Thành đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty Liên Minh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nhưng Công ty Liên Minh không phản hồi và không tiến hành giao đất cho Công ty Hiệp Thành. Thửa đất này cũng từng được thế chấp tại Agribank Chi nhánh Hùng Vương, nhưng đã giải chấp.

Ngày 10/12/2007, Công ty Liên Minh hợp tác lần 2 với Công ty Quang Mười, đầu tư 50.000 m2 thuộc một phần thửa 3547, với giá trị hợp đồng 11 tỷ đồng, đã thanh toán gần 10,85 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bàn giao đất không thực hiện được do vướng mắc với người dân xung quanh.

Đáng nói nữa, ngày 23/4/2014, Công ty Liên Minh và Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Duy Thành Phát (Công ty Duy Thành Phát) ký hợp đồng góp vốn bằng sổ đỏ đối với trọn thửa 3547 (trong đó có diện tích 50.000 m2 mà Công ty Liên Minh đã hợp tác đầu tư với Công ty Quang Mười), giá trị vốn góp hơn 14 tỷ đồng. Ngày 23/4/2014, Công ty Duy Thành Phát được cập nhật biến động trên sổ đỏ.

Tới ngày 24/4/2014, Công ty Liên Minh ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Duy Thành Phát cho bà Nguyễn Thùy Duyên, Giám đốc Công ty Liên Minh Duy Thành Phát với giá thỏa thuận hơn 24,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhận vốn góp đã thanh toán hơn 21,2 tỷ đồng và đã san lấp mặt bằng trên thửa 3547 và một phần thừa 3546. Sau đó, Công ty Liên Minh Duy Thành Phát thế chấp sổ đỏ thửa 3547 cho ngân hàng.

Lôi nhau ra tòa phúc thẩm thì lộ dấu hiệu hình sự

Theo Viện Phúc thẩm 3, trong quá trình thực hiện dự án, các bên không có sự thống nhất với nhau, nên dẫn đến tranh chấp. Năm công ty là Công ty Toàn Thắng, Công ty Liên Hiệp, Công ty Nhựa Hiệp Thành, Công ty Quang Mười, Công ty Lộc Thiêng đã khởi kiện, yêu cầu Công ty Liên Minh tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thỏa thuận.

Nhưng Công ty Liên Minh không đồng ý, phản tố và yêu cầu tòa tuyên vô hiệu các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An (cũ) đã chấp nhận phản tố của Công ty Liên Minh, tuyên vô hiệu các hợp đồng, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, đồng thời giải quyết hậu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu.

Năm doanh nghiệp không đồng ý và kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân. Nhiều doanh nghiệp và người liên quan khác cũng kháng cáo.

Quá trình xét xử phúc thẩm, đại diện Viện Phúc thẩm 3 cho rằng, có dấu hiệu phạm tội trong vụ án tranh chấp thương mại này.

Cụ thể, dấu hiệu là Công ty Liên Minh đã nhận tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư của Công ty Toàn Thắng, Công ty Liên Hiệp, Công ty Lộc Thiêng, Công ty Nhựa Hiệp Thành, Công ty Quang Mười. Sau khi tách thửa đất được giao để đầu tư Dự án Cụm công nghiệp Nhựt Chánh 2 thành 12 thửa đất, Công ty Liên Minh đã không bàn giao mặt bằng theo cam kết, không ký hợp đồng ủy quyền quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư góp vốn ban đầu, mà dùng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tách để cầm cố, thế chấp tại ngân hàng; sử dụng lại quyền sử đất để góp vốn và chuyển nhượng phần vốn góp (thực chất là chuyển quyền sử dụng đất) cho các công ty khác, gồm Công ty Trường Gia Phát, Công ty Hưng Lê Đạt, Công ty Duy Thành Phát.

Vì vậy, đại diện Viện phúc thẩm 3 đề nghị Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM tạm đình chỉ giải quyết vụ án, chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan điều tra tỉnh Long An (cũ) thụ lý, xác minh.

Ngày 22/4/2025, Hội đồng Xét xử phúc thẩm đã ra Quyết định số 05/2025/QĐ-PT tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm, chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.

Trên cơ sở đó, vừa qua, Viện Phúc thẩm 3 đã có văn bản thông báo cho cơ quan công an để các cơ quan liên quan có căn cứ thụ lý, giải quyết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư