Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu dệt may trông đợi thị trường nào?
Thế Hoàng - 02/07/2017 09:17
 
Khi thị trường nhập khẩu bất ổn đi kèm với xu hướng yêu cầu giảm giá, doanh nghiệp dệt may phải ra sức “năng nhặt chặt bị” để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu.
.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt 14,2 tỷ USD, vẫn còn xa so với mục tiêu xuất khẩu cả năm là 30 tỷ USD

Bất ổn về đơn hàng

Vừa có chuyến khảo sát thị trường Nhật Bản và gặp gỡ các nhà nhập khẩu truyền thống, đại diện Tổng công ty cổ phần May 10 cho rằng, từ nay đến hết năm, ngành dệt may xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các thị trường chủ lực của xuất khẩu dệt may là Mỹ và EU, Nhật Bản tiêu thụ chậm, nhà nhập khẩu gây sức ép hạ giá với nhà cung cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, May 10 ước đạt 48% kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 96%, so với cùng kỳ tăng trưởng 6-7%, nhưng so với kế hoạch vẫn chưa đạt.

Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc May 10 nhận xét, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với tình trạng bất ổn về lượng đơn hàng, rất khó phán đoán. “Nếu không có kinh nghiệm điều hành sản xuất, doanh nghiệp sẽ rất khó trở tay”, ông Việt nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Trung An, Phó giám đốc phụ trách xuất khẩu Công ty cổ phần May Vi An (Hà Nam) cho rằng, khó cho doanh nghiệp là phải cân đối chi phí đầu vào để giảm giá cho nhà nhập khẩu. Xu hướng hạ giá chắc chắn chưa dừng lại.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, dệt may vẫn được đánh giá là ngành có kết quả tăng trưởng xuất khẩu 2 con số so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng so với mục tiêu xuất khẩu cả năm là 30 tỷ USD thì chưa đạt 50%.

Như vậy, gánh nặng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 2017 sẽ đổ dồn lên 6 tháng cuối năm.

Kỳ vọng thị trường nào?

Trước xu hướng đơn hàng ngày một ngắn và giá không tăng, các doanh nghiệp  ngành dệt may được khuyến cáo cần khai thác triệt để hiệu suất của trang thiết bị đã đầu tư nhằm giảm chi phí và “năng nhặt chặt bị” các đơn hàng xuất khẩu.

Về thị trường, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố và khai thác vị thế là nước có thị phần lớn tại Mỹ, EU và Nhật Bản, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng.

Vitas nhận định, cho dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì mức tăng trưởng 8-9% và có thêm 800 triệu USD xuất khẩu tại thị trường Mỹ năm 2017 là khả thi. Ngoài ra, dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội để tăng trưởng tốt tại EU, Hàn Quốc…

Nếu so sánh với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, dệt may Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. Cụ thể, theo Trademap - hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước do Trung tâm Thương mại quốc tế Mỹ thiết lập, trong 6 tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm hơn 5%, Bangladesh giảm 3,5%, Indonesia giảm 5%, riêng Ấn Độ tăng 5%.

Một thị trường mà doanh nghiệp nhận được nhiều tín hiệu thuận lợi, được khuyến cáo tiếp tục khai thác mạnh trong thời gian tới là khối các thị trường thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là thị trường Nga đã tăng hơn 100% trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm (tới 18%), tiếp tục là địa bàn lớn cho các doanh nghiệp khai thác triệt để đơn hàng, với thuận lợi là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực.

Xuất khẩu dệt may 2017: Lường trước "kịch bản" xấu để kịp "trở tay"
Dệt may đã chứng kiến sự giảm tốc về xuất khẩu trong năm 2016, với giá trị 28,3 tỷ USD, tăng gần 5%. Mốc tăng trưởng xuất khẩu 8,8% trong năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư