Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đại biểu quốc hội kiến nghị xử lý ngay các vấn đề "nóng" của nền kinh tế, dân sinh
Hữu Tuấn - 29/07/2016 12:50
 
Trong 2 tiếng đồng hồ thảo luận về kinh tế xã hội sáng 29/7, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào nhiều vấn đề "nóng" của nền kinh tế và dân sinh xã hội.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) đã tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cho rằng, các bản báo cáo này đã thể hiện được bức tranh kinh tế cả nước trong 6 tháng đầu năm và những nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ nhằm đạt được những chỉ tiêu kinh tế cao nhất đã được Quốc hội thông qua mà không điều chỉnh lại. 

"Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và nhất là tiêu chí xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, một Chính phủ hành động, liêm khiết và phục vụ đã tạo được sự kích thích cộng đồng doanh nghiệp, tác động tích cực tới nền kinh tế, ông Quốc nhận định.

Theo Đại biểu Phạm Phú Quốc, rất khó để năm 2016 đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP 6,7% như Quốc hội đã đặt ra.

"Trong năm nay, nếu GDP tăng khoảng 6% là tốt. Vì vậy, không cần thiết điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch mà tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là giải quyết các khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu; tập trung cho các dự báo trung và dài hạn về biến đổi khí hậu để chủ động đưa ra sinh kế cho người dân. Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung các chính sách thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng", ông Quốc nêu ý kiến.

Sáng 29/7, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.
Sáng 29/7, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

Theo ông Quốc , giải pháp đầu tiên phải là đầu tư công, chính sách tài chính và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đó, phải xóa bỏ cơ chế xin – cho trong đầu tư công, tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm về ngân sách cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện về cơ chế để địa phương khai thác nguồn thu cho đầu tư. Cần có chính sách minh bạch về cơ chế và trách nhiệm rõ ràng, minh bạch giữa nhà nước và nhà đầu tư trong thực hiện dự án công tư hợp tác TPP.

Về chính sách tài chính, ông  Phạm Phú Quốc đề nghị củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, quản lý điều hành yếu kém dẫn đến rủi ro. Đồng thời phát triển đồng bộ thị trường vốn trung và dài hạn thông qua thị trường chứng khoán, phát huy vai trò của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đóng vai trò Sở giao dịch chứng khoán quốc gia, từng bước nâng tầm vai trò của các thị trường chứng khoán các nước trong khu vực tạo điều kiện để phát triển đồng bộ thị trường vốn.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, ông Quốc đề xuất, các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải tiến hành nhanh cổ phần hóa để thoái vốn nhà nước như kế hoạch đã đặt ra. Nhanh chóng xây dựng mô hình đại diện chủ sở hữu vốn, quản lý vốn nhà nước, đồng thời sử dụng nguồn vốn này để tái cơ cấu kinh tế, tránh phân tán nguồn vốn. Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế các tập đoàn kinh tế mạnh dẫn dắt nền ki nh tế tạo nên thương hiệu quốc gia.

Đối với DNNN theo phân cấp cho chính quyền địa phương quản lý nên giao n guồn vốn này cho địa phương để phục vụ cho phát triển kết cấu hạ tầng. Kinh tế vĩ mô rất cần chính sách hướng tới mục tiêu trung và dài hạn nhất cải thiện năng lực cạnh tranh và thể chế , xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập…

 Đại biểu Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình) lại đặc biệt quan tâm đến tình hình xâm nhập mặn miền Bắc, hạn hán miền Trung Tây Nguyên, xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt là ô nhiễm môi trường của các tỉnh miền Trung vừa qua. 

Theo Đại biểu Trần Công Thuật , ô nhiễm môi trường xảy ra khắp nơi, điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường biển do công ty TNHH Fomusa Hà Tĩnh gây ra đã ảnh hưởng lớn đến người dân, đến an ninh trật tự xã hội, đến lòng tin của người dân.

Đại biểu này cũng gửi đến QH nhiều tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Quảng Bình. Đặc biệt là việc nhân dân và cử tri Quảng Bình đề nghịsớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ với người dân trong vùng bị thiệt hại và khu vực liên quan.

"Hiện nay một số chính sách này chưa đến được với địa phương và người dân; nhanh chóng giải quyết khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm. Quảng Bình cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương và Chính phủ vì những tác động của sự cố đối với tỉnh là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục và ảnh hưởng lâu dài. Phải công khai minh bạch cái gì của dân được đền bù, cái gì là được hưởng từ hỗ trợ Nhà nước, Chính phủ; cái gì là Nhà nước đầu tư để giải quyết sự cố vừa qua", ông Thuật cho biết.

 Theo ông Thuật, dà con cử tri cũng rất quan tâm đến việc quản lý Nhà nước đối với việc xử lý trách nhiệm đã để xảy ra sự cố môi trường biển, coi đây là bài học lớn và sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó với thảm họa môi trường, thiên tai, trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường và bảo đảm phát triển bền vững đất nước; tránh tình trạng lúng túng, thiếu nhạy bén trước sự cố xảy ra vừa rồi.

Đánh giá về các báo cáo của Chính phủ, Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã đánh giá cao sự nhập cuộc của cán bộ lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ là quyết liệt, đã bắt nhịp kịp thời, thực hiện những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, trong lãnh đạo, điều hành của một số ngành, lĩnh vực thời gian qua còn một số vụ việc hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân như xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường chưa triệt để. Đặc biệt, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, đã được cảnh báo từ lâu, nhưng triển khai quá chậm, làm thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con vùng thiên tai.

"Nguyên nhân những hạn chế này do chủ quan là trọng tâm. Đó là do năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công tác quản lý của nhà nước. Điều này, báo cáo của Chính phủ cũng đã có thừa nhận nhưng lại chưa đưa ra được các giải pháp để chỉ đạo, điều hành, khắc phục hạn chế và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong quản lý nhà nước", bà Bé nhận xét và đề nghị: "Báo cáo của Chính phủ phải có một giải pháp riêng về nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, với kỳ vọng của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, trong sạch. Đây cũng là điều kiện để xây dựng một đội ngũ đủ khỏe để đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục như lời hiệu triệu của Thủ tướng gần đây"

 Đề cập đến những thách thức mà “vựa lúa” đồng bằng Sông Cửu Long đang phải gánh chịu, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu rõ: theo kịch bản biến đổi khí hậu, đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Thực tế, điều này đã xảy ra, để lại hậu quả rất khắc nghiệt. Đã có 11/13 tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng, 9/13 tỉnh công bố thiên tai; 52.000 ha đất trồng lúa bị mất trắng; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái của đồng bào bị mất trắng vì hạn hán và xâm nhập mặn; nhiều km bờ biển, bờ sông bị sạt lở; đời sống nhân dân đã khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn.

Theo dự báo, thời gian tới, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng nặng nề hơn. Nhưng cử tri lại rất bất an trước thực trạng đê bao chống xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long còn quá ít. Trong điều kiện nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về không đủ cho đồng bằng Sông Cửu Long thì sẽ gia tăng tình trạng xâm nhập mặn.

"Cử tri đồng bằng Sông Cửu Long đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ưu tiên sớm bố trí đủ nguồn lực để đầu tư cho các công trình cấp bách ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là các công trình ở vùng biển tây mà một số lãnh đạo đã trực tiếp đến khảo sát để đồng bằng Sông Cửu Long sớm quay lại với hình ảnh mượt mà của cánh đồng lúa, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương sớm quy hoạch lại đồng bằng Sông Cửu Long để hướng dẫn bà con nông dân trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với từng vùng, tránh cảnh bà con mình tự xử nhau trong tranh chấp của việc tìm kế sinh nhai, theo kiểu tự phát, nuôi con tôm, trồng cây lúa như vừa qua, đang diễn ra ở đồng bằng Sông Cửu Long", bà Bé kiến nghị.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Đại biểu Quốc hội chấm năng lực điều hành của Chính phủ mới
Bên hành lang kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư