Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
3 tháng, doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài gần 120 triệu USD
Nguyên Đức - 28/03/2023 14:41
 
Singapore là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt trong quý I/2023, nhưng nếu tính lũy kế, Lào mới là thị trường mà nhà đầu tư Việc “dốc vốn” nhiều nhất.

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 119,5 triệu USD, bằng 56,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, có 21 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 113,3 triệu USD, bằng 62,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 7 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 6,2 triệu USD, bằng 19,9% so với cùng kỳ.

Như vậy, cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, trong tháng 3/2023, các doanh nghiệp Việt đầu tư không đáng kể ra nước ngoài. Hai tháng, khoản vốn đã là hơn 115 triệu USD, nhưng ba tháng, chỉ là gần 120 triệu USD.

Dự án của Masan là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt trong quý I/2023

Trên thực tế, khoản vốn 120 triệu USD này hầu hết thuộc về dự án mua cổ phần của Công ty Trust IQ Pte.Ltd tại Singapore. Chỉ riêng dự án của Tập đoàn Masan, với mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ và tiêu dùng này đã có vốn đầu tư 105 triệu USD.

Như vậy, chỉ còn lại 15 triệu USD của 20 dự án mới và 7 lượt dự án tăng vốn. Quy mô vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt còn khá nhỏ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 11 ngành. Trong đó, thông tin và truyền thông dẫn đầu với 3 dự án đầu tư mới và 1 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 105,4 triệu USD, chiếm 88,2% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Ngành dịch vụ khác đứng thứ hai, với 1 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 5 triệu USD, chiếm 4,2%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; y tế, công nghiệp chế biến chế tạo…

Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu là Singapore với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 105,5 triệu USD, chiếm 88,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Israel, Campuchia, Australia, Thái Lan, Lào…

Nếu tính lũy kế đến 20/3/2023, Việt Nam đã có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,9 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm gần 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,7%).

Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,5%); Campuchia (13,5%); Venezuela (8,3%)…

FDI vào Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm, 3 tháng chỉ đạt 5,45 tỷ USD
Không chỉ vốn đăng ký giảm, mà vốn giải ngân cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn chính là nguyên nhân.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư